Đăng quảng cáo miễn phí: MuaBanNhanh, Nhà Đất, Xe
Tìm việc và tuyển dụng: Việc Làm Vui
Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) có thể sẽ sớm tăng lãi suất lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ, một thành viên Hội đồng điều hành ECB chia sẻ với CNBC.
ECB được đánh giá đang chậm chân hơn trong quá trình siết chính sách tiền tệ so với các ngân hàng trung ương khác. Tuy nhiên, kỳ vọng ngân hàng này sớm nâng lãi suất đã gia tăng mạnh trong một vài tháng trở lại đây, trong bối cảnh lạm phát diễn biến phức tạp. Nhiều chuyên gia dự báo ngân hàng này sẽ tăng lãi suất ít nhất 4 lần trong quãng thời gian còn lại của năm 2022.
“Chúng ta đang đi đúng con đường”, theo Joachim Nagel, Chủ tịch Bundesbank, một trong những thành viên ủng hộ quan điểm thắt chặt chính sách của ECB, chia sẻ với CNBC.
“Trong cuộc họp quan trọng hồi tháng 3, chúng tôi đã thống nhất chủ trương dừng chương trình thu mua tài sản, và trong cuộc họp tháng 6 tới, dựa trên dữ liệu kinh tế tại thời điểm đó, chúng tôi có thể sẽ quyết định dừng hẳn chương trình này, và sau đó, tôi tin là ECB sẽ sớm tăng lãi suất”, ông nói.
Theo lời chia sẻ của ông, rất có thể ECB sẽ nâng lãi suất trong tháng 7, thời điểm ECB thảo luận các dự báo kinh tế mới công bố trong tháng trước đó.
Nagel cho biết ông đã liên tục cảnh báo về tình trạng lạm phát tăng cao kể từ khi trở thành người đứng đầu của Bundesbank.
“Tôi vô cùng cảm kích khi nhiều đồng nghiệp của tôi trong Hội đồng điều hành có chung quan điểm này”, ông nói.
Ông Joachim Nagel (bên trái), Thống đốc ngân hàng trung ương Đức và bà Christine Lagarde (bên phải), Chủ tịch ngân hàng trung ương châu Âu. Ảnh: Bloomberg.
Trước đó, Francois Villeroy de Galhau, Thống đốc ngân hàng trung ương Pháp, cho biết ông kỳ vọng ECB sẽ bắt đầu tăng lãi suất từ mùa hè năm nay. Trong khi đó, Ignazio Visco, Thống đốc ngân hàng trung ương Italia, chia sẻ với CNBC rằng “ECB có thể sẽ tăng lãi suất vào quý III hoặc cuối năm 2022, nhưng sẽ không quá quyết liệt”.
Các ngân hàng trung ương đang đứng trước áp lực phải kiểm soát lạm phát, trong bối cảnh giá cả hàng hóa tiêu dùng liên tục tăng, châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng mức sống.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ hồi đầu tháng 5 đã tăng lãi suất thêm 0,5%, mức tăng mạnh nhất trong 22 năm qua, và đây cũng là lần tăng lãi suất thứ hai của cơ quan này trong năm 2022. Lạm phát tại Mỹ hiện đang tiệm cận ngưỡng cao nhất 40 năm. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng tại nền kinh tế số 1 thế giới tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2021 trong tháng 4.
Ngân hàng trung ương Anh cũng vừa tăng lãi suất lần thứ 4 kể từ khi quốc gia này bước vào giai đoạn bình thường hóa sau đại dịch từ tháng 12/2021. Lạm phát tại Anh đạt 9%, cao nhất 40 năm, trong tháng 4.
Tuy nhiên, ECB vẫn tương đối thận trọng với tăng lãi suất. Quan điểm của cơ quan này là áp lực giá cả sẽ giảm sút trong nửa cuối năm nay.
Lạm phát khu vực đồng tiền chung châu Âu tăng cao kỷ lục tháng thứ 6 liên tiếp trong tháng 4/2022, trong bối cảnh cuộc xung đột Ukraine và nút thắt trong chuỗi cung ứng năng lượng đang tác động mạnh lên nền kinh tế của khu vực.
Lạm phát toàn phần của khối chạm ngưỡng 7,5% trong tháng 4/2022, vượt qua mốc 7,3% trong tháng 3.
Trọng Đại - Theo NDH
Tin nổi bật Kinh doanh