Ngoài DINK, còn 3 lối sống đi ngược truyền thống nữa cũng đang "làm mưa làm gió" trong xã hội: Bạn có nhìn thấy mình trong đó?

Dù bị chỉ trích vì đi ngược lại truyền thống, những người theo đuổi DINK, HENRY, PANK và DEWK vẫn tận hưởng niềm vui riêng mà lối sống mới đem lại cho mình.

Theo quan niệm của xã hội, một cuộc sống chuẩn mực là đi làm kiếm tiền, tích cóp để mua nhà và xe, đến tuổi thì lập gia đình, sau đó sinh con đẻ cái để nối dõi tông đường. Tuy nhiên, không phải người trẻ nào bây giờ cũng an phận với viễn cảnh tương lai như vậy. 

Xã hội thay đổi từng ngày tạo nên nhiều lối sống mới “lạ lùng”, đôi khi còn đi ngược lại với truyền thống.

DINK

DINK là viết tắt của cụm từ “Dual Income, No Kids” (Thu nhập nhân đôi, không con cái). Trào lưu này đã tồn tại từ lâu ở phương Tây, nhưng mới du nhập sang châu Á trong thập niên 80 của thế kỷ trước.

Những gia đình theo đuổi lối sống DINK thường có học thức cao, thu nhập ổn định. Không vướng bận con cái, họ dành thời gian và tiền bạc vào việc hưởng thụ cuộc sống, chẳng hạn như đi du lịch, mua siêu xe, mua sắm, nuôi thú cưng… 

Có rất nhiều nguyên nhân khiến các cặp đôi lựa chọn lối sống này. Trước tiên, họ sẽ tiết kiệm được một khoản tiền lớn để sống một cuộc đời sung túc, đồng thời có thêm thời gian để chăm sóc lẫn nhau. Ngoài ra, hai vợ chồng cũng sẽ không phải chịu áp lực nuôi trẻ, từ đó duy trì được hạnh phúc gia đình, hạn chế bất đồng quan điểm.

Thậm chí, một số nghệ sĩ cho biết, chọn lối sống DINK vì muốn bảo vệ môi trường, khi mà dân số thế giới đang bùng nổ vượt mức tài nguyên thiên nhiên sẵn có. 

Dù vậy, những người theo đuổi lối sống DINK thường bị gia đình và xã hội chỉ trích là “ích kỷ”, bất hiếu, chỉ biết nghĩ cho bản thân. Một số nhà khoa học cho rằng, lối sống này có thể khiến nữ giới mắc bệnh phụ khoa, đe dọa an ninh dân số thế giới, cũng như làm tăng tỷ lệ ly hôn và chi tiêu quá tay ở các gia đình.

HENRY

HENRY là viết tắt cho “High Earner, Not Yet Rich” (Thu nhập cao, nhưng chưa giàu). Thuật ngữ này được nhắc tới lần đầu trên tạp chí Fortune năm 2003, dùng để chỉ những người có thu nhập trên 100.000 USD/năm (2,3 tỷ VNĐ) nhưng luôn cảm thấy nghèo.

Theo Trung tâm nghiên cứu Pew, con số trên tương đương với mức thu nhập năm của tầng lớp trung lưu tại Mỹ. Tại Việt Nam, tầng lớp trung lưu là nhóm người có thu nhập ở mức trên 15 USD/ngày (trên 10,3 triệu VNĐ/tháng). 

Những người theo đuổi lối sống này chủ yếu là thuộc nhóm tuổi 30, làm trong các lĩnh vực như kỹ thuật phần mềm, marketing, báo chí, luật pháp, y tế và tài chính. Họ sống tại các thành phố lớn đắt đỏ, đam mê lối sống xa xỉ như đi du lịch nước ngoài, tập gym ở nơi đắt tiền, mua đồ hiệu… 

Những người theo lối sống HENRY có tiết kiệm tiền, nhưng chẳng đáng là bao so với số tiền chi tiêu hàng ngày.  Họ “làm bao nhiêu, ăn bấy nhiêu”, chú trọng đến những trải nghiệm trong hiện tại thay vì lo xa trong tương lai.

Theo một số chuyên gia, nếu cứ duy trì lối sống vượt quá khả năng này, người trẻ sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro tài chính, nhất là trong trường hợp gặp chuyện đột xuất, thấp nghiệp, suy thoái kinh tế. Vì vậy, những người theo lối sống HENRY nên tiết kiệm khoảng 10% thu nhập mỗi tháng, lập 2-3 mục tiêu tài chính trong tương lai để đảm bảo an toàn cho chính mình.

PANK

PANK là viết tắt của “Professional Aunt, No Kids”, dùng để chỉ những người phụ nữ toàn tâm toàn ý với công việc, không sinh con, nhưng lại rất chiều chuộng, quan tâm đến các cháu của mình. Nói cách khác, họ chính là những người cô, người dì vui vẻ, dễ tính, hay tặng quà mà trẻ con nào cũng thích.

Thuật ngữ này được Melanie Notkin - người sáng lập blog SavvyAuntie - sáng tạo ra nhằm miêu tả đối tượng độc giả chính của mình. Tuy không có con, họ vẫn đóng vai trò quan trọng trong cuộc đời của con cái nhà người khác, thường xuyên hoạt động trên mạng xã hội, có khả năng chi phối quyết định mua sắm của nhiều bà mẹ. 

Độ tuổi trung bình của người phụ nữ theo đuổi lối sống PANK là 36. Họ có mức thu nhập ổn định, không ngại “tài trợ” tiền bạc và quà tặng cho đứa trẻ và cha mẹ chúng. Họ cũng hiểu biết nhiều về các sản phẩm dành cho trẻ nhỏ và gia đình, thạo các loại việc nhà như nấu nướng, giặt giũ, làm vườn, khâu vá, chăm trẻ,... Tuy nhiên, khác với nhiều mẹ bỉm sữa, họ vẫn dành phần lớn thời gian để giao lưu xã hội và tận hưởng cuộc sống như đi du lịch, tình nguyện, hẹn hò,...

DEWK

DEWK là viết tắt của “Dual Employed With Kids” (Vợ chồng cùng đi làm, cùng nuôi con). Đây là đối tượng khách hàng mà các nhãn hàng đồ chơi, quần áo trẻ con, ngũ cốc ăn sáng và các dịch vụ dành cho trẻ em thường nhắm tới.

Ở Việt Nam, đặc biệt là các thành phố lớn, mô hình DEWK khá phổ biến. Tuy nhiên, ở Nhật Bản - nơi có tới 70% phụ nữ chấp nhận bỏ việc sau khi sinh con, đây là một lối sống có phần đi ngược lại với truyền thống. Bởi lẽ, trong tâm thức của họ, đàn ông là trụ cột kinh tế, còn phụ nữ là tay hòm chìa khóa, ở nhà làm nội trợ và chăm con.

Trong các gia đình DEWK, hai vợ chồng đều làm toàn thời gian. Thu nhập khả dụng của họ thấp hơn do phải dành tiền cho các hoạt động nuôi dạy con cái và chi phí nhà ở. Họ thường xuyên phải cân đo đong đếm giữa thu nhập và chi phí để xem mình nên tiếp tục đi làm hay ở nhà tự chăm con.

Lối sống DEWK cũng có khá nhiều biến thể khác nhau, phụ thuộc vào hoàn cảnh của từng gia đình:

- Boomerang Children (Con cái boomerang): Thuật ngữ này để chỉ những đứa con vẫn sống cùng với cha mẹ sau khi tốt nghiệp hoặc đã đến tuổi trưởng thành và đi làm. Có những người tuy sống cùng cha mẹ nhưng vẫn có thu nhập riêng, tự trả các chi phí sinh hoạt trong gia đình, thậm chí là hỗ trợ ngược lại cha mẹ. Tuy nhiên, cũng có không ít người chỉ biết ăn bám, lẹm vào cả tiền lương hưu hay tiền tiết kiệm dành dụm của cha mẹ.

- Sandwich Household (Gia đình bánh kẹp): Thuật ngữ này dùng để chỉ những người vừa phải chăm sóc con cái, vừa phải nuôi cha mẹ già. 

- Empty Nester (Tổ ấm trống trải): Thuật ngữ này dùng để chỉ những cặp vợ chồng có con cái đã tách ra sống tự lập. Họ có thể tiết kiệm nhiều tiền hơn cho quỹ hưu trí, cũng như dành thời gian để tận hưởng cuộc sống. 

(Tổng hợp)

Linh Hân - Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Các bài viết liên qua đến Ngoài DINK, còn 3 lối sống đi ngược truyền thống nữa cũng đang "làm mưa làm gió" trong xã hội: Bạn có nhìn thấy mình trong đó?