Theo tờ Wall Street Journal, trong cuộc chiến tranh tiền tệ đang diễn ra trên thế giới, Mỹ một lần nữa lại trở thành là phe giành thắng lợi. Và, giống như cách nước Mỹ đã giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại những thế lực muốn đồng USD phải giảm giá sau khủng hoảng tài chính 2008, lần này Mỹ nhất định không để cho đồng USD tăng giá.
Giờ đây, câu hỏi mà các nhà đầu tư đặt ra là liệu đồng USD tăng giá sẽ giúp kinh tế toàn cầu tái cân bằng hay sẽ khiến kinh tế thế giới lao đao. Hiện chỉ cần tăng thêm 1 cent nữa là đồng bạc xanh sẽ ngang giá với euro lần đầu tiên kể từ năm 2002, và USD cũng đang ở mức cao nhất kể từ năm 1998 khi so với yên Nhật. Sau khi đã điều chỉnh theo lạm phát, trong lịch sử chỉ có 2 lần đồng USD mạnh đến như vậy. Đó là vào năm 2002 và 1985.
Chỉ số Dollar Index. Nguồn: Wall Street Journal
Có 2 nguyên nhân khiến đồng USD tăng giá mạnh trong thời gian vừa qua: chính sách tiền tệ và sức mạnh kinh tế Mỹ.
Mặc dù gần đây Mỹ công bố nhiều dữ liệu kinh tế đáng thất vọng sau một thời gian tăng trưởng vượt trội, nếu so với phần còn lại của thế giới thì nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn nổi trội. USD tăng mạnh so với euro và yên một phần là do giá khí đốt tăng cao và nguy cơ Nga cắt nguồn cung khí đốt cho châu Âu. Là các nước nhập khẩu nhiều năng lượng và máy móc, Nhật Bản và Đức sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Không có gì khó hiểu khi dòng vốn đầu tư mới sẽ chuyển hướng, và Mỹ là 1 điểm đến hấp dẫn vì có thể tự chủ năng lượng nhờ dầu đá phiến. Điều này càng khiến đồng USD tăng giá.
"Nước Mỹ đang có rất nhiều lợi thế cạnh tranh", Jonas Goltermann, chuyên gia kinh tế đang làm việc tại Capital Economics nói.
Ngược lại, chi phí nhập khẩu của Nhật Bản và Đức đã tăng mạnh mà chủ yếu là do họ phải chi nhiều tiền hơn để nhập khẩu năng lượng. Tháng 5, Đức ghi nhận thâm hụt thương mại lần đầu tiên kể từ năm 1991, trong khi nước này vẫn nổi tiếng là luôn duy trì thặng dư cán cân thương mại.
Xét theo khía cạnh nào đó thì đồng USD giúp cải thiện tình hình. Nếu như thị trường phán đoán đúng là trong Đức vĩnh viễn phải đối mặt với tình trạng giá năng lượng tăng cao, nước này sẽ phải điều chỉnh để giảm phụ thuộc vào công nghiệp nặng và những nhà máy hóa chất chạy bằng khí đốt giá rẻ nhập khẩu từ Nga. Đồng euro yếu giúp tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đồng thời khuyến khích dòng vốn đầu tư chảy sang những ngành xuất khẩu tiêu thụ ít năng lượng hơn.
Nhưng đồng nội tệ yếu sẽ gây tổn hại cho người tiêu dùng, những người không còn có thể mua hàng hóa nhập khẩu, và còn làm tăng lạm phát. Tại Mỹ, điều ngược lại đang diễn ra: đồng USD mạnh lên gây khó cho các nhà xuất khẩu và làm giảm lợi nhuận của các tập đoàn đa quốc gia nhưng sẽ khiến hàng hóa nhập khẩu rẻ hơn và giúp ích cho công cuộc chống lạm phát của Fed.
Tác động của chính sách tiền tệ lên đồng USD rất rõ ràng. Tiền ở Mỹ sẽ mang về lợi suất cao hơn ở các nơi khác, do đó động cơ để USD tăng giá ngày càng lớn. Fed đang tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, nhưng NHTW châu Âu thì chưa (mặc dù đã tuyên bố sẽ tăng) và NHTW Nhật Bản kiên quyết không tăng lãi suất. Vài tuần gần đây kỳ vọng Fed tiếp tục tăng lãi suất đã giảm đi phần nào do nỗi lo suy thoái tăng lên, nhưng kỳ vọng tăng lãi suất ở châu Âu còn sụt giảm mạnh hơn.
Rất khó để nhận định chính xác khi nào đà tăng của đồng USD sẽ dừng lại. Phương pháp ngang giá sức mua sẽ so sánh giá cả của một mặt hàng tại nhiều nước nhưng thường cho ra kết quả khác xa so với tỷ giá thực tế. Theo chỉ số Big Mac mà Economist thống kê nhiều năm nay, với tỷ giá hiện tại thì 1 chiếc bánh kẹp Big Mac ở Nhật và hiện rẻ hơn 42% so với ở Mỹ.
Đồng yên Nhật đã giảm giá rất mạnh trong thời gian gần đây.
Không có thước đo hiệu quả, các nhà giao dịch tiền tệ thường dựa vào các đồ thị kỹ thuật để dự đoán xu hướng biến động. Họ nhận định đồng euro ngang giá với USD là 1 điều hợp lý trong bối cảnh xung đột ở Ukraine chưa có hồi kết như hiện nay. Tuy nhiên yên Nhật đang quá rẻ và sẽ điều chỉnh trong tương lai gần. Một điểm bất thường của đồng yên là đồng tiền này thường được coi là hầm trú ẩn và sẽ tăng giá khi có bất ổn, nhưng vài tuần gần đây khi nỗi lo kinh tế toàn cầu suy thoái tăng lên thì đồng tiền này lại giảm giá sâu hơn.
Tỷ giá càng bị kéo căng thì giai đoạn điều chỉnh sẽ diễn ra càng nhanh và "đau đớn". Tuy nhiên nếu như không có sự kiện bất ngờ nào xảy ra – ví dụ như 1 thỏa thuận hòa bình ở Ukraine giúp nguồn khí đốt giá rẻ quay trở lại Đức hoặc Fed đổi hướng sang nới lỏng chính sách tiền tệ, rất khó để tìm thấy lý do khiến đồng USD đổi chiều và giảm giá.
Tham khảo Wall Street Journal
Theo Thu Hương
Tin nổi bật Tài chính