Đăng quảng cáo miễn phí: MuaBanNhanh, Nhà Đất, Xe
Tìm việc và tuyển dụng: Việc Làm Vui
Nếu bạn sắp tiêm vaccine COVID-19 , bạn có thể có rất nhiều câu hỏi về những gì nên và không nên làm trước và sau khi tiêm vaccine. Một trong những câu hỏi nhiều người thắc mắc là có nên uống rượu bia sau khi tiêm vaccine COVID-19 hay không.
Tại Anh, các chuyên gia khuyến cáo người dân nên tránh uống rượu trong những ngày trước và sau khi tiêm vaccine COVID-19. Tiến sĩ Sheena Cruickshank, nhà miễn dịch học tại Đại học Manchester (Anh), nói với báo Metro rằng: "Bạn cần phải để hệ thống miễn dịch của mình hoạt động một cách tốt nhất để có phản ứng tốt với vaccine, vì vậy uống rượu vào đêm hôm trước hoặc ngay sau khi tiêm sẽ không giúp ích".
Và một quan chức y tế Nga vào tháng trước đã nói với những người được tiêm vaccine Sputnik V rằng họ nên kiêng rượu trong hai tháng. Tuy nhiên, một trong những nhà khoa học phát triển vaccine Sputnik V, Tiến sĩ Alexander Gintsburg, sau đó cho biết lời khuyên này hơi quá. Gintsburg khuyên người dân nên hạn chế uống rượu trong ba ngày sau khi tiêm vaccine. Ông nói rằng hướng dẫn này áp dụng cho tất cả các loại vaccine COVID-19. [Đọc thêm: Bằng chứng cho thấy hiệu quả tốt của vaccine Sputnik V ]
Tại Mỹ, không có khuyến cáo chính thức của chính phủ về việc có nên uống rượu trước hoặc sau khi tiêm vaccine COVID-19 hay không.
Tuy nhiên, mặc dù không có bằng chứng nào cho thấy uống rượu ảnh hưởng đến hiệu quả của vaccine COVID-19 hoặc gây ra bất kỳ tác dụng phụ không mong muốn nào đối với sức khỏe, các bác sĩ Mỹ vẫn khuyên người dân không nên uống rượu ngay sau khi tiêm vaccine COVID-19.
‘CẢM THẤY TỒI TỆ HƠN’
Bác sĩ Tania Elliott, giảng viên lâm sàng về y khoa tại trung tâm y tế NYU Langone Health, nói với tạp chí Health: "Các tác dụng phụ sau khi tiêm vaccine COVID-19 bao gồm đau cơ và mệt mỏi. Kết hợp với tác dụng phụ của rượu có thể khiến bạn cảm thấy tồi tệ hơn".
Bác sĩ Jagadeesh Reddy, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Bệnh viện Providence Mission ở Hạt Orange, bang California, đồng ý với quan điểm trên. "Mặc dù không có dữ liệu về điều này, nhưng bạn nên kiêng hoặc giảm uống rượu trong 48-72 giờ đầu tiên sau khi tiêm vaccine vì đây là giai đoạn có thể xuất hiện tác dụng phụ nhẹ thường thấy, ví dụ như mệt mỏi, đau cơ, đau chỗ tiêm…", tiến sĩ Reddy nói với tạp chí Health.
NHẦM LẪN TRIỆU CHỨNG SAY RƯỢU VỚI TÁC DỤNG PHỤ CỦA VACCINE
Một vấn đề khác là những người uống rượu sau khi tiêm vaccine COVID-19 có thể nghĩ các triệu chứng say rượu của họ là do vaccine, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, bác sĩ Amesh A. Adalja, học giả cấp cao tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins (Mỹ) cho biết. Họ có thể báo cáo trên những hệ thống nghiên cứu rằng những triệu chứng say rượu đó là tác dụng phụ của vaccine COVID-19, và thậm chí nói với người khác. Điều này có thể khiến mọi người lưỡng lự trước việc tiêm vaccine, Tiến sĩ Adalja nói thêm.
Thay vì uống rượu sau khi tiêm vaccine COVID-19, hãy cho cơ thể bạn thời gian để phục hồi. Tiến sĩ Elliott nói: "Hãy tập trung vào việc nghỉ ngơi và cung cấp nước cho cơ thể. Bạn luôn có thể ăn mừng với ly cocktail yêu thích của mình vài ngày sau đó. Chỉ cần nhớ tuân theo khuyến nghị về rượu của CDC — tốt nhất chỉ nên uống hai ly rượu đối với nam và một ly rượu đối với nữ. Mặc dù uống rượu ở mức độ vừa phải sẽ không ảnh hưởng đến phản ứng của bạn với vaccine COVID-19, nhưng uống quá nhiều rượu có hại ở nhiều khía cạnh khác của sức khỏe".
Trong Quyết định 3588 về việc Hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 do Bộ Y tế ban hành, Bộ Y tế lưu ý người được tiêm vaccine không nên uống rượu bia và các chất kích thích ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm chủng.
Bộ Y tế cho biết: Theo các chuyên gia, rượu, bia có thể ức chế miễn dịch, gây mất nước, giảm khả năng chống nhiễm trùng, tăng nguy cơ biến chứng, gây khó khăn khi phân biệt phản ứng của rượu, bia và phản ứng của vaccine.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng khuyến cáo không uống nhiều thực phẩm chứa caffein (trà, cà phê, nước tăng lực...) trước khi tiêm bởi caffein làm tăng tần số tim, tăng huyết áp và rối loạn nhịp tim khi sử dụng quá nhiều. Điều này có thể ảnh hưởng đến kết quả khám sàng lọc, chỉ định tiêm chủng.
Theo Doanh nghiệp và tiếp thị - Trà My
Tin nổi bật Điểm tin