Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, tại Việt Nam, giá xăng dầu tăng 10% sẽ khiến lạm phát tăng 0,36 điểm phần trăm và tăng trưởng kinh tế giảm 0,5 điểm phần trăm. Giá dầu cũng ảnh hưởng tới giá các nguyên liệu đầu vào khác, trực tiếp tác động dây chuyền đến cả nền kinh tế.
Từ đầu năm 2022, giá dầu thế giới đã biến động phức tạp và lập đỉnh 115 USD/thùng vào tháng 3. Còn trong hơn 10 ngày qua, giá xăng dầu thế giới có biến động mạnh, đặc biệt tại thị trường Singapore. Theo một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước, nếu tham chiếu trên thị trường Singapore, giá xăng RON95 tại Việt Nam đang thấp hơn từ 500-800 đồng mỗi lít; xăng E5RON92 đang thấp hơn khoảng 400-700 đồng/lít và đặc biệt giá dầu đang thấp hơn từ 1.900 - 2.450 đồng/lít.
Nhằm thảo luận về những vấn đề liên quan đến biến động giá dầu cũng như tham luận về các tác động, giải pháp ứng phó trong thời gian tới, vào sáng 8/9, Báo Đầu tư đã tổ chức Toạ đàm "Biến động giá dầu và Kịch bản ứng phó cho ổn định và phát triển" với sự tham gia của nhiều chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành.
Rất khó dự đoán giá dầu
Theo Tiến Sĩ Lương Văn Khôi - Phó Giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân tích, giá dầu hiện chịu ảnh hưởng của rất nhiều các yếu tố, bao gồm nguồn cung của các nước OPEC và ngoài OPEC, diễn biến tăng trưởng kinh tế thế giới và diễn biến địa chính trị, ảnh hưởng từ giá của các đồng tiền mạnh,… Ông cũng phân tích các kịch bản có thể khiến giá dầu diễn biến tăng hoặc giảm trong thời gian tới.
Ví dụ, triển vọng tăng trưởng kinh tế ảm đạm (Mỹ ghi nhận 2 quý liên tục tăng trưởng âm, Nhật cũng tăng trưởng âm trong quý 2), các Ngân hàng Trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ, FED liên tục nâng lãi suất có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, làm nhu cầu về dầu giảm, từ đó khiến giá giảm.
Mặt khác, cũng có một số yếu tố khác có thể khiến giá dầu tăng. Mùa đông đang đến gần và nhu cầu sử dụng nhiên liệu này tại các quốc gia châu Âu dự báo sẽ tăng. Bên cạnh đó, Trung Quốc đang dần nới lỏng các chính sách kiểm soát dịch Covid-19, các thành phố công nghiệp bắt đầu trở lại hoạt động bình thường khiến nhu cầu về dầu tăng, làm tăng giá nhiên liệu này.
Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc cũng cho rằng việc dự đoán giá dầu trong bối cảnh này là cực kỳ khó, khi các yếu tố tác động đến giá dầu vốn cũng đang rất bất định.
Bổ sung thêm nhận định về chủ đề này, ông Nguyễn Đức Dũng - Phó TGĐ Sở Giao dịch hàng hoá Việt Nam cho rằng biên độ dao động thị trường dầu là vô cùng lớn. Trong 2 tháng trở lại đây, biên độ dao động giá dầu khoảng 5 USD/thùng, cho thấy sự giằng co về giá giữa các đối tượng tham gia thị trường là rất lớn. Mới đây, các quốc gia OPEC đã có cam kết tăng sản lượng. Theo ông Dũng, đây là một tuyên bố mang tính biểu tượng để cho tất cả mọi người biết rằng, các quốc gia này sẽ không để giá dầu xuống sâu nữa. Ông trích dẫn một dự báo của bên thứ ba, cho rằng giá dầu không thể tăng cao quá ngưỡng 110-120 USD/thùng vì khi đó người ta sẽ tìm đến những sản phẩm thay thế; giá cũng không thể xuống dưới 60 USD do ảnh hưởng đến lợi ích của các nước OPEC.
Giải pháp ứng phó cho các doanh nghiệp
Đại diện doanh nghiệp tại toạ đàm, ông Kenya Maeda - Chuyên gia cao cấp Bộ phận Thương mại & Cung ứng dầu thô, Thị trường Toàn cầu, Công ty Idemitsu Kosan chia sẻ kinh nghiệm từ Nhật Bản. Từ cuối tháng 1/2022, để làm giảm tác động tiêu cực do giá dầu tăng, Nhật Bản đã đưa ra chính sách trợ cấp giá với doanh nghiệp đầu mối, qua đó giảm giá bán lẻ. Nếu giá xăng vượt mức 170 Yên/lít, Chính phủ sẽ bắt đầu trợ cấp. Theo ông Kenya, nếu không có chính sách này, giá dầu tại Nhật Bản đã có thể lên tới 200 Yên/lít.
Ông Kenya cho biết: "Nhu cầu dầu thô toàn cầu trong trung và dài hạn dự kiến sẽ tăng. Dựa trên các kế hoạch mở rộng hoặc đóng cửa từ các nhà máy lọc dầu trong khu vực châu Á, chúng tôi dự đoán, khả năng cung cấp các sản phẩm từ xăng dầu trong trung và dài hạn sẽ không thoả mãn được nhu cầu tăng trưởng. Để duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định đối với khía cạnh an ninh năng lượng (ngay cả trong thị trường mà không có triển vọng ổn định trong tương lai), cần phải thúc đẩy toàn bộ chuỗi cung ứng đối với các sản phẩm xăng dầu, từ thu mua các nguyên liệu đầu vào, sản xuất đến bán hàng và tiêu dùng."
Ông Nguyễn Đức Dũng - Phó TGĐ Sở Giao dịch hàng hoá Việt Nam, doanh nghiệp cần có những biện pháp ứng phó với sự biến động, nên trực tiếp tham gia phòng vệ cho chính mình. Trên thế giới, các doanh nghiệp xăng dầu thường dùng các công cụ bảo hiểm giá, thông qua các hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn, để chốt giá nhập khẩu, xuất khẩu theo chu kỳ vài tháng, thậm chí vài năm. Điều này khiến giá đầu vào và đầu ra được ổn định, và khi giá biến động, họ có nhiều "room" để điều tiết thị trường hơn. Tại Việt Nam, các công cụ bảo hiểm, hợp đồng tương lai đang bị xếp vào khoản đầu tư trong báo cáo cân đối kế toán, khiến nhiều doanh nghiệp còn lúng tụng và ngần ngại áp dụng.
TS. Lương Văn Khôi - Phó Giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, để giảm áp lực lạm phát do giá dầu cần tính toán các dư địa để tiếp tục giảm thuế, phí trong giá bán lẻ xăng dầu hiện nay. Cân nhắc giảm thuế VAT với mặt hàng xăng dầu tới hết năm 2022 và/hoặc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu với xăng dầu như kinh nghiệm của các nước.
Ngoài ra, cần tăng cường kiểm soát giá cả thị trường. Yêu cầu doanh nghiệp công khai, minh bạch về giá cả, có các chế tài xử lý nghiêm việc giá các mặt hàng tiêu dùng tăng theo giá xăng dầu không hợp lý. Cần có giải pháp tổng thể đảm bảo nguồn cung xăng dầu (cả trong nước và nhập khẩu), điều tiết hệ thống phân phối, tránh đứt đoạn nguồn cung ảnh hưởng tới đời sống người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nhấn mạnh đến việc sử dụng tiết kiệm và hiệu quả, hỗ trợ những người trực tiếp từ biến động giá dầu như người dân, ngư dân,… để đảm bảo an sinh xã hội.
Hoàng Thùy
Tin nổi bật Điểm tin