Đăng quảng cáo miễn phí: MuaBanNhanh, Nhà Đất, Xe
Tìm việc và tuyển dụng: Việc Làm Vui
NFT (non-fungible token) là các tài sản dựa trên blockchain, gắn với những hình ảnh kỹ thuật số, các đồ vật có thể thu thập trong game hoặc trong thế giới metaverse. Nhờ sự bảo chứng của nhiều người nổi tiếng trên toàn cầu, loại tài sản này đã bùng nổ thành một bong bóng trị giá hàng tỷ USD trong hơn 1 năm qua.
Các ngôi sao như Paris Hilton, Gwyneth Paltrow hay Serena Williams đều đã khoe về việc có sở hữu NFT. Thậm chí Messi cũng đã ra mắt bộ sưu tập NFT của mình vào năm ngoái. Tất cả những điều này càng thu hút một bộ phận giới trẻ tham gia thị trường mới nổi này với hy vọng kiếm lợi nhuận nhanh.
Nhưng cả ngành công nghiệp này đang dần bị lung lay do cú sập gần đây của thị trường tiền ảo và sự sụt giá "kinh hoàng" của nhiều đồng tiền chính. Tới lúc này, những dấu hiệu dành cho tương lai của NFT cũng không mấy khả quan.
Số lượng các NFT được giao dịch trong quý đầu năm nay đã giảm gần 50% so với quý trước đó, theo số liệu của công ty phân tích Non-Fungible. Họ tính toán rằng thị trường vẫn đang bận tiêu thụ khối lượng khổng lồ các NFT được tạo ra vào năm ngoái và hoạt động bán lại đang cất cánh.
Công ty giám sát CryptoSlam cũng báo cáo một sự sụt giảm mạnh trong tháng 5 này, với chỉ 31 triệu USD giá trị các mặt hàng nghệ thuật và đồ sưu tập được giao dịch trong tuần trước nữa, mức thấp nhất trong cả năm. Một ví dụ cho sự u ám của thị trường là những nỗ lực vô ích nhắm bán lại NFT bài Tweet đầu tiên của CEO Twitter Jack Dorsey.
Vị CEO đã bán thành công món NFT đó với giá 3 triệu USD vào năm ngoái, nhưng người chủ mới đang không thể tìm thấy ai chịu trả mức giá hơn 20 nghìn USD.
Scam ở khắp mọi nơi
Molly White - kỹ sư phần mềm, một người chỉ trích mạnh mẽ của hệ sinh thái crypto, nói với AFP rằng có nhiều lý do cho sự suy thoái của thị trường này.
Cô nói: "Lý do có thể là sự sụt giảm chung của cơn sốt (cho các tài sản ảo), cũng có thể là do nỗi sợ bị scam sau quá nhiều vụ việc tầm cỡ, hoặc đơn giản là mọi người đang thắt lưng buộc bụng".
Trong năm nay, danh tiếng chung của ngành cũng đã bị ảnh hưởng nặng nề. Sàn giao dịch lớn OpenSea cho hay vào đầu tháng 1 rằng 80% số NFT được tạo ra từ công cụ miễn phí của họ là lừa đảo - phần nhiều là bản sao trái phép của các NFT khác hoặc các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng.
NFT là thị trường đầy rẫy nạn scam và ăn cắp.
Theo Olivier Lerner, tác giả một cuốn sách về NFT, có đủ thượng vàng hạ cám trên OpenSea. "Thị trường trên trang web đó cũng không được quản lý, nên bạn không thể biết được mình đang mua cái gì" - ông cho biết.
Theo CryptoSlam, một đối thủ của OpenSea là sàn giao dịch NFT LooksRare cũng gặp vấn đề tương tự, khi 95% giao dịch trên trang này là giả. Sở dĩ như vậy là do người dùng sẽ được thưởng token mỗi khi giao dịch, nên họ tự mua đi bán lại với chính mình.
Lượng tiền bốc hơi vì các hoạt động scam và gian lận liên quan đến NFT cũng khiến người ta không khỏi giật mình. Gần đây, tựa game nổi tiếng dựa trên blockchain Axie Infinity đã bị ăn cắp hơn 600 triệu USD.
Như chơi xổ số
Theo luật sư Eric Barbry, những kẻ lừa đảo luôn đi liền với một công nghệ mới được phát triển. Điều này đặc biệt đúng khi thị trường NFT chưa có chế tài quản lý riêng, khiến các cơ quan hành pháp phải dựa trên những quy định sẵn có.
Molly White cho rằng những chế tài mạnh mẽ hơn có thể giúp giảm thiểu nạn đầu cơ trong NFT, nhưng đồng thời cũng sẽ xóa bỏ một điểm thu hút chính của nó - là khả năng kiếm lợi nhanh. Cô nói "Tôi nghĩ rằng việc cơn sốt giảm đi sẽ là một điều tốt. Ở hình thức hiện tại, giao dịch NFT vô cùng rủi ro và có lẽ là không khôn ngoan đối với một người bình thường".
NFT cũng thường được ví với thị trường các tác phẩm nghệ thuật truyền thống vì chúng không có giá trị thực tiễn và giá trị thì dao động kinh hoàng dựa trên xu hướng và cơn sốt của người mua.
Nhưng Olivier Lerner lại có ý khác. "Nó như xổ số vậy. Cứ chơi đi, nhưng bạn sẽ không bao giờ thắng" - ông nói với những người tìm kiếm lợi nhuận khủng từ NFT.
Nguồn: France24
Theo Tyler - Theo Trí Thức Trẻ
Tin nổi bật Kinh doanh