“Thứ Sáu Đen”, diễn biến USD và World Cup sẽ tác động ra sao tới thị trường tài chính toàn cầu tuần tới?

Ngày quan trọng nhất đối với các nhà bán lẻ Mỹ đã đến và nhiều câu hỏi đặt ra về việc liệu đồng đô la có bị mất đi ánh hào quang hay không. Dữ liệu của các nhà quản lý mua hàng toàn cầu sẽ làm sáng tỏ về sức khỏe của nền kinh tế thế giới, trong khi Bắc Kinh có thể tăng cường một số biện pháp hỗ trợ đã hứa. Và mùa giải bóng đá World Cup sẽ bắt đầu ở Qatar.

Dưới đây là tổng hợp những sự kiện kinh tế - tài chính trên toàn cầu đáng chú ý trong tuần tới.

1/ Dữ liệu mua sắm sẽ nói lên điều gì?

Với những lo ngại rằng nền kinh tế Mỹ có thể đang trên bờ vực suy thoái, một phép thử quan trọng về nhu cầu của người tiêu dùng sẽ có vào ngày 25 tháng 11, khi các nhà bán lẻ tung ra đợt giảm giá Black Friday ("Thứ Sáu Đen") - một ngày theo truyền thống được đánh dấu bằng những hàng dài người mua sắm háo hức mua hàng giảm giá.

Lạm phát tăng vọt và lãi suất tăng cao có thể kiểm tra nhu cầu mua hàng ở nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Doanh số bán lẻ tháng 10 của Mỹ tăng hơn dự kiến, được thúc đẩy bởi hoạt động mua xe cơ giới và một loạt hàng hóa khác, cho thấy người tiêu dùng có thể sẽ mạnh tay chi tiêu vào cuối năm. Hãy nhớ rằng chi tiêu của người tiêu dùng chiếm hơn 2/3 hoạt động kinh tế của Mỹ.

Các nhà bán lẻ đã đưa ra kết quả khác nhau trong mùa báo cáo gần đây nhất. Chỉ trong tuần này, Walmart đã nâng dự báo doanh thu và lợi nhuận hàng năm do nhu cầu đối với hàng tạp hóa dự kiến sẽ tăng mặc dù giá cao hơn, trong khi Target dự báo doanh số bán hàng trong quý có nhiều ngày nghỉ lễ sẽ giảm bất ngờ.

2/ USD đã qua đỉnh?

Sự tăng giá của đồng đô la Mỹ là chủ đề chính của các thị trường trong năm 2022, nhờ vào nỗ lực tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) để kiềm chế lạm phát, giúp đồng tiền này có lợi thế hơn so với các đồng tiền lớn khác đối với các nhà đầu tư, những người đã không quan tâm đến bất cứ loại lợi tức nào trong ít nhất là một thập kỷ.

Báo cáo lạm phát tháng 10 của Mỹ đưa ra bằng chứng cho thấy áp lực tăng giá tiêu dùng đã chậm lại trong 4 tháng liên tiếp, từ mức cao nhất trong 41 năm của tháng 6 là 9,1%. Trong khi đó, chỉ số đồng đô la (Dollar index – DXY) đạt mức cao nhất trong 20 năm là 114,78 vào tháng 9 và đã giảm kể từ đó.

Giờ đây, DXY đang hướng tới quý giảm nhiều nhất kể từ quý 2 năm 2017, giảm 4,5% giá trị.

3/ Triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm

Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết triển vọng kinh tế toàn cầu thậm chí còn ảm đạm hơn so với một tháng trước. Sự bi quan có hợp lý không? Dữ liệu sơ bộ về hoạt động kinh doanh trong tháng 11 từ một số nền kinh tế trong những ngày tới có thể trả lời câu hỏi này.

Chỉ số PMI sản xuất trong tháng 10 cho thấy ngành công nghiệp toàn cầu suy giảm sâu sắc, với các thị trường phát triển dẫn đầu sự suy giảm. Ở hầu hết các quốc gia châu Âu, PMI đều dưới mốc 50 - phân biệt giữa mở rộng và thu hẹp, chỉ riêng Pháp là một ngoại lệ.

Nước Anh đã phải đối mặt với một cuộc suy thoái kéo dài. Tăng trưởng kinh tế khu vực đồng Euro đã duy trì tốt hơn dự kiến và thị trường lao động vẫn tương đối mạnh mẽ. Tuy nhiên, nguy cơ suy thoái kinh tế vẫn tăng cao tại khu vực đang vật lộn với cú sốc năng lượng và chi phí mọi thứ đều tăng cao, từ tài chính đến tiền lương.

4/ Trung Quốc kích thích kinh tế

Cam kết tăng cường các biện pháp chính sách hỗ trợ của ngân hàng trung ương Trung Quốc sẽ được thể hiện vào thứ Hai (21/11), khi nước này công bố lãi suất cơ bản đối với tiền cho vay.

Thị trường chứng khoán và kim loại công nghiệp đang lạc quan bởi Chính phủ Trung Quốc đưa ra những biện pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, từ hỗ trợ cho thị trường bất động sản đang gặp khó cho đến nới lỏng các chính sách chống COVID-19.

Tuy nhiên, dịch COVID-19 ở Trung Quốc vẫn diễn biến phức tạp. Bắc Kinh cho rằng các biện pháp "cứu mạng" là cần thiết.

Các ngân hàng trung ương khác trong khu vực tuần tới cũng sẽ đưa ra quyết định về lãi suất. Ngân hàng Dự trữ New Zealand được cho là sẽ tăng mạnh lãi suất - thêm 75 điểm- vào thứ Tư (23/11), trong khi Ngân hàng Hàn Quốc được cho là sẽ thắt chặt trở lại, nhưng có thể chỉ ở mức 1/4 điểm.

5/ World Cup thúc đẩy kinh tế

Giải bóng đá World Cup cuối cùng cũng khai mạc vào Chủ nhật (20/11). Qatar có nhiều nỗ lực để giải đấu diễn ra suôn sẻ - với hy vọng khẳng định vị trí của Doha trên trường quốc tế và thúc đẩy kinh tế.

Tiêu dùng, chi tiêu của chính phủ và xuất khẩu dịch vụ gia tăng đều là những điều tích cực đối với quốc gia vùng Vịnh này khi triển vọng tăng trưởng của Qatar thấp hơn một số quốc gia cùng ngành trong khu vực chịu tác động mạnh bởi giá dầu thô cao. Nhưng theo các nhà phân tích, vẫn còn phải xem những tác động này có thể kéo dài bao lâu.

Tham khảo: Refinitiv

Theo Vân Chi

Các bài viết liên qua đến “Thứ Sáu Đen”, diễn biến USD và World Cup sẽ tác động ra sao tới thị trường tài chính toàn cầu tuần tới?