Bộ Lao động Mỹ vừa công bố chỉ số giá sản xuất (PPI) của Mỹ trong tháng 10 đã tăng 8,0% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức dự đoán của các nhà kinh tế là 8,3%, và càng thấp hơn so với mức tăng 8,4% của tháng 9.
Tuần trước, một báo cáo từ Bộ này cho thấy giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng 10 tăng thấp hơn dự kiến, điều đã khiến các nhà đầu tư phải tập trung theo dõi chặt chẽ dữ liệu lạm phát của Mỹ để tìm kiếm các dấu hiệu cho thấy Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể giảm tốc độ tăng lãi suất - nhằm mục đích làm giảm giá cả tăng vọt.
Karl Schamotta, giám đốc mảng chiến lược thị trường của công ty thanh toán Corpay, cho biết: "Nhu cầu đối với các tài sản rủi ro đã được cải thiện. Điều đó có xu hướng làm suy yếu đồng đô la".
Theo ông: "Các quan chức của Fed cần thấy điều này duy trì trong nhiều tháng trước khi họ tạm dừng chu kỳ tăng lãi suất."
Ông Schamotta cho biết đồng đô la có thể đã đạt đỉnh vào tháng 9 nhưng ông cũng nhận thấy rủi ro về "việc bán tháo các loại tiền tệ nhạy cảm với rủi ro trong ngắn hạn và sự phục hồi của đồng đô la nếu chính phủ Mỹ siết chặt các quỹ trước khi kế thúc năm."
Sau khi Mỹ công bố dữ liệu PPI, đồng euro, đồng bảng Anh và đồng đô la Thụy Điển tăng mạnh so với đồng đô la Mỹ khi các nhà giao dịch đánh giá một loạt dữ liệu kinh tế, bao gồm số liệu việc làm của Vương quốc Anh và khu vực đồng euro cộng với xu hướng kinh tế của Đức.
Đồng euro lúc kết thúc ngày 15/11 theo giờ Việt Nam đã tăng 0,79% lên 1,0407 USD, sau khi có thời điểm chạm mức cao nhất trước đó kể từ ngày 1/7. Tại châu Âu, các nhà giao dịch cũng đang chú ý đến những dữ liệu đáng khích lệ như chỉ số ZEW về tâm lý kinh tế của Đức, chỉ số này đã tăng trong tháng 11.
"Do lo ngại về một cuộc suy thoái sâu sắc trong mùa đông, chỉ số này đã lao dốc thê thảm gần đây. Tuy nhiên, do thời kỳ sưởi ấm mùa đông bắt đầu một cách nhẹ nhàng và các cửa hàng xăng đầy ắp nguồn cung, các nhà phân tích đã có thể hy vọng rằng mọi thứ có thể sẽ không trở nên quá tệ," Antje Praefcke, Nhà phân tích ngoại hối của Commerzbank cho biết.
Dữ liệu cũng cho thấy số việc làm trong khu vực đồng tiền châu Âu đã tăng trong quý thứ ba.
Jane Foley, người phụ trách mảng chiến lược ngoại hối của Rabobank ở London, cũng chỉ ra các yếu tố khác hỗ trợ các loại tiền tệ rủi ro cao tăng giá so với đồng đô la. Bà coi cuộc gặp thượng đỉnh của Tổng thống Mỹ Joe Biden với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình là dấu hiệu cho thấy căng thẳng giữa hai nước có thể đã hạ nhiệt.
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ 6 đồng tiền đối tác chủ chốt, bao gồm bảng Anh và euro – đã giảm 0,46% vào lúc kết thúc ngày 15/11 theo giờ Việt Nam, xuống 106,162 sau khi chạm 105,34, mức thấp nhất kể từ tháng 8.
Đồng bạc xanh đã giảm 0,68% so với đồng yên Nhật, xuống 138,975 JPY. Đồng crown của Thụy Điển đã tăng mạnh so với đồng đô la Mỹ sau khi dữ liệu cho thấy lạm phát ở Thụy Điển tăng ít hơn dự kiến vào tháng 10. Đồng đô la lúc kết thúc ngày 15/11 đã giảm 0,19% xuống 10,3831 crown.
Đồng bảng Anh tăng 1,56% lên 1,1941 đô la, trước đó có lúc tăng 2,27% lên mức cao nhất trong ba tháng so với đồng đô la.
Điều này diễn ra trước khi Chính phủ Vương quốc Anh đưa ra một kế hoạch ngân sách đầy khó khăn của Chính phủ Anh sẽ được đưa ra vào cuối tuần này và sau khi dữ liệu cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của Anh bất ngờ tăng và tỷ lệ vị trí tuyển dụng giảm trong lần báo cáo thứ năm liên tiếp do các nhà tuyển dụng lo lắng về nền kinh tế.
Cập nhật tỷ giá các tiền tệ chủ chốt.
Các loại tiền tệ của các thị trường mới nổi tăng giá trong phiên 15/11 khi đồng đô la giảm sâu sau khi giá sản xuất của Mỹ tăng thấp hơn dự kiến cung cấp thêm bằng chứng cho thấy lạm phát đang hạ nhiệt, tạo thêm sức nặng cho việc đặt cược vào Cục Dự trữ Liên bang.
Đồng peso của Mexico tăng 0,1% lên mức cao nhất trong hơn 2 năm rưỡi, trong khi đồng rand của Nam Phi tăng 0,5% sau khi đạt mức cao nhất trong hai tháng. Nhân dân tệ của Trung Quốc CNY kéo dài chuỗi đà tăng sang phiên thứ năm.
Trên thị trường giao ngay, đồng nhân dân tệ vào cuối phiên vừa qua ở mức 7.0506, cao hơn 204 pip so với đóng cửa phiên liền trước.
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin lúc kết thúc ngày 15/11 tăng mạnh lên mức 17.003 USD trong bối cảnh USD giảm giá.
Giá bitcoin ngày 15/11.
Lúc kết thúc phiên, giá vàng giao ngay ổn định ở mức 1.772,19 USD/ounce, sau khi đạt cao nhất kể từ ngày 15 tháng 8 trước đó. Giá vàng kỳ hạn tương lai của Mỹ giảm 0,1% xuống 1.775,40 USD/ounce.
David Meger, giám đốc giao dịch kim loại thuộc High Ridge Futures, cho biết: "Kỳ vọng lạm phát tiếp tục giảm... (do đó) Fed ít có khả năng tăng lãi suất nhanh hơn". Kết quả là, lợi suất đã giảm và đồng đô la chịu áp lực nghiêm trọng, giúp thúc đẩy đà tăng giá của vàng.
Chỉ số đô la chạm mức thấp nhất trong ba tháng, làm tăng sức hấp dẫn của vàng đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ cũng giảm.
Mặc dù Fed dự kiến sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tài khóa trong thời kỳ đại dịch, nhưng các nhà giao dịch hiện đang định giá 91% cơ hội Fed tăng lãi suất 50 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 12, thay vì tăng 75%.
Tham khảo: Refinitiv
Tin nổi bật Tài chính