Đăng quảng cáo miễn phí: MuaBanNhanh, Nhà Đất, Xe
Tìm việc và tuyển dụng: Việc Làm Vui
Đồng USD đang ở mức cao nhất kể từ năm 2000, tăng 22% so với đồng Yen Nhật, 13% so với đồng euro và 6% so với các đồng tiền của thị trường mới nổi kể từ đầu năm nay. Đồng USD mạnh lên đã gây khó khăn cho các nền kinh tế toàn cầu trong việc kiềm chế lạm phát, đặc biệt ở các nền kinh tế thu nhập thấp và mới nổi vốn có nguy cư cao khủng hoảng nợ. Sự tăng giá mạnh của USD cũng làm tăng nguy cơ xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu và bất ổn xã hội.
Đồng USD tăng mạnh khiến nhiều đồng nội tệ yếu đi và là nguyên nhân khiến giá hàng hóa và dịch vụ tăng chóng mặt. Điều này tạo thêm sức ép tài chính, vào thời điểm các gia đình đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm lương thực và thiếu hụt năng lượng. Chẳng hạn khi đồng Yen trượt giá so với USD, lợi thế là khách du lịch quốc tế đến lưu trú ở Nhật Bản chi tiêu nhiều hơn nhưng người dân trong nước phải mua hàng nhập khẩu với giá đắt đỏ hơn.
Đồng USD mạnh lên trong vài tháng có tác động khá lớn đối với kinh tế vĩ mô ở hầu hết các quốc gia. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Theo các nhà phân tích, đồng USD tăng giá hiện có lợi cho Mỹ nhưng gây khó khăn cho phần còn lại của thế giới. Hàng hóa nhập khẩu vào các nước đắt hơn làm tăng thêm áp lực lạm phát hiện có, gây khó khăn cho các DN và chính phủ vay bằng USD, Các ngân hàng Trung ương phải tăng lãi suất để cố gắng nâng đỡ đồng tiền của họ và giữ cho tiền không chảy ra khỏi biên giới. Nhưng lãi suất cao hơn sẽ làm suy yếu tăng trưởng kinh tế và làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp.
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF, việc USD mạnh lên trong vài tháng có tác động khá lớn đối với kinh tế vĩ mô ở hầu hết các quốc gia, do sự thống trị của đồng USD trong thương mại và tài chính quốc tế. Tình hình đặc biệt nghiêm trọng ở các nền kinh tế và khu vực mới nổi, trong khi 1/2 các khoản vay xuyên biên giới và chứng khoán nợ quốc tế được tính bằng USD. Các quốc gia giàu có cũng không phải là miễn nhiễm, bằng chứng là các cuộc biểu tình phản đối giá sinh hoạt tăng cao và đình công đòi tăng lương để theo kịp lạm phát diễn ra rầm rộ ở châu Âu.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến đồng USD tăng giá không phải điều khó hiểu. Để chống lại lạm phát tăng cao trong nước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) từ đầu năm đã nâng lãi suất ngắn hạn 5 lần, dẫn đến lãi suất cao hơn với nhiều loại trái phiếu chính phủ và công ty Mỹ, hấp dẫn các nhà đầu tư và thúc đẩy “đồng bạc xanh” tăng giá.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng, lạm phát trên toàn cầu sẽ vẫn ở mức cao. Nỗ lực giải quyết cần được coi là ưu tiên kinh tế hàng đầu và cần sự phối hợp hành động giữa các nước. Các chuyên gia cũng kêu gọi FED hết sức thận trọng trong các chính sách và lưu ý đến tác động lan tỏa đối với thế giới, bởi sau mỗi đợt nâng lãi suất của FED thường tạo ra cú sốc tại các thị trường tài chính và nền kinh tế.
Theo chuyên gia Robert Schein, Công ty quản lý đầu tư Blanke Schein Wealth Management có trụ sở tại Mỹ, FED cần có trách nhiệm khi dùng đòn bẩy tăng lãi suất, bởi giải pháp này như “con dao 2 lưỡi”, tuy giúp giảm lạm phát ở Mỹ nhưng sẽ làm tăng quy mô thanh toán nợ và làm tăng nguy cơ suy thoái sâu ở các nước khác.
“FED sẽ vẫn duy trì lãi suất cao hơn trong thời gian dài. Họ đang cố gắng tập trung vào Mỹ bằng cách tăng lãi suất và thậm chí còn không biết sẽ đi đến đâu. Chúng ta không thể chỉ nghĩ lấy Mỹ làm trung tâm khi việc tăng lãi suất và đồng USD tăng giá đang gây những hệ quả trên toàn thế giới”, chuyên gia Robert Schein chỉ rõ./.
Trần Nga - Theo VOV
Tin nổi bật Kinh doanh