Sau nhịp hồi phục trong tuần trước, thị trường tưởng chừng có thể chấm dứt chuỗi giảm điểm kéo dài triền miên từ đầu tháng 9 nhưng cú trượt chân vào phiên cuối tuần qua đã phủ nhận tất cả. VN-Index gần như đánh mất toàn bộ thành quả của nhịp tăng trước đó và lùi xuống dưới 1.020 điểm, gần sát đáy cũ.
Chỉ riêng trong phiên thứ 6 vừa qua, giá trị vốn hóa HoSE đã bị thổi bay hơn 154.000 tỷ đồng (~ 6,5 tỷ USD), chỉ còn gần 4,1 triệu tỷ đồng. Vào giai đoạn VN-Index vẫn trên đỉnh 1.500 hồi đầu tháng 4, vốn hóa HoSE từng có thời điểm vượt hơn 6 triệu tỷ đồng. Như vậy, chỉ sau hơn nửa năm, HoSE đã “bốc hơi” gần 2 triệu tỷ đồng vốn hóa. Tính chung cả 3 sàn, con số này thậm chí còn xấp xỉ 2,2 triệu tỷ đồng.
Vốn hóa HoSE giảm sâu từ đỉnh
Thị trường giảm sâu kéo theo hàng loạt cổ phiếu lao dốc mạnh, thậm chí không ít Bluechips còn thủng đáy dài hạn. Số lượng doanh nghiệp tỷ USD trên sàn chứng khoán cũng vơi đi đáng kể. Từ 64 doanh nghiệp có vốn hóa trên 1 tỷ USD vào đầu tháng 4 hiện toàn sàn chỉ còn 44 cái tên. Đáng chú ý, HNX đã “sạch bóng” không còn đại diện nào trong danh sách này sau khi Thaiholdings (THD), KSFinance (KSF) và Idico (IDC) lần lượt rời nhóm.
Trong số 44 doanh nghiệp tỷ USD hiện tại có đến 36 đại diện đang niêm yết trên sàn HoSE. So với thời điểm 6 tháng trước, danh sách doanh nghiệp tỷ USD trên HoSE đã rụng bớt 13 cái tên. Thời điểm thị trường lên đỉnh có đến 3 doanh nghiệp có vốn hóa trên 10 tỷ USD gồm Vietcombank (VCB), Vingroup (VIC) và Vinhomes (VHM) nhưng đến nay vốn hóa 2 cái tên “họ” Vingroup đã giảm xuống quanh mức 9 tỷ USD.
Thời kỳ đỉnh cao, UpCOM cũng từng đóng góp đến 12 đại diện trong câu lạc bộ tỷ USD vốn hóa. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, 4 cái tên gồm VEF, FPT Telecom (FOX), Masan MeatLife (MML), Masan High-Tech Materials (MSR) đã rời nhóm. Danh sách tỷ USD vốn hóa trên sàn này chỉ còn lại 8 cái tên, gồm 6 doanh nghiệp có vốn nhà nước và 2 doanh nghiệp tư nhân là Masan Consumer (MCH) và Sunshine Homes (SSH).
44 doanh nghiệp tỷ USD không có đại diện của HNX. (Màu xanh: HoSE, màu cam: UpCOM)
Xét theo nhóm ngành, nhóm tài chính vẫn đóng góp nhiều đại diện nhất vào danh sách tỷ USD vốn hóa với 16 cái tên bao gồm 14 ngân hàng, 1 công ty chứng khoán và 1 công ty bảo hiểm. Theo sau là nhóm có nguồn thu lớn từ bất động sản và khu công nghiệp với 8 doanh nghiệp. Các nhóm ngành như công nghiệp, công nghệ, năng lượng, bán lẻ, thực phẩm hàng tiêu dùng... có rất ít đại diện.
Sự mất cân bằng trong cơ cấu các nhóm ngành là một phần nguyên nhân khiến định giá chứng khoán Việt Nam thường xuyên duy trì ở mức thấp trong nhiều năm qua. Điều này có thể thấy rõ khi so sánh với cơ cấu của Dow Jones khi các lĩnh vực như công nghệ thông tin, y tế và chăm sóc sức khỏe có tỷ trọng hàng đầu với lần lượt 22,5% và 20,1%. Các nhóm ngành này thường có mức P/E ngất ngưởng và điều này giúp chứng khoán Mỹ duy trì mức định giá cao trong nhiều năm.
Thêm nữa, từ lâu chứng khoán Việt Nam đã vắng bóng những bom tấn lên sàn. Trong khoảng 4 năm trở lại đây, thị trường gần như không có thêm thương vụ nào mang lại hiệu ứng đủ sức nặng. Hoạt động cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước diễn ra ì ạch là một trong những nguyên nhân khiến thị trường thiếu hàng mới chất lượng.
Tuy nhiên, về dài hạn, triển vọng tăng trưởng của chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá khả quan nhờ vĩ mô ổn định và định giá hợp lý với khả năng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết. Nền kinh tế ổn định và triển vọng thu nhập bền vững của Việt Nam sẽ thúc đẩy TTCK nhanh chóng tăng trở lại, một khi bất ổn lắng xuống. Nhờ đó, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu cũng được kỳ vọng sẽ hoàn thành mục tiêu đạt 100% GDP vào năm 2025.
Theo Hà Linh
Tin nổi bật Tài chính