Số lượng tài khoản giao dịch đăng ký mới trên thị trường chứng khoán lũy kế 6 tháng đầu năm 2021 đạt 482,8 nghìn tài khoản, gấp 3,7 lần cùng kỳ năm 2020. Ước tính, mỗi ngày có gần 2.700 tài khoản chứng khoán mở mới. Việc gia tăng ồ ạt các nhà đầu tư F0 kéo theo tăng trưởng về nhu cầu tư vấn đầu tư.
Nắm bắt được nhu cầu này, nhiều room chat có tên gọi hấp dẫn như “Cổ phiếu chân sóng”, “Bigboy đầu tư chứng khoán”, “Cổ phiếu trà đá lợi nhuận phi thường”, “Chứng khoán tăng trưởng 2021”, “Cộng đồng tích sản cổ phiếu”… xuất hiện trên mạng xã hội như Facebook, Zalo hay Telegram… Theo đó, tiêu chí của các nhóm này được đặt ra là giảm thiểu rủi ro và gia tăng hiệu quả trong quá trình đầu tư.
Theo thông tin từ Báo đầu tư chứng khoán, hiện có 2 hình thức phổ biến của các nhóm này cũng là 2 trường phái của nhà đầu tư khi tham gia thị trường chứng khoán.
Nhóm thứ 1 là nhóm đầu tư vào giá trị nội tại doanh nghiệp. Các nhóm này thường được đội ngũ môi giới chuyên nghiệp, có thâm niên trong nghề mở ra nhằm tư vấn tốt hơn cho các khách hàng của mình, phân tích, định hướng đầu tư dựa trên giá trị cốt lõi dài hạn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, số lượng nhóm này hiện nay lại rất ít và không dành cho mọi đối tượng tham gia.
Nhóm thứ 2 là nhóm đầu cơ lướt sóng thị trường với mục tiêu mua bán ngắn hạn để hưởng chênh lệch giá. Những nhóm này đứng sau thường là các môi giới trẻ tuổi. Họ có thể thu hút số lượng người tham gia đông đảo, từ vài chục, vài trăm đến hàng nghìn thành viên, hầu hết đều là những nhà đầu tư mới.
Trong nhóm thứ 2 lại được chia thành nhóm miễn phí và nhóm VIP. Nhóm miễn phí được lập ra với mục tiêu gom được càng nhiều người tham gia lấy tương tác càng tốt, sau quá trình sàng lọc sẽ tìm được những tay chơi VIP khác. Báo Đầu tư chứng khoán cũng cho biết thêm, các thông tin sẽ được môi giới đẩy tới nhóm lớn sau khi các nhóm VIP đã biết trước hoặc có những kế hoạch giao dịch nhất định.
Đối với nhóm VIP, để được tham gia nhà đầu tư phải mất phí hoặc khoản đầu tư phải đạt mức tối thiểu mà môi giới đưa ra. Tất nhiên đổi lại khi tham gia những nhóm VIP này nhà đầu tư được chăm sóc tốt hơn, cập nhật thông tin liên tục, thiết kế danh mục tốt và hưởng các ưu đãi tài chính. Ví dụ như mức phí ưu đãi, lãi suất thấp, dịch vụ T0,...
Nhận định từ chuyên gia
Bình luận trên VnEconomy, ông Trần Đức Anh, Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược Thị trường của Chứng khoán KBSV cho rằng, sự xuất hiện đông đảo các room chat chứng khoán là điều hết sức bình thường.
Chia sẻ trên Đầu tư Chứng khoán, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam cho rằng tâm lý nhà đầu tư F0 thời nào cũng giống nhau. Phần lớn họ không tìm hiểu kỹ, dẫn đến khi thị trường đảo chiều, nhà đầu tư không ứng biến được do không có kinh nghiệm. Nhiều người tham gia thị trường vội vã xuống tiền khi chưa có kinh nghiệm thực tế sẽ dễ dàng đưa mình vào rủi ro... Không ít F0 nhẹ dạ nghe theo lời tư vấn của môi giới và “chuyên gia mạng” trong các room mà không có trang bị kiến thức và lường trước rủi ro.
Thậm chí theo ông Đức Anh, có những room chat hoạt động chỉ để kích thích nhà đầu tư mua bán càng nhiều càng tốt, giao dịch liên tục để tạo doanh thu, thu phí giao dịch cho công ty chứng khoán. Việc các nhóm chứng khoán nở rộ sẽ khiến nhiều nhà đầu tư F0 đặc biệt là những người mới tham gia, không có kiến thức sẽ khó khăn lựa chọn môi giới, room chat để tạo lợi nhuận của mình.
Một nhà đầu tư lâu năm trên thị trường cho rằng, bản chất các nhóm chứng khoán không xấu, tuy nhiên, nhà đầu tư cần tự nâng cấp kiến thức để chủ động chọn lọc được những thông tin hữu ích. Và quan trọng nhất là chấp nhận mất mát là học phí đầu tư để tích lũy được kinh nghiệm cho chính mình.
Thảo Nguyên - Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
Tin nổi bật Tài chính