Dưới đây là những kỹ năng thoát hiểm được các chuyên gia hàng đầu thế giới hướng dẫn.
Tối 29/10, một thảm kịch giẫm đạp xảy ra tại Hàn Quốc khiến khoảng 153 người tử vong. Trước đó, sự kiện Halloween thu hút tới 100.000 người đổ về quận Itaewon nổi tiếng của thủ đô Seoul.
Sau khi đám đông bắt đầu dồn lên, dòng người bị xô đẩy khiến nhiều người bị ngã, dẫn đến phản ứng dây chuyền như hiệu ứng domino.
Các quan chức Seoul cho biết, phần lớn nạn nhân là phụ nữ trẻ ở độ tuổi 20, những người chết do bị mắc kẹt trong đám đông chật cứng trong con hẻm nhỏ dốc ở tâm thảm kịch.
Thông thường, những cuộc tụ tập đông người sẽ không có vấn đề nghiêm trọng nào. Nhưng nếu một đám đông vượt quá sức chứa của không gian hoặc nếu sự quản lý đám đông không tốt, thì sự hỗn loạn có thể xảy ra.
Một nghiên cứu cho thấy từ năm 1980 đến năm 2007, có khoảng 215 sự cố đám đông, dẫn đến hơn 7.000 người chết và 14.000 người bị thương, theo chuyên trang y tế WebMD.
Vậy, khi rơi vào một đám đông hỗn loạn, bạn có nên đẩy mọi người lại để thoát ra ngoài?
Hãy ghi nhớ: Người ta thường chết vì hậu quả của sự sợ hãi, chứ ít người chết vì nguyên nhân gây ra nỗi sợ hãi.
Mehdi Moussaïd, một nhà nghiên cứu khoa học ở Berlin, làm việc tại Viện Phát triển Con người Max Planck, chuyên nghiên cứu về hành vi của đám đông cho biết:
"Hầu hết những gì chúng tôi làm là đưa ra lời khuyên cho những người tổ chức về việc quản lý đám đông".
Đồng thời, Mehdi đã tìm cách giúp đỡ những người bình thường, như đưa ra các mẹo để sống sót trong tình huống xấu nhất.
Mehdi Moussaïd (ngồi giữa)
1. Quan sát các dấu hiệu nguy hiểm
Một khi bạn bắt đầu cảm thấy áp lực khi bị mắc kẹt thì Medhi cho hay khi đó đã quá muộn để hành động.
Điều tốt nhất bạn có thể làm là không đặt mình vào tình huống nguy cấp này. Vấn đề là, hầu hết mọi người không nhận ra rằng nó nguy hiểm. Chúng ta không nhận thức được về sự nguy hiểm của đám đông.
Lời khuyên quan trọng nhất là hãy chú ý quan sát tình trạng xung quanh để xác định mật độ người trên một m2 . Chẳng hạn:
- Dưới 5 người trên một m2 : Bạn có thể không thoải mái, nhưng vẫn ổn.
- Trên 6 người trên một m2: bắt đầu trở nên nguy hiểm.
- 8 người trên một m2: Hầu hết tỷ lệ này khiến mọi người đều có thương tích hoặc tệ hơn.
Đây là một mẹo để bạn phát hiện mật độ đám đông: Nếu bạn cảm thấy mọi người đang chạm vào bạn trên cả hai vai hoặc một số vị trí trên cơ thể bạn cùng một lúc, mật độ có thể là khoảng từ 6 người trở lên.
Nếu bạn vẫn còn thời gian và có thể di chuyển, hãy thoát ra ngoài. Đó là một tín hiệu báo động.
2. Cố gắng giữ thăng bằng và đứng thật vững
Tiến sĩ Mark Conroy, bác sĩ y học cấp cứu tại Trung tâm Y tế Wexner, Đại học Bang Ohio (Mỹ), cho biết: "Thông thường, mọi người bị thương khi ngã hoặc bất tỉnh giữa đám đông hoặc bị ngạt thở.
Tiến sĩ Mark Conroy, bác sĩ y học cấp cứu tại Trung tâm Y tế Wexner, Đại học Bang Ohio (Mỹ)
Vì vậy, lời khuyên của chuyên gia lúc này là phải đứng thật vững. Nếu đi thì cố gắng đi cùng tốc độ với đám đông.
Để đứng vững, ông khuyên hãy đứng so le chân để giữ thăng bằng và “thủ tay như võ sĩ quyền Anh”.
Trong những đám đông siêu chật, động tác đó sẽ giúp bảo vệ tim và phổi khỏi những lực ép có thể lên tới hàng nghìn kg áp lực đè nén lồng ngực.
Ngoài ra, việc đứng vững cũng giúp ích cho những người khác. Bởi nếu bạn ngã, bạn sẽ trở thành chướng ngại vật cho những người bên cạnh, những người rất có thể sẽ lần lượt ngã, hoặc ngã đè trên cơ thể bạn. Điều này sẽ tạo ra phản ứng dây chuyền vô cùng nguy hiểm.
3. Nếu bị ngã, tuyệt đối không nằm sấp hoặc nằm ngửa
Nếu bị ngã, hãy làm mọi cách để đứng dậy và ngay lập tức giúp đỡ những người khác bị ngã. Nếu không thể đứng dậy, hãy đưa tay ôm đầu để bảo vệ đầu và co chân lên gần với cơ thể.
Ông nhấn mạnh: Hãy nằm nghiêng để bảo vệ các cơ quan quan trọng nhất.
4. Cố gắng thở dù trong tình huống khó khăn nhất
Nguyên nhân của nhiều cái chết trong các vụ hỗn loạn trong đám đông là do thiếu oxy. Mật độ người dày đặc đến mức phổi của bạn không có đủ không gian để thực hiện công việc của chúng và giúp bạn thở.
Bạn hãy đưa cánh tay của bạn ra ngay trước ngực và giữ chúng ở đó. Ở vị trí này, bạn sẽ có một khoảng trống dù chỉ một chút, hãy cố đẩy thêm nửa cm hoặc 1 cm - đủ để bạn tiếp tục thở. Dù làm vậy, bạn sẽ không được thoải mái nhưng ít nhất bạn sẽ sống sót.
5. Giữ bình tĩnh và tỉnh táo
Đừng la hét, chuyên gia an toàn trong đám đông, Paul Wertheimer (Mỹ) nhấn mạnh:
Không ai thực sự có thể nghe thấy bạn và trong trường hợp bị đám đông đè bẹp, la hét càng làm mất nhiều oxy.
Mất oxy có thể dẫn đến ngất xỉu. Vì vậy, nếu cần, hãy cố ra dấu bằng tay, giao tiếp bằng mắt hoặc nét mặt.
Để thoát ra được tốn rất nhiều thời gian, bạn cần bình tĩnh để tập trung bảo vệ ngực, đứng thẳng và đi ra lối thoát.
Nếu bạn hoảng sợ, bạn sẽ thở nhanh hơn. Trong một tình huống với nguyên nhân tử vong chính là ngạt thở, giữ bình tĩnh sẽ giúp bạn kiểm soát hơi thở và tiết kiệm tài nguyên quan trọng nhất.
6. Đi theo dòng người
Theo chuyên gia Wertheimer, hãy di chuyển theo hướng cùng chiều với đám đông. Có thể đi theo đường chéo hoặc ra 2 bên để thoát ra khỏi trung tâm của sự chen lấn. Lặp lại quá trình này cho đến khi thoát khỏi nguy hiểm.
Ông nói hãy tìm khoảng trống giữa mọi người để từ từ thoát ra khỏi nguy hiểm. Nếu có thể, hãy tìm vật để che chắn cơ thể. Tất nhiên, nếu lỡ đánh rơi thứ gì đó, hãy bỏ đi.
7. Hãy giúp đỡ người bên cạnh
Hành vi giúp đỡ người khác sẽ lan tỏa trong đám đông. Nếu bạn cố gắng giúp đỡ người bên cạnh của mình, họ sẽ giúp bạn, hoặc họ sẽ giúp những người bên cạnh họ.
Nếu điều này lan rộng, nó sẽ tạo ra một bầu không khí tích cực, hữu ích. Nó sẽ làm cho mọi thứ bớt tồi tệ hơn. Vì vậy, chắc chắn, hành vi giúp đỡ là điều bạn nên áp dụng.
Cuối cùng, việc sinh tồn của bạn rõ ràng là cái quan trọng nhất nhưng như vậy không có nghĩa là không nghĩ tới người khác. Thực chất, làm ngược lại mới đúng. Hợp lực với nhau là cách tốt nhất để tránh gây thương vong hàng loạt trong một vụ giẫm đạp. Giúp đỡ người khác (khi có thể) đứng dậy, hoặc đảm bảo họ không ngã sẽ giúp tăng khả năng thoát của bạn, và nếu bạn ngã thì chắc chắn bạn sẽ muốn có người giúp mình.
Nguyễn Phượng (Thể thao & Văn hóa).
Tony Coffey chuyên gia sơ cấp cứu, bác ấy dặn vào bất kỳ tòa nhà nào, việc đầu tiên không phải là đi nhìn nhân vật VIP, khoan xem ai đẹp ai xấu, mà hãy nhìn xem lối thoát hiểm ở đâu. Rèn thành thói quen, tự động, nhìn exit ngay từ lúc chưa có chuyện gì xảy ra.
Trong những phút đầu tiên, tuyệt đối không chạy theo đám đông. Có khả năng bạn sẽ bị kẹt lại trong đám đông đang chạy đó.
Nếu lỡ đã kẹt cứng, hãy di chuyển theo dòng người, hơi xéo theo hướng có khoảng trống, không đi ngược, không cắt ngang, không ngồi xuống.
Không đứng im hay sợ quá mà ngồi thụp xuống, nếu bị té hay đứng dậy nhanh nhất có thể nếu không bạn sẽ bị giẫm đạp và bị thương, hãy chớp lấy những khoảng hở giữa đám đông để di chuyển.
Nếu đi, 2 tay che trước ngực như kiểu boxing.
Nếu lỡ ngã thì nằm nghiêng co người lại như kiểu thai nhi, hai tay ôm đầu. Không nằm sấp hay ngửa vì dễ chấn thương phổi.
Bảo vệ đường thở là quan trọng nhất. Trong đám cháy hay trong thảm cảnh giãm đạp thì ngạt thở là nguy cơ lớn nhất, nên bảo vệ phổi là đầu tiên!
Quan trọng nhất, và cũng khó nhất, ai cũng biết rồi, nhưng vẫn cần nhắc lại, đó là GIỮ BÌNH TĨNH.
Kiến Minh
Tin nổi bật Điểm tin