Lưỡng Hội là kỳ họp thường niên quan trọng của Trung Quốc, bao gồm Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân (CPPCC) và Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (NPC), vừa khai mạc hôm 5/3 vừa qua.
Và nhiều đại biểu tại kỳ họp năm nay đã đề nghị chính phủ nước này thắt chặt kiểm soát đối với trò chơi điện tử, để giữ trẻ vị thành niên tránh xa những nội dung độc hại. Tất nhiên, hai cơ quan hiện đang họp tại Bắc Kinh không trực tiếp tham gia vào việc hoạch định chính sách cho ngành công nghiệp game, nhưng hai kỳ họp có thể đóng vai trò định hướng cho chính sách quốc gia.
Trong sự kiện năm ngoái, người đứng đầu quốc gia này đã cho biết nghiện trò chơi điện tử là một vấn nạn xã hội cần được khắc phục. Chính quyền Bắc Kinh sau đó đã đưa ra các hạn chế khắc nghiệt hơn đối với trò chơi điện tử, bao gồm giới hạn thời gian chơi game cho người chơi dưới 18 tuổi chỉ còn ba giờ mỗi tuần và đình chỉ cấp giấy phép cho các trò chơi mới.
Một người đàn ông đang chơi game di động Honor of Kings của gã khổng lồ game Trung Quốc Tencent.
Và nhận xét từ các đại biểu năm nay cho thấy bầu không khí chính trị ở Bắc Kinh vẫn còn thù địch với các trò chơi điện tử.
Xu Jin, một đại biểu của CPPCC cho biết: “Nhiều trẻ vị thành niên đang mua tài khoản trò chơi hoặc thông tin cá nhân của người lớn trên mạng để tránh bị giới hạn thời gian chơi. Chính phủ phải tăng cường giám sát vì một số trang thương mại điện tử và nền tảng giao dịch đang phớt lờ các quy định."
Ông Xu cho biết thêm rằng các công ty game cũng phải cải thiện “hệ thống chống nghiện game” của họ và sử dụng tính năng nhận dạng khuôn mặt để xác minh danh tính của người dùng. Nhiều trò chơi di động ở Trung Quốc đã sử dụng tính năng nhận dạng khuôn mặt để xác minh người dùng, nhưng tính hiệu quả của công nghệ này đang được đặt câu hỏi.
Đại biểu CPPCC Yu Xinwei cho biết chỉ nên áp dụng tính năng nhận dạng khuôn mặt cho các tài khoản người lớn để bảo vệ quyền riêng tư của trẻ vị thành niên.
Ding Yuanzhu, một thành viên khác của CPPCC, đề nghị rằng các bậc cha mẹ phải chịu trách nhiệm nếu con cái của họ bị phát hiện nghiện trò chơi điện tử.
Li Jun, một thành viên NPC và là bí thư thôn ở tỉnh Tứ Xuyên, đề xuất một biện pháp khắc nghiệt hơn: cấm hoàn toàn trò chơi điện tử đối với trẻ vị thành niên. Li nói, các công ty trò chơi phải chịu trách nhiệm về các dịch vụ cung cấp cho thanh thiếu niên. Ông cũng kêu gọi cấm quảng cáo trò chơi điện tử trực tuyến, đặc biệt là các quảng cáo “thô tục” chứa nội dung bạo lực và người lớn.
Bất chấp các lệnh cấm, Trung Quốc vẫn là thị trường game lớn nhất thế giới.
Trong khi đó, Ma Huateng của Tencent và Ding Lei của NetEase, CEO của hai công ty trò chơi lớn nhất Trung Quốc và cũng là thành viên của NPC và CPPCC, lần lượt giữ im lặng về vấn đề này. Ông Ma không đề cập đến việc chơi game trong đề xuất của mình và cũng không có CEO nào kêu gọi nới lỏng các hạn chế trong ngành.
Chính phủ Trung Quốc đã không phê duyệt bất kỳ trò chơi điện tử mới nào kể từ tháng 7 năm ngoái và cũng không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào. Điều này đánh dấu thời gian gián đoạn cấp phép trò chơi dài nhất, kể từ sau đợt đình chỉ dài 9 tháng vào năm 2018. Trong bối cảnh khó khăn về quy định, 14.000 doanh nghiệp liên quan đến các trò chơi điện tử đã đóng cửa từ tháng 7 đến tháng 12 năm ngoái.
Tháng trước, Hiệp hội Xuất bản Âm thanh-Video và Kỹ thuật số Trung Quốc, hiệp hội ngành công nghiệp trò chơi được nhà nước hậu thuẫn, đã phủ nhận tin đồn rằng sẽ không có giấy phép trò chơi điện tử nào được phê duyệt trong năm nay.
Theo: SCMP
Theo Bảo Nam
Tin nổi bật Điểm tin