Đăng quảng cáo miễn phí: MuaBanNhanh, Nhà Đất, Xe
Tìm việc và tuyển dụng: Việc Làm Vui
"Thế giới đã không còn chú trọng việc xuất khẩu sản phẩm mà hướng tới xuất khẩu thương hiệu và mô hình kinh doanh. Bằng cách này, giá trị doanh nghiệp sẽ tăng lên gấp 10, gấp trăm lần."
Đây là nhận định được chuyên gia nhượng quyền và tư vấn thương hiệu Nguyễn Phi Vân chia sẻ cùng Viện trưởng ISB, PGS.TS Trần Hà Minh Quân trong tập 3 chương trình talkshow "Đi cùng thương hiệu: Walk and Talk".
Phương pháp "xuất khẩu siêu hạng"
Nếu như trước đây, khái niệm "xuất khẩu" chỉ dừng lại ở xuất hàng hóa, xuất nguyên liệu thô, thì tới giờ đã có một "mảnh đất màu mỡ" để khai phá mang tên xuất khẩu thương hiệu và mô hình kinh doanh. Dưới hình thức này, đối tác sẽ trả tiền cho cả những tài sản trí tuệ bao gồm thương hiệu, thiết kế hệ thống, giải pháp mà doanh nghiệp tạo ra.
"Đối tác muốn sử dụng thương hiệu trong một thời gian sẽ phải trả 500.000 đô, 1 triệu đô. Doanh nghiệp xuất đi cả thương hiệu, mô hình và tất cả sản phẩm, nguyên vật liệu trong mô hình đó. Theo tôi, đây là một cách xuất khẩu siêu hạng" – chuyên gia Nguyễn Phi Vân phân tích.
Chuyên gia Nguyễn Phi Vân và Viện trưởng ISB, PGS.TS Trần Hà Minh Quân có cuộc trò chuyện về chủ đề xuất khẩu thương hiệu trên sóng tập 3 " Đi cùng thương hiệu: Walk and Talk".
Lấy ví dụ trong trường hợp của cà phê, bà Vân cho rằng doanh nghiệp Việt Nam đang bán ra nước ngoài rất nhiều sản phẩm như hạt cà phê xanh, hạt cà phê rang, chỉ đến cà phê gói là hoàn thiện nhất. Thế nhưng trên thế giới, người ta đã đạt tới "cấp độ" xuất khẩu thương hiệu cà phê, Starbucks, The Coffee Bean & Tea Leaf từ Mỹ bán mô hình kinh doanh hay OldTown White Coffee của Malaysia "xuất khẩu" cách người dân bản địa uống cà phê.
Theo đó, doanh nghiệp cần đi qua từng bước để chạm tới bước tiến hóa cuối cùng của chuỗi giá trị - chính là giải pháp. Điều này đòi hỏi ở doanh nghiệp tư duy đổi mới, sự đầu tư bài bản và chuyên nghiệp. OldTown White Coffee (Malaysia) hay Jollibee (Philippines) đều là những trường hợp thành công của khu vực nhờ xuất khẩu thương hiệu và mô hình kinh doanh. Trong khi tại Việt Nam, dù được đánh giá là nhiều tiềm năng song vẫn chưa có thương hiệu Việt nào thực sự tạo được dấu ấn khi xuất khẩu mô hình, thương hiệu trên trường quốc tế.
Cơ hội trong cuộc đua xuất khẩu thương hiệu
Thách thức lớn nhất trong việc nâng cao năng lực xuất khẩu thương hiệu của doanh nghiệp Việt đang nằm ở tư duy của người kinh doanh. "Mình phải nhận thức được là có một cách bán sản phẩm với giá trị gấp trăm lần nguyên liệu thô. Bất kỳ sản phẩm nào, từ hạt cà phê, hạt gạo đến con gà, con cá cũng đều làm được như vậy hết" – bà Nguyễn Phi Vân khẳng định.
Chuyên gia Nguyễn Phi Vân cho rằng một doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có tiềm lực kinh tế có thể tập trung vào xây dựng mô hình và thương hiệu ngay từ đầu.
Xuất khẩu thương hiệu và mô hình là giải pháp "go global" dành cho cả những doanh nghiệp quy mô lớn và các SMEs. Một doanh nghiệp đã phát triển nhiều năm tại Việt Nam có thể có nhiều thương hiệu khác nhau trong cùng chuỗi giá trị, bao gồm thương hiệu sản phẩm, thương hiệu giải pháp và thương hiệu mô hình. Doanh nghiệp sẽ xuất khẩu một trong các thương hiệu này hoặc sáng tạo ra một thương hiệu mới để đưa ra thị trường.
Đáng chú ý, với các doanh nghiệp vừa và nhỏ có nguồn lực hạn chế, chuyên gia Nguyễn Phi Vân coi xuất khẩu thương hiệu, mô hình là giải pháp cực kỳ hiệu quả để mở rộng quy mô và vươn ra thế giới. "Tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu thương hiệu và mô hình thành công trên thế giới đều đi từ doanh nghiệp vừa và nhỏ mà ra. Những ông lớn như Starbucks, McDonald's, KFC cũng từng là doanh nghiệp siêu nhỏ." - nữ chuyên gia nhận định - "Vì họ biết cách thiết kế mô hình nên nhân rộng rất nhanh, xuất khẩu rất nhanh."
Chuyên gia lưu ý về "cửa sổ vàng" để doanh nghiệp Việt cạnh tranh ngang hàng với các tập đoàn lớn trên thế giới.
Hiện nay doanh nghiệp SME Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế trên đường đua xuất khẩu thương hiệu bởi các mô hình, thương hiệu Việt chưa được "đóng gói" bài bản. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đang thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng, có doanh nghiệp sản xuất rất tốt nhưng chưa biết làm dịch vụ, xây mô hình dẫn đến khả năng thiết kế và xây dựng mô hình, thương hiệu nhìn chung còn yếu.
"Doanh nghiệp của thời đại này không nên chỉ có 1 nhà sáng lập mà phải có 3, 4 nhà sáng lập. Mỗi người có những chuyên môn khác nhau cộng hưởng lại thì mới mạnh được. Cách tốt nhất, dễ nhất, ngắn nhất để xuất khẩu được mô hình, thương hiệu là phải làm cùng nhau" - chuyên gia phân tích chiến lược để SMEs tiến nhanh, vươn xa. Bên cạnh yếu tố hợp tác, người chủ sở hữu của thương hiệu cũng phải liên tục "scale up" bản thân, mở rộng tầm nhìn và tư duy toàn cầu để tự tin đứng trước các nhà đầu tư quốc tế.
Cuối tập 3 của talkshow, chuyên gia Nguyễn Phi Vân đặc biệt nhấn mạnh "cửa sổ vàng" được mở ra trong thời đại digital để các doanh nghiệp Việt bắt kịp với các quốc gia, thị trường đã phát triển. "Cửa sổ vàng" này chính là những mô hình kinh doanh được số hóa. "Doanh nghiệp Việt đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể chuyển đổi thành doanh nghiệp số để xuất khẩu mô hình và thương hiệu số ra thế giới. Từ đây họ hoàn toàn đủ khả năng cạnh tranh ngang sức với các ông lớn toàn cầu" – chuyên gia của "Walk and Talk" kết luận.
"Đi cùng thương hiệu: Walk and Talk" là chuỗi talkshow đặc biệt, lên sóng trên các nền tảng số của báo Tuổi Trẻ (tuoitre.vn). Đây là chương trình do báo Tuổi Trẻ cùng Viện ISB (Đại học Kinh tế TP.HCM) xây dựng, với sứ mệnh truyền cảm hứng về xây dựng, phát triển thương hiệu bền vững.
Talkshow cũng là dịp mà lần đầu tiên các CEO, chuyên gia hàng đầu thảo luận và đưa ra những lời giải, hiến kế cho cộng đồng doanh nghiệp về kinh nghiệm nâng tầm thương hiệu.
Theo Trí Thức Trẻ
Tin nổi bật Kinh doanh