Ngay cả khi các nhà hàng, rạp chiếu phim và sân vận động đóng cửa thì mọi người vẫn tiếp tục sử dụng đường trong đồ ăn thức uống hàng ngày. Giá đường kỳ hạn tại New York tăng cao giữa lúc sản xuất Brazil, EU và Thái Lan gặp khó.
Xu hướng giá đường hồi phục đã bắt đầu từ tháng 10 năm ngoái, là một sự thay đổi đáng kể so với giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng dịch Covid-19, Tom McNeill, giám đốc mảng nghiên cứu của Green Pool, trụ sở tại Australia, cho biết.
Khi dịch bệnh mới xảy ra, khắp nơi trên thế giới đóng cửa ngừng hoạt động, từ Paris tới Los Angeles, ảnh hưởng đến doanh số bán mọi thứ, từ đồ uống cao cấp đến sôcôla. Tuy nhiên, dịch bệnh kéo dài và mọi người đã thích nghi với cuộc sống có dịch bệnh theo kiểu "bình thường mới". Các chương trình hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch ở khắp nơi trên thế giới, như Mỹ hay Brazil, đã duy trì nguồn thu nhập cho người tiêu dùng để họ có thể mua sắm. Trong khi đó, các quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu ở Châu Á cũng tăng cường tích trữ để đảm bảo nguồn cung không bị gián đoạn trong mùa dịch.
Nhà phân tích Ben Seed của Czarnikow Group, cho biết: "Chắc chắn có rất nhiều nhà hàng và quán cà phê vẫn đang mở cửa và kinh doanh thông qua phương thức mang hàng đi giao. Mọi người hiện đã thích nghi tốt, không còn như hồi bị giãn cách khi mới xảy ra dịch bệnh".
Khó có thể đo lường chính xác mức tiêu thụ đường nên các nhà kinh doanh đường chỉ có thể quan sát thị trường và chờ đợi khi có số liệu thống kê – thường là có độ trễ, ông Rodrigo Ostanello, Giám đốc Phòng Thương mại quốc gia Brazil cho biết.
Green Pool có thời điểm dự kiến nhu cầu đường giảm 1 triệu tấn, nhưng nay đã giảm con số đó còn 100.000 tấn. ED&F Man giờ ước tính nhu cầu có thể giảm nhiều nhất là 1%, so với dự báo trước đó là giảm 2%.
Với việc các nền kinh tế mở cửa trở lại và các quốc gia triển khai tiêm vắc- xin, nhu cầu đường đang phục hồi, trong bối cảnh tình hình sản xuất ở Brazil, EU và Thái Lan gặp khó khăn. Đó là lý do đẩy giá đường thô tại New York tăng hơn 70% kể từ mức thấp nhất trong mùa dịch Covid-19 (tháng 4/2020) cho tới nay.
Czarnikow dự báo tiêu dùng sẽ tăng 2%, sau giai đoạn giảm lần đầu tiên trong 40 năm, Citigroup dự báo tiêu thụ tăng 0,9%, trong khi JPMorgan Chase dự báo tăng 1%.
Nhà phân tích Ruhani Aggarwal thuộc JPMorgan chi nhánh ở Ấn Độ, cho biết châu Á và châu Phi đang dẫn đầu về mức tăng tiêu thụ, trong khi nhu cầu ở châu Mỹ và châu Âu ít thay đổi. Indonesia và Trung Quốc đang khôi phục các kho dự trữ sau khi đại dịch làm đứt gãy các chuỗi cung ứng và buộc Chính phủ phải xuất kho dự trữ để đảm bảo nguồn cung cho thị trường.
Các nhà máy tinh chế ở Indonesia, nhà nhập khẩu đường thô lớn nhất thế giới, dự kiến sẽ nâng công suất sản xuất thêm 10% trong năm nay, theo Hiệp hội các nhà tinh chế đường của quốc gia này. Dữ liệu hải quan Trung Quốc cũng cho thấy, nước này đã mua kỷ lục 5,3 triệu tấn đường trong năm 2020 sau khi Bắc Kinh nới lỏng kiểm soát đối với những mặt hàng nhập khẩu vượt hạn ngạch thuế quan thấp.
Chắc chắn, cuộc khủng hoảng Covid-19 vẫn chưa kết thúc và nhiều quốc gia ở châu Âu gần đây đã rơi vào đợt đóng cửa lần thứ ba. Tiêu dùng đường ở EU đã giảm trong nhiều năm do những người tiêu dùng có ý thức hơn về sức khỏe nên giảm sử dụng đồ ngọt, trong khi khu vực này không có văn hóa mua hàng, giao hàng và vận chuyển hàng đến tận nhà như ở Mỹ. Tuy nhiên, các biện pháp kích cầu đã thúc đẩy nhu cầu.
Tại Brazil, chương trình hỗ trợ của chính phủ đã giúp các nhà máy trong nước tăng tiêu thụ đường thêm 4,6% trên thị trường nội địa trong 11 tháng đầu năm 2020 (so với cùng kỳ năm trước), sau một thập kỷ tăng trưởng thấp, thậm chí có lúc âm, theo thông tin từ Unica.
Ông Ricardo Carvalho thuộc BP Bunge Bioenergia, một trong những nhà sản xuất đường lớn nhất Brazil, cho biết tiêu thụ vẫn có thể tăng trở lại trong năm nay vì sự phục hồi kinh tế tổng thể sẽ bù đắp cho việc Chính phủ kết thúc các chương trình hỗ trợ.
Tại Ấn Độ, nước tiêu dùng đường nhiều nhất thế giới, tiêu thụ đường mùa này dự báo cũng sẽ hồi phục thêm 1 triệu tấn, theo nhận định của doanh nhân Rahil Shaikh thuộc công ty kinh doanh nông nghiệp Meir Commodities India.
Như vậy, có thể đi đến kết luận bằng nhận định của Jeremy Austin, giám đốc công ty Sucres et Denrees ở Brazil: "Đường là một sản phẩm giàu năng lượng và trong thời gian cách ly chống Covid-19, mọi người đã làm bánh và uống đồ uống có đường ở nhà nhiều hơn bình lúc bình thường".
Vân Chi - Theo Nhịp sống kinh tế
Tin nổi bật Điểm tin