Tôi không thể ngừng lắc đầu ngao ngán.
Mỗi khi đặt cuốn sách này xuống tôi sẽ quay sang vợ tôi và nói: "Thế quái nào mà không có ai nhìn thấu được cả một đống sự dối trá và lừa lọc này nhỉ? Rõ ràng là đã có hàng tá dấu hiệu cảnh báo!"
Tôi đang đọc cuốn Bad Blood: Secrets and Lies in a Silicon Valley Startup. Cuốn sách kể về Elizabeth Holmes và Theranos. Holmes, được mệnh danh là ‘Steve Jobs phiên bản nữ’. Cô ta đã huy động được 1,1 tỷ USD tài trợ nhờ vào công nghệ xét nghiệm máu độc quyền của Theranos.
Cô ta đã đánh lừa được các giới đầu tư, đó cũng là lúc âm mưu của cô ta đã bắt đầu lớn hơn. Câu chuyện này giống như một câu chuyện bịa đặt nhưng nó có thật và chúng ta phải chia buồn với những người đã bị cô ta lừa.
Khi tôi đọc xong cuốn sách, tôi đã đi tìm hiểu xem liệu những chuyện kiểu này trước đây đã xảy ra chưa. Những người sáng lập khác đã lừa các nhà đầu tư bằng cách cung cấp thông tin sai lệch như thế nào? Dưới đây là 5 trường hợp nổi bật nhất.
1. Con kỳ lân làm bằng "vỏ sò"
Austin, Texas, là "lò" sản xuất ra nhiều công ty khởi nghiệp công nghệ. Một công ty khởi nghiệp có nguồn gốc từ đó là Mozido. Công ty được thành lập vào năm 2008 bởi Michel Liberty.
Mozido là một một công ty chuyên về các giải pháp thanh toán và thương mại di động (m-commerce) tương tự như Apple Pay. Khi mảng thanh toán bằng điện thoại di động thành công vào năm 2015, công ty khởi nghiệp non trẻ này cũng rất phổ biến với người dùng ở Hoa Kỳ, Canada, Mỹ Latinh và Trung Quốc. Do tốc độ phát triển nhanh chóng, Liberty đã có thể huy động được 400 triệu USD từ các nhà đầu tư. Tại thời điểm đó chưa có công ty cùng ngành nào có thể huy động số tiền lớn như Mozidon. Đến tháng 2 năm 2018, Mozido đã được phong danh hiệu kỳ lân và đạt mức định giá cao nhất là 2,4 tỷ USD.
Nhưng điều đáng buồn là ở phía sau, Liberty đang xây dựng một loạt các công ty làm bằng "vỏ sò" với mục đích thu hút các quỹ đầu tư. Đến năm 2018, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) đã truy tố Liberty với tội danh gian lận và công khai anh ta đã lừa hàng trăm nhà đầu tư và cuỗm hơn 48 triệu USD của họ.
Thực ra, trước đó đã có dấu hiệu cảnh báo nhưng không ai chú ý đến. Vào năm 2016, Forbes đã từng gọi Mozido là "Theranos của ngành tài chính". Và hai năm sau điều đó đã thành hiện thực.
2. Just Mayo gian lận!
Ngành công nghiệp thực phẩm thuần chay đã phát triển trong những năm gần đây. Nó được định giá 12,69 tỷ USD vào năm 2018 và người ta dự đoán tốc độ tăng trưởng hàng năm của nó là 9,6% vào năm 2025.
Hampton Creek là cũng một doanh nghiệp tập trung khai thác thị trường đang phát triển này. Một trong những sản phẩm cốt lõi của công ty là Just Mayo. Đây là một loại sốt mayonnaise không chứa sữa được phân phối ở các siêu thị như Safeway, Wholefoods, Costco và Walmart trên khắp Hoa Kỳ.
Đây là tin tích cực đối với các nhà đầu tư vòng Series C trong đó bao gồm cả nhà đầu tư mạo hiểm nổi tiếng - Peter Thiel. Các nhà đầu tư đã đóng góp 90 triệu USD dựa trên doanh số bán hàng mạnh mẽ và phản hồi tích cực của Just Mayo. Nhưng họ lại không biết là Josh Tetrick, CEO của Hampton Creek, đã sử dụng một chiến lược bất hợp pháp để tăng doanh số bán hàng.
Công ty đã ra lệnh cho tất cả các nhà thầu của mình mua lại một số lượng lớn sản phẩm Just Mayo từ các cửa hàng trên toàn quốc. Và như vậy họ làm tăng đáng kể doanh số bán hàng và làm sai lệch mức độ phổ biến của Just Mayo. Tuy nhiên không dừng ở việc mua sản phẩm, Tetrick còn nói với các nhà thầu gọi điện cho các cửa hàng và hỏi xem họ có bán sản phẩm hay không. Một lần nữa họ lại làm giả nhu cầu của người tiêu dùng.
Ali Partovi, một trong những nhà đầu tư, đã phát hiện ra mánh khóe này và nói với Tetrick rằng:
"Nếu một nhà đầu tư phát hiện ra mánh khóe này trong quá trình thẩm định, chúng ta có thể mất sạch tiền và phá sản. Còn nếu không thì vài tháng nữa họ cũng sẽ nhận ra mình đã bị lừa và họ cũng có thể trở thành kẻ lừa đảo."
Tetrick sau đó tuyên bố đây chỉ đơn thuần là một chiến dịch nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm trì. Một lời bào chữa khác mà anh ta đưa ra là vì việc thử nghiệm sản phẩm luôn được tiến hành với quy mô lớn khi được yêu cầu. Một đánh giá về tài chính 2014-2015 cho thấy 1,4 triệu USD đã được chi cho việc ‘thử nghiệm sản phẩm’ trong 5 tháng, trong khi doanh thu thuần trong cùng kỳ là 1,9 triệu USD.
SEC và Bộ Tư pháp đã tiến hành một cuộc điều tra nhưng lại không thể tìm thấy đủ bằng chứng để buộc tội Tetrick.
Không lâu sau một thương hiệu đã nhanh chóng được đổi tên, và Hampton Creek hiện có một cái tên mới là Eat Just.
3. Ứng dụng quà tặng đã đưa người sáng lập của nó vào tù một thời gian
Renato Liamonds muốn phá vỡ thị trường thẻ quà tặng có giá trị 100 tỷ USD với công ty khởi nghiệp Bouxtie của mình. Các nhà bán lẻ có thể sử dụng ứng dụng này và cho phép khách hàng mua sắm sau đó cá nhân hóa thẻ quà tặng bằng kỹ thuật số.
Đối với những ý tưởng kiểu này thực ra nó không quá sáng tạo vì về cơ bản ứng dụng này hoạt động như một tổ chức trung gian thu lợi nhuận thấp giữa người tiêu dùng và nhà bán lẻ. Mặc dù vậy, Liamonds đã thu hút được vài triệu USD tiền đầu tư.
Ngay sau đó, Liamonds phát hiện ra kế hoạch của mình không mang lại lợi nhuận. Vậy nên ông ta đã quyết định đánh lừa các nhà đầu tư để họ tiếp tục rót tiền cho ông ta. Một trong những kế hoạch của ông ta là giả chữ ký trên séc để cho các nhà đầu tư thấy rằng các tập đoàn lớn đang tìm cách mua lại Bouxtie. Ông ta đã bắt đầu làm giả các tài liệu tài chính bao gồm báo cáo ngân hàng. Ngoài ra còn thay đổi số dư ngân hàng Beauxtie từ 7600 USD thành 2 triệu USD. Thậm chí ông ta còn bịa ra và tung tin rằng mình đang được Richard Branson tư vấn để lọt vào danh sách của Forbes. Điều này chứng tỏ rằng ngay cả Forbes đôi khi cũng bị lừa.
Không chỉ lừa được Forbes, ông ta còn lừa được Moose Run - một công ty đầu tư có trụ sở tại Las Vegas 1,5 triệu USD.
Cuối cùng, mọi gian lận tài chính đã được làm sáng tỏ và Liamonds bị truy tố về tội lừa đảo. Ông ta đã nhận tội với cáo buộc lừa đảo 1,5 triệu USD và phải ngồi tù 3 năm.
4. Từ sự dối trá biến thành một hãng ô tô điện OEM lớn nhất ở Mỹ
Elon Musk là cái tên nổi tiếng trong ngành xe điện. Trevor Milton cũng nổi tiếng nhưng bằng cách hoàn toàn khác với Elon Musk. Milton là người thành lập hãng sản xuất xe tải điện Nikola.
Tuy nhiên, không giống như Elon, Milton lại bắt chước vở kịch của Holmes và làm giả công nghệ của mình. Vào tháng 9 năm 2020, một báo cáo của một công ty nghiên cứu tài chính đã phát hiện ra gian lận của Milton và khéo léo đặt cho nó một cái tên: Nikola: How to Parlay An Ocean of Lies Into a Partnership With the Largest Auto OEM in America. (tạm dịch: Nikola: Làm thế nào mà nó có thể biến một đại dương toàn sự dối trá thành một hãng ô tô điện OEM lớn nhất ở Mỹ).
Trong báo cáo này, họ chỉ ra rằng Milton đã làm giả khá nhiều thứ về Nikola. Chúng bao gồm công nghệ pin độc quyền, giếng khí đốt tự nhiên, tấm pin mặt trời và khả năng sản xuất hydro. Báo cáo thậm chí còn cho biết các video quảng cáo của họ là giả mạo.
Với mạng lưới lừa đảo này, Nikola đã huy động được 2,5 tỷ USD tiền tài trợ. Đó là chưa tính thỏa thuận trị giá 2 tỷ USD với General Motors. Khi báo cáo được công bố, Milton đã từ chức và hiện đang bị Ủy ban Chứng khoán và Bộ Tư pháp điều tra.
Ngoài ra Nikola còn phải đối mặt với hai cáo buộc tấn công tình dục từ những phụ nữ kém tuổi.
5. Điều trớ trêu của phần mềm phát hiện gian lận
NS8 là một nền tảng phát hiện và ngăn chặn gian lận do Adam Rogas sáng lập. Rogas rất quan tâm đến các hành vi gian lận. Anh ta quan tâm đến mức chính anh ta cũng say mê gian lận.
Rogas thành lập NS8 vào năm 2016 và tuyên bố phần mềm này có thể phát hiện gian lận trong các giao dịch thương mại điện tử. Công ty cũng hợp tác với các công ty thương mại điện tử như Shopify và Magento.
Cũng bắt chước Liamonds, Rogas đã làm giả các tài liệu tài chính để huy động vốn từ các nhà đầu tư. Trong khoảng thời gian từ năm 2018 đến năm 2019, các số liệu doanh thu của anh ta tăng lên đều đặn, điều này làm dấy lên những nghi ngờ của SEC. Anh ta đã kiếm về hơn 150 triệu USD tiền tài trợ, 17,5 triệu USD trong số đó anh ta giữ cho riêng mình.
Điều thú vị là ngay cả sau khi SEC thông báo họ đang điều tra Rogas vì nghi ngờ gian lận vào năm 2019, thì anh ta vẫn kiếm được 73 triệu USD tài trợ trong vài tháng. Tôi đoán là có lẽ mấy nhà đầu tư nhiều tiền quá không biết tiêu vào nên mới làm như vậy.
Tháng 9 năm ngoái, SEC và FBI đã bắt giữ Rogas. Anh ta hiện đang chờ xét xử và phải đối mặt với mức án 45 năm tù giam.
Mai Lâm - Theo Medium
Tin nổi bật Tài chính