Phiên giao dịch 2/3 chứng kiến đà bán tháo tại nhóm cổ phiếu ngân hàng trong nước với hàng loạt mã giảm sâu đi cùng thanh khoản tăng đột biến. Kết phiên có tới có tới 16/27 mã ngân hàng giảm hơn 2%, trong đó có 1 mã mất trên 5% và 3 mã giảm hơn 4%.
Không chỉ thị trường trong nước, các cổ phiếu ngân hàng trên thế giới cũng đồng loạt lao dốc sau khi cuộc chiến giữa Nga và Ukraine bùng phát.
Giảm mạnh nhất phải kể đến các ngân hàng của Nga khi nước này chịu các lệnh trừng phạt chưa từng có tiền lệ từ phương Tây. Số liệu từ Investing cho thấy, cổ phiếu Sberbank – ngân hàng thuộc sở hữu của Chính phủ Nga - niêm yết trên thị trường London đã mất gần như toàn bộ giá trị kể từ khi xung đột xảy ra.
Trong khi cổ phiếu của nhiều ngân hàng lớn tại Mỹ cũng ghi nhận mức giảm sâu trong phiên 1/3 như Wells Fargo&Co (-5,77%), Bank of America (-3,91%), JPMorgan (-3,77%), Citigroup (-1,08%),…
Tại Châu Âu, SX7P - chỉ số đại diện cho các cổ phiếu ngân hàng hàng đầu châu Âu - đã giảm 1,7% vào thứ Tư, sau khi giảm 5,6% vào thứ Ba và 4,5% vào thứ Hai. Với nhịp giảm trên, chỉ số SX7P đã chạm mức thấp nhất kể từ tháng 4 và giảm 27% so với mức cao nhất của tháng trước.
Theo Reuters, làn sóng trừng phạt mới nhất đối với Nga trong chiến dịch tại Ukraine đã đẩy ngành ngân hàng toàn cầu vào tình trạng hỗn loạn sâu hơn, khi các nước phương Tây cố gắng siết chặt khả năng tiếp cận tiền mặt của Moscow cũng như hoạt động thương mại quốc tế của nước này.
Cụ thể, một số ngân hàng Nga sẽ bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT và quan trọng hơn là các lệnh trừng phạt nhắm vào ngân hàng trung ương Nga để ngăn cơ quan này sử dụng dự trữ ngoại hối của mình.
Không chỉ tác động trực tiếp đến hoạt động của ngân hàng Nga, các lệnh trừng phạt cũng tác động đến các nhà cho vay phương Tây vốn có mối quan hệ làm ăn với nước này.
Reuters dẫn số liệu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho thấy, các ngân hàng Ý và Pháp có mức độ quan hệ kinh tế với Nga nhiều nhất, với hơn 25 tỷ USD mỗi nước vào cuối tháng 9, tiếp theo là các ngân hàng Áo với 17,5 tỷ USD. Số tiền mà các ngân hàng Mỹ quan hệ giao dịch với Nga cũng lên tới 14,7 tỷ USD.
Theo Reuters, các định chế tài chính nước ngoài đang tìm phương án giảm giao dịch tài chính với Nga và tháo chạy khỏi nước này. Giám đốc điều hành Amanda Blanc của Aviva cho biết sẽ thoái các đầu tư vào Nga "ngay khi chúng tôi có thể". Trong khi Ngân hàng Mashreqbank của Dubai đã ngừng cho vay đối với các ngân hàng Nga và đang xem xét lại mức độ quan hệ với nước này.
Đối với Việt Nam, đánh giá về diễn biến giảm sâu của nhóm cổ phiếu ngân hàng trong phiên 2/3, ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán MB (MBS), cho rằng ngoài tác động tâm lý từ thị trường quốc tế, ngành ngân hàng trong nước cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc xung đột Nga và Ukraine.
Cụ thể, căng thẳng giữa Nga và Ukraine khiến giá cả hàng hóa trên thị trường toàn cầu tăng cao đặc biệt là xăng, dầu; qua đó làm gia tăng áp lực lạm phát. Trong bối cảnh lo ngại về lạm phát của người dân, các ngân hàng sẽ phải tăng lãi suất huy động trong khi lãi suất cho vay chưa thể tăng do tình hình sản xuất của các doanh nghiệp chưa phục hồi.
''Xu hướng giảm của cổ phiếu ngân hàng có thể đến từ lo ngại của nhà đầu tư đối với tỷ suất lời các nhà băng khi lạm phát có xu hướng gia tăng'', ông Tuấn cho biết.
Bên cạnh đó, theo ông Tuấn, dù quan hệ với Nga là khá khiêm tốn so với quy mô nền kinh tế Việt Nam nhưng không thể phủ nhận những tác động tiêu cực. Theo đó, ngân hàng nào có quan hệ giao dịch với Nga sẽ bị ảnh hưởng khi nước này chịu nhiều lệnh trừng phạt.
Trong thời gian tới, vị chuyên gia này lo ngại sự leo thang của xung đột giữa Nga – Ukraine và xu hướng thắt chắt tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ tác động tiêu cực tới tâm lý thị trường nói chung và nhóm cổ phiếu ngân hàng nói riêng.
Theo Quang Hưng
Tin nổi bật Tài chính