Giãn cách xã hội tại các thành phố lớn, các sàn giao dịch bất động sản chưa kịp phục hồi từ đợt dịch trước giờ gần như ‘đóng băng’, không có sự kiện mở bán hàng, dự án nhiều nơi phải tạm dừng xây dựng để đảm bảo quy định phòng chống dịch...
Điều này khiến một lực lượng lao động là các nhân viên môi giới bất động sản tự dưng bị thất nghiệp. Cầm cự mãi không được, nhiều môi giới đành tạm chuyển nghề, người thì kinh doanh online, người đi làm thu ngân siêu thị để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống.
Ảnh hưởng dịch bệnh, 80% sàn bất động sản đóng cửa, môi giới chuyển bán hàng online, thu ngân siêu thị... (Ảnh minh họa)
Chị Nguyễn Thu Trang – một môi giới chuyên bán phân khúc chung cư ở Hà Nội được 6-7 năm nay đã phải chuyển sang bán thực phẩm online. Chia sẻ với PV Infonet, chị Trang cho biết, nếu không xoay sở thì không thể đủ tiền trang trải cuộc sống cho gia đình với 2 vợ chồng và 2 con khi chồng chị là công nhân xây dựng, công trình cũng đang tạm ngừng vì dịch bệnh nên hiện cũng đang nghỉ ở nhà.
“Dù công ty tôi không cắt giảm nhân sự, lãnh đạo vẫn hỗ trợ trả lương cứng cho anh em, nhưng với nghề môi giới thì thu nhập chính là từ bán sản phẩm, nhưng giờ không bán được hàng thì lấy đâu ra tiền. May mắn là sống ở chung cư, nhu cầu thực phẩm mùa dịch nhiều nên tôi nhờ bố mẹ ở quê gom rau, thịt, cá... rồi chuyển lên để bán kiếm thêm thu nhập”, chị Trang cho hay.
Cũng đang làm thu ngân cho một siêu thị, chị Kim Cúc - một môi giới chuyên phân khúc đất nền cho hay, sau những đợt dịch liên tiếp kéo dài vắt qua 2 năm thì sàn bất động sản nơi chị làm việc cũng đóng cửa vì ông chủ không còn đủ sức gồng gánh.
Theo chị Cúc, vì là mẹ đơn thân, chị còn phải nuôi một con nhỏ nên nếu chỉ ở nhà và tiêu vào số tiền tích cóp từ trước thì không ổn nên chị đã xin đi làm thu ngân ở siêu thị để kiếm thêm vài triệu đồng đủ để trả tiền thuê nhà và chi tiêu sinh hoạt của hai mẹ con.
“Nếu dịch bệnh qua đi, thị trường bất động sản phục hồi và có giao dịch thì tôi lại quay lại làm nghề môi giới vì tôi rất thích công việc này. Ngày đi làm kiếm tiền, nhưng tối về tôi vẫn cập nhật tình hình thị trường, vẫn hỏi thăm, chăm sóc những mối khách hàng cũ để giữ quan hệ”, chị Cúc chia sẻ.
Môi giới buộc phải chuyển nghề do ảnh hưởng của dịch bệnh hiện nay là điều dễ hiểu khi theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến thời điểm này, hầu như chỉ có các sàn giao dịch bất động sản thuộc những doanh nghiệp quy mô lớn, có tiềm lực tài chính và trực tiếp làm chủ đầu tư dự án mới tiếp tục duy trì hoạt động. Còn lại, khoảng 80% số lượng các sàn giao dịch bất động sản chỉ làm trung gian môi giới thì hầu như đang phải tạm dừng hoạt động.
Ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch Hội đồng quản trị BHS group cũng cho biết, những sàn lớn có tích luỹ chỉ chiếm khoảng 20% trên thị trường. Do có tích lũy nên những sàn này vẫn chuẩn bị sản phẩm, tuyển dụng và đào tạo nhân viên, đẩy mạnh thu hồi công nợ và đẩy mạnh phát triển công nghệ.
Trong khi đó, những sàn nhỏ chưa có tích lũy chiếm đến 80%. Những sàn này hiện đang phải đối mặt với vấn đề dòng tiền do doanh thu ít hoặc không có, chi phí cố định (thuê nhà, lương), công nợ chưa về, thuế, lãi ngân hàng tiếp tục đè nặng. Các sàn nhỏ rơi vào trạng thái tâm lý hoang mang là giữ quân hay cắt giảm, bảo toàn hay tăng trưởng. Sàn quy mô nhỏ cũng khó xây dựng được chiến lược lâu dài vì không dày vốn và ít kinh nghiệm vượt qua khủng hoảng.
Theo ông Tuyển, sau mỗi đợt khủng hoảng, sẽ có rất nhiều sàn đóng cửa và cũng có rất nhiều sàn mở mới. Sự thanh lọc giúp cho thị trường có những sàn khỏe mạnh hơn, minh bạch hơn, phát triển bền vững hơn.
Minh Thư - Kinh Doanh & Tiếp Thị
Tin nổi bật Kinh doanh