Vụ trộn rác thải phòng chống Covid-19 vào rác sinh hoạt: Xử lý như thế nào?

Cơ quan chuyên môn của chính quyền Đà Nẵng khẳng định việc thu gom rác thải phòng chống Covid-19 vào rác thải sinh hoạt là sai quy định.

Tranh cãi gay gắt

Ngày 29/7, Sở Tài nguyên môi trường TP Đà Nẵng đã tổ chức cuộc họp khẩn với các đơn vị gồm Công ty cổ phần môi trường đô thị Đà Nẵng, Xí nghiệp Quản lý bãi và xử lý chất thải Khánh Sơn, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội - chi nhánh Miền Trung (URENCO 15), Công ty Phát triển và Khai thác hạ tầng KCN Đà Nẵng (Daizico) để làm rõ các nội dung liên quan đến vụ việc phát hiện xe chở rác trộn rác thải phòng chống Covid-19 vào rác thải sinh hoạt rồi đưa đi xử lý.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Đăng Huy, Giám đốc Xí nghiệp Quản lý bãi và xử lý chất thải Khánh Sơn, cho biết vào khoảng 12h ngày 28/7, các công nhân làm việc tại bãi rác Khánh Sơn phát hiện xe vận chuyển rác mang BKS 29T – 6627 của URENCO 15 đổ rác vào bãi rác Khánh Sơn có lẫn rác thải nguy hại.

Khoảng 14h ngày 28/7, Sở Tài nguyên môi trường kiểm tra thực tế tại khu vực đổ rác. Tại hiện trường, đoàn kiểm tra ghi nhận rác đổ từ xe BKS 29T – 6627 có 7 bộ áo quần loại sử dụng trong phòng chống dịch Covid-19, nhiều khẩu trang y tế loại sử dụng 1 lần được trộn lẫn trong rác thải sinh hoạt.

"Khi chúng tôi kiểm tra thì tài xế xe không hợp tác. Xe mang BKS 29T – 6627 không phải chuyến đầu đổ loại rác thải y tế trộn lẫn rác thải sinh hoạt trong ngày 28/7.

Đây là loại rác thải y tế nguy hại, nguy cơ gây lây lan dịch bệnh Covid-19 rất lớn. Vì sao xe thu gom rác thải sinh hoạt có trộn lẫn rác thải y tế? Ai chịu trách nhiệm?", ông Huy gay gắt.

Đại diện Trung tâm quan trắc môi trường – Sở Tài nguyên môi trường cho biết số rác thải y tế trên được thu gom tại công ty điện tử Việt Hoa (Khu công nghiệp Hoà Khánh – quận Liên Chiểu, Đà Nẵng).

Ông Ngô Lê Quảng, Giám đốc URENCO 15, thừa nhận xe thu gom rác BKS 29T – 6627 có đi vào lấy rác tại công ty Việt Hoa. Tuy nhiên, ông Quảng cho rằng 7 bộ quần áo nói trên thuộc rác thải sinh hoạt. Số áo này công nhân mặc để phun khử khuẩn sau đó đưa vào rác thải sinh hoạt.

"Việc thu gom rác ở công ty Việt Hoa không phải do URENCO 15 chủ động mà do công ty Daizico nhờ thu gom. Theo ông Quảng, nguyên nhân là do số rác này đã 17, 18 ngày chưa được thu gom", ông Quảng lý giải.

Còn ông Nguyễn Trung Cường, đại diện Daizaco, thừa nhận có nhờ URENCO 15 thu gom số rác trên cho công ty Việt Hoa. Ông Cường cũng cho hay công ty này đã có hợp đồng thu gom rác sinh hoạt với công ty môi trường đô thị Đà Nẵng nhưng "không hiểu sao số rác này hơn 14 ngày không được thu gom".

"Tôi có nhờ anh Quảng và anh Quảng điều xe đến giúp thật", ông Cường nói.

Hơn 5 tấn rác xử lý thế nào?

Ông Quảng cho biết số rác ở công ty Việt Hoa đã được gom khoảng 4,8 tấn và còn khoảng 6 thùng chưa được thu gom do xảy ra sự việc hôm qua.

Trong cuộc họp, ông Võ Nguyên Chương, Phó giám đốc Sở Tài nguyên môi trường Đà Nẵng cho rằng, việc giải phóng khối lượng rác tồn động ở công ty Việt Hoa là cần thiết. Số rác này là chất thải nguy hại do công ty Việt Hoa trước đó là nơi phong toả do dịch Covid-19.

URENCO 15 đã nhiệt tình hỗ trợ thu gom khi được nhờ nhưng trong quá trình có sự chưa đúng về quy trình, về phương tiện vận chuyển.

"Tổng số rác ở công ty Việt Hoa mà URENCO 15 đã thu gom và còn tồn đọng là khoảng hơn 5 tấn. Sở yêu cầu bãi rác Khánh Sơn tiến hành đưa vào lò đốt xử lý số rác sinh hoạt có lẫn rác thải y tế này. Chi phí xử lý sẽ do chính quyền Đà Nẵng chi trả", ông Chương yêu cầu.

Đặc biệt, ông Chương cho biết Sở Tài nguyên môi trường sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể việc thu gom, xử lý rác tại các khu vực cách ly, khu vực phong toả. Ông Chương cho hay rác tại các khu vực này đều có nguy cơ cao nên cơ quan y tế và cơ quan môi trường cùng cấp ở địa phương sẽ chịu trách nhiệm thực hiện thu gom.

Theo DOANH NGHIỆP VÀ TIẾP THỊ - Đình Thức

Các bài viết liên qua đến Vụ trộn rác thải phòng chống Covid-19 vào rác sinh hoạt: Xử lý như thế nào?