Đăng quảng cáo miễn phí: MuaBanNhanh, Nhà Đất, Xe
Tìm việc và tuyển dụng: Việc Làm Vui
Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 9, dù xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam có xu hướng giảm, nhưng xuất khẩu phân bón vẫn tăng mạnh. Lượng phân bón xuất khẩu tính đến hết tháng 9 đạt hơn 160.000 tấn, với trị giá hơn 94 triệu USD (tăng 37% về lượng và tăng hơn 33% về trị giá so với tháng trước).
Tính trong 3 quý, tổng lượng phân bón xuất khẩu của cả nước là 1,4 triệu tấn với trị giá 886 triệu USD (tăng hơn 45% về lượng và tăng 166% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái). Với tình hình này, dự báo xuất khẩu phân bón cả nước năm nay lần đầu chạm mốc 1 tỷ USD.
Xuất khẩu phân bón vẫn tăng mạnh.
Đặc biệt, giá phân bón tăng cao giúp các doanh nghiệp trong ngành tiếp tục đạt lợi nhuận chưa từng có . Điển hình, ngày 27/10, Tổng Công ty Phân bón và hóa chất dầu khí (Đạm Phú Mỹ) cho biết, trong 9 tháng đầu năm, lượng phân bón xuất khẩu của công ty đạt khoảng 155.000 tấn, gấp 3 lần kế hoạch cả năm, giúp doanh thu trong 9 tháng của công ty này đạt gần 15.000 tỷ đồng (tăng 92% so với cùng kỳ năm trước), lợi nhuận trước thuế khoảng 5.300 tỷ đồng (tăng gần 96%).
Công ty CP Phân bón dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau) trong 9 tháng, riêng doanh thu từ xuất khẩu Urê và các loại phân bón, bao bì đạt hơn 5.500 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm trước, đưa doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt hơn 11.400 tỷ đồng (tăng 90% so với cùng kỳ năm ngoái) và lãi sau thuế hơn 3.200 tỷ đồng, cao gấp 4 lần cùng kỳ.
Theo đại diện Đạm Cà Mau, nguyên nhân khiến doanh thu và lợi nhuận quý III tăng cao là do sản lượng tiêu thụ các loại sản phẩm tăng hơn 30% so với cùng kỳ, kết hợp giá phân bón tiếp tục neo cao . Cụ thể đơn giá bán bình quân sản phẩm Ure quý III đạt 13.781 đồng/kg, tăng hơn 32%, giá NPK đạt 14.045 đồng/kg tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2021.
Giá phân bón tăng cao, các doanh nghiệp đổ xô xuất khẩu
Lý giải về việc vì sao xuất khẩu phân bón tiếp tục tăng mạnh, ông Vũ Duy Hải - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam -Scho rằng, quý III là giai đoạn thấp điểm trong nước sử dụng phân bón, trong khi giá phân bón thế giới tiếp tục tăng khiến các doanh nghiệp "đổ xô" xuất khẩu.
Theo ông Hải, đến tháng 11, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long vào mùa vụ mới, sau đó tháng 12 và tháng 1 năm sau ở miền Bắc bước vào vụ Đông Xuân, do đó sẽ cần dùng nhiều phân bón.
"Thời gian qua, giá phân bón tăng cao đã khiến không ít hộ nông dân bỏ ruộng, giảm canh tác. Nhà nước cần có biện pháp điều hành linh hoạt, mang tính chất dài hơi. Nếu không bước vào mùa vụ sắp tới, thị trường phân bón lại nguy cơ mất cung cầu, nông dân Việt Nam tiếp tục gặp khó vì giá lại tăng cao", ông Hải nói.
Dương Hưng - Theo Tiền Phong
Tin nổi bật Kinh doanh