Số thuốc này do một công ty dược phẩm của Ấn Độ sản xuất, dưới sự cho phép Gilead Sciences, Mỹ. Theo kế hoạch, hôm nay 6/8, Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế sẽ họp bổ sung thuốc này vào phác đồ điều trị Covid-19.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết số thuốc này sẽ được phân bổ cho TPHCM, TP Hà Nội và các tỉnh đang có dịch khác để điều trị cho bệnh nhân Covid-19.
Hiệu quả trên người Việt Nam như thế nào thì cần có một thử nghiệm một đối chứng. Trong trường hợp khẩn cấp thì Việt Nam có thể vừa điều trị vừa đánh giá
Trao đổi với PV Infonet về tác dụng điều trị của loại thuốc này, TS. BS Vũ Minh Điền, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống dịch và tiêm chủng vắc xin, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, thuốc Remdesivir là một thuốc kháng vi rút hiện nay được cho là có hiệu quả nhất trong các thuốc kháng vi rút được thử nghiệm lâm sàng.
Theo đó, Remdesivir được đánh giá dựa trên một phân tích dữ liệu từ một công trình nghiên cứu thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát với 1063 bệnh nhân, bắt đầu vào ngày 21/2.
“Kết quả cho thấy Remdesivi có hiệu quả làm giảm tỷ lệ tử vong so với nhóm giả dược cũng như làm giảm thời gian nằm viện,thời gian hồi phục nhanh hơn so với giả dược.
Theo đó, kết quả sơ bộ của công trình nghiên cứu chỉ ra rằng những bệnh nhân sử dụng Remdesivir có thời gian phục hồi nhanh hơn 31% so với những người dùng giả dược.
Cụ thể, thời gian trung bình để phục hồi là 11 ngày đối với bệnh nhân được điều trị bằng Remdesivir so với 15 ngày đối với những người dùng giả dược. Kết quả cũng cho thấy tỷ lệ tử vong là 8% đối với nhóm nhận Remdesivir so với 11,6% đối với nhóm giả dược”, TS. BS Minh Điền cho hay.
TS Điền thông tin thêm, căn cứ thử nghiệm lâm sàng ở trên FDA cũng đã cho phép sử dụng trong điều trị Covid- 19, hiện nay hơn 50 quốc gia trên thế giới cũng bắt đầu sử dụng loại thuốc này.
Theo TS Minh Điền, hiệu quả trên người Việt Nam như thế nào thì cần có một thử nghiệm một đối chứng. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng, trong trường hợp khẩn cấp thì mình có thể vừa điều trị vừa đánh giá.
“Sau thời gian sử dụng sẽ đánh giá xem có thực sự hiệu quả như nghiên cứu ở trên thế giới hay không.
Còn chờ thử nghiệm, đánh giá hiệu quả thì dịch sẽ qua đi rồi. Đang đại dịch như thế này mình sẽ tiếp thu tri thức khoa học của thế giới và vận dụng sáng tạo vào điều kiện Việt Nam”, TS. BS Minh Điền kiến nghị.
TS Minh Điền thông tin thêm đây không phải thuốc đặc trị mà là thuốc kháng vi- rút hỗ trợ giống như Tamiflu trong điều trị cúm - làm cho thời gian thanh lọc vi rút, giảm thời gian điều trị. “Nhưng như thế cũng là tốt rồi”, TS Minh Điền nói.
Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ tử vong là 8% đối với nhóm nhận Remdesivir so với 11,6% đối với nhóm giả dược
Tiên lượng tình huống người dân lại đổ xô đi săn lùng thuốc này, TS. BS Minh Điền nhấn mạnh, đây là thuốc dùng theo đơn của bác sĩ, do đó người dân tuyệt đối không tích trữ, tự ý sử dụng.
“Nếu dùng đại trà, dùng không đúng chỉ định còn nguy hiểm hơn là không dùng.
Đây là thuốc truyền, không phải thuốc uống. Mà thuốc truyền thì phải có nhân viên y tế thực hiện dưới sự chỉ định của bác sĩ. Theo đó, bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định sử dụng cho những ca nặng, đáng phải dùng thì mới sử dụng.
Bởi 80% người nhiễm vi – rút SARS-CoV- 2 không có triệu chứng và tự hồi phục, chỉ có 5% là nặng và phải điều trị ở ICU thôi. Do đó nên ưu tiên thuốc quý này cho những trường hợp bệnh nhân nặng”, TS. BS Minh Điền nói.
Lô thuốc Remdesivir đầu tiên đã về Việt Nam
Ngày 5/8, lô thuốc Remdesivir đầu tiên đã cập cảng hàng không Tân Sơn Nhất.
Do tình hình vận chuyển khó khăn, các lô hàng phải chia thành từng đợt nhỏ, nên thuốc sẽ về liên tục nhiều đợt. Dự kiến, đến tuần sau, sẽ có khoảng 100 nghìn lọ nữa về tới Việt Nam để kịp chuyển cho Bộ Y tế phục vụ khẩn cấp việc điều trị cho bệnh nhân nặng.
Như vậy, chưa đến 1 tuần kể từ khi công bố, Vingroup nhập khẩu được khoảng 100 nghìn lọ thuốc điều trị Covid-19. Số lượng còn lại sẽ lần lượt được chuyển về Việt Nam ngay trong tháng 8/2021.
Remdesivir là là thuốc kháng virus được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt khẩn cấp để điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Với khả năng rút ngắn thời gian hồi phục và giảm mạnh tỉ lệ tử vong ở bệnh nhân diễn tiến nặng, Remdesivir đã được 50 quốc gia như Mỹ, EU, Úc, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ... đưa vào phác đồ điều trị từ tháng 5/2020, và là một trong những loại thuốc đặc trị khó tiếp cận hàng đầu thế giới.
N. Huyền - Theo Infonet
Tin nổi bật Điểm tin