Đăng quảng cáo miễn phí: MuaBanNhanh, Nhà Đất, Xe
Tìm việc và tuyển dụng: Việc Làm Vui
Cửa hàng Soya Garden trên phố Giang Văn Minh đang được cho thuê mặt bằng. Ảnh: Hoàng Hải.
Tokyo Deli thông báo đóng cửa một cửa hàng sau đợt Covid-19 tái bùng phát lần thứ 2.
Cơ sở tại tòa nhà Comatce, Ngụy Như Kon Tum, được thông báo chấm dứt hoạt động. Nguyên nhân được đưa ra là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Sau khi đóng cửa nghỉ Tết, Tokyo Deli cơ sở Ngụy Như Kon Tum đã không còn mở cửa trở lại. Ảnh: Nguyên Bảo.
Tính từ đợt Covid-19 tái bùng phát lần 1 đến nay, thương hiệu nhà hàng Nhật Bản này đã đóng 2 trên tổng số 5 cơ sở tại Hà Nội. Cơ sở đóng trước đó là D2, Giảng Võ. Thời điểm đóng vào tháng 6/2020, với cùng lý do trên.
Chuỗi nhà hàng Nhật Bản Daruma, được coi như "đối thủ" của Tokyo Deli, trực thuộc Golden Gate cũng đã có một năm khó khăn.
Trong hơn 1 năm trở lại đây, Daruma đã đóng 3/6 cơ sở tại Hà Nội.
Ngoài cơ sở Trung Hòa - Nhân Chính đóng vào cuối năm 2019, 2 cơ sở Daruma khác đã đóng cửa trong "năm Covid-19 lần thứ nhất" và không còn mở trở lại là Daruma Giảng Võ và Daruma Dịch Vọng Hậu.
Một trong những thương hiệu F&B mạnh về tài chính là Soya Garden - chuỗi cửa hàng đậu nành chuẩn hữu cơ được Shark Thủy đầu tư 100 tỷ đồng, vẫn tiếp tục đóng những cơ sở có vị trí đắc địa tại Hà Nội.
Được thông báo sẽ mở cửa hoạt động vào ngày mồng 6 Tết (tức 17/2), đến ngày 8/3, Soya Garden Hapulico vẫn kéo dài chuỗi ngày đóng cửa lên đến cả tháng trời.
Fanpage thông báo lịch mở cửa của các Vườn Đậu...
Nhưng thực tế đến 8/3, điểm bán tại Hapulico vẫn chưa thể hẹn ngày mở cửa trở lại. Ảnh: Nguyên Bảo.
Soya Garden Giang Văn Minh thì hoạt động cầm cự vài ngày sau Tết, mới đây cũng đã dỡ biển hiệu, kèm thông báo cho thuê mặt bằng.
Soya Garden Giang Văn Minh đã đăng thông báo cho thuê mặt bằng. Ảnh: Hoàng Hải.
Soya Garden cũng hướng tới đưa công nghệ vào kinh doanh bằng việc lập app theo xu hướng của các ông lớn như The Coffee House, Golden Gate, Trung Nguyên. Tuy nhiên, app hiện không cập nhật các cơ sở đã đóng cửa, đồng thời không thể đặt hàng.
Từng mở tới 50 điểm bán và ôm mộng tiến sang Mỹ, Hàn, nâng quy mô lên 500 điểm bán, nay Soya Garden chỉ còn 8 cửa hàng đang hoạt động (theo thông tin trên fanpage ngày 18/2).
Cuộc xoay chuyển của những kẻ thức thời
"Covid-19 đã thanh lọc rất nhiều anh em kinh doanh trong lĩnh vực F&B", ông Hoàng Tùng - CEO Pizza Home và cũng là nhà sáng lập "bếp trên mây" FoodHome - chia sẻ với Doanh nghiệp & Tiếp thị.
Ông Hoàng Tùng - CEO Pizza Home. Ảnh: Hoàng Hải.
Việc các doanh nghiệp F&B phải trả lại mặt bằng, ông Tùng gọi là "tái cấu trúc điểm bán", khi nhiều doanh nghiệp sau khi trả lại mặt bằng đã thuê được mặt bằng khác tốt hơn nhiều.
Thời điểm trước Covid, nhà sáng lập Pizza Home thú nhận ông như nhiều người kinh doanh F&B khác, thích "làm to", địa điểm phải "hoành tráng". Khi Covid ập đến, ông nhận ra bài học rằng: Những mặt bằng quy mô, đẹp, nhiều khi lại là gánh nặng.
"Có nhiều địa điểm mình cố gắng thuê mặt bằng đẹp, hoặc có nhiều địa điểm trước Covid đã không tốt, mà mình cứ cố giữ, giữ "lấy số" cho quy mô hệ thống, lấy điểm lãi nuôi điểm lỗ, mà nhiều khi cố giữ vì sĩ diện. Covid xảy ra khiến cho mình "sống thật" hơn", ông Tùng chia sẻ.
Thời điểm giãn cách xã hội lần đầu hồi năm 2020, Pizza Home có đợt đóng đến 12 cửa hàng, sau đó trả khá nhiều mặt bằng, ngược lại cũng thuê được mặt bằng tốt hơn.
"Thực tế, số cửa hàng đóng nhiều hơn là mở, nhưng chất lượng từng điểm bán tốt hơn nhiều", anh Tùng nhìn nhận.
Các ông lớn đang làm gì?
G-Delivery của Golden Gate hoạt động khá "mượt".
Ngay đầu dịch đợt 1, Golden Gate đã nâng cấp app The Golden Spoon, vốn được lập từ năm 2016. Song song với việc xuất hiện trên Now, Baemin, GrabFood, các thương hiệu của Golden Gate đồng thời có thể hoàn thiện đơn thông qua công nghệ giao hàng "nhà làm" G-Delivery.
Việc dịch chuyển lên online của Golden Gate được ông Hoàng Tùng nhìn nhận là khá nhanh chóng, khi ông lớn này hoàn thiện rất nhanh các sản phẩm package (đóng gói món ăn phục vụ việc dịch chuyển lên online), và bán thẻ trả trước để khách hàng sử dụng trong cả năm.
"Đó là biện pháp bổ trợ cho dòng tiền rất hay khi có thể thu tiền trước, bán hàng sau mà ít bên làm được", ông Tùng nhìn nhận.
Năm 2019, Golden Gate đạt 4.776 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế đạt 376 tỷ đồng. Trong năm Covid 2020, đơn vị này cho biết trên báo giới đặt kế hoạch doanh thu 4.708 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 150 tỷ đồng - giảm 53% so với năm 2019.
Với lợi thế trang trại tự cung nguồn rau xanh, chuỗi nhà hàng Cuốn and Rolls bên cạnh việc bán offline, online đồ ăn, cũng bán các combo rau với giá 200.000 đồng/6kg rau tự chọn và các gói nước lẩu.
"Covid-19 khiến toàn ngành F&B gặp khó, không chỉ riêng thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, những ông lớn với những khoản tài chính tích lũy đã lâu, cũng đã chuyển đổi rất nhanh", ông Tùng bình luận.
Ảnh: Hoàng Hải.
Một góc nhìn lạc quan khác cho ngành F&B, theo ông Tùng, là sức mua của thị trường Việt Nam rất tốt.
"Dù Covid-19 xảy ra, chỉ cần hồi lại một chút, mọi người đã đi du lịch, mảng ăn uống cũng gần như hồi phục. Trước khi Covid lần 2 quay lại, một số anh em mảng F&B đã chia sẻ mảng kinh doanh của họ hồi tới 80% - 90%".
"Sóng Covid đợt 2, đợt 3 cũng khó khăn hơn, nhưng thực tế những người trụ được đến thời điểm này đều có nội lực. Đặc biệt, với các ông lớn, vừa có nội lực, vừa có chiến lược và nhìn dài hơi hơn", ông Tùng nói.
Nhìn dài hơi hơn, ông Tùng cho rằng thị trường F&B sẽ duy trì 2 xu hướng: Trải nghiệm và Tiện lợi.
Với xu hướng Trải nghiệm, thương hiệu nhắm tới xây thật nhiều điểm chạm trải nghiệm cho khách. Những cái tên tiêu biểu có thể kể đến là Pizza 4P’s hay lẩu Haidilao với màn múa mì trứ danh, ngồi đợi được giũa móng tay kèm ăn nhẹ, tức xây dựng trải nghiệm xung quanh sản phẩm lõi.
Tuy nhiên, xu hướng này đòi hỏi người làm rất đam mê, giỏi nghề, và tài chính mạnh, bởi nếu thua, cũng sẽ thua "rất đau".
Tiện lợi là xu hướng đang lên ngôi, với tốc độ tăng trưởng mạnh.
"Tôi ngồi đây muốn order suất cơm, phải ngon, rẻ, giao phải nhanh. Tôi không quan tâm đến điểm chạm, chỉ quan tâm tới sản phẩm cuối cùng", ông Tùng đề cập đến những đặc tính của các vị khách Tiện lợi, vốn đi liền với hành vi mua hàng của khách hàng trên các ứng dụng giao hàng online.
Theo số liệu từ Statista, thị trường giao nhận thức ăn trực tuyến tại Việt Nam được dự đoán sẽ đạt mức doanh thu lên đến 302 triệu USD vào năm 2020 và dự kiến sẽ đạt mức 557 triệu USD vào năm 2024.
Nguyên Bảo - Kinh Doanh & Tiếp Thị
Tin nổi bật Kinh doanh