Thương mại điện tử từ lâu đã không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi lạm phát. Giá bán trung bình trên các nền tảng trực tuyến đều có xu hướng giảm và điều này được duy trì trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến 2019. Tuy nhiên, COVID-19 cùng liên tiếp các làn sóng bùng phát dịch mới tại nhiều quốc gia trên toàn cầu đã chấm dứt xu hướng tưởng chừng như bất di bất dịch ấy.
Theo một báo cáo vừa được Tập đoàn Adobe của Mỹ công bố, trong tháng 7, giá hàng hoá trực tuyến đã tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Hầu hết các sản phẩm thuộc danh mục của Adobe Digital Economy Index đều tăng giá, trong đó, quần áo, thuốc kê theo đơn và đồ dùng thể thao là những mặt hàng ghi nhận mức tăng giá đáng kể hơn cả. Cụ thể, giá quần áo trên các nền tảng trực tuyến tăng 15,3%; thuốc kê đơn tăng 5,7% và đồ dùng thể thao tăng 3,5%.
"Trước khi đại dịch bùng phát, tôi tưởng rằng thương mại điện tử sẽ không bao giờ có bất kỳ cú sốc lạm phát nào" - nhà kinh tế học Austan Goolsbee cho biết.
Trong tháng 7, giá hàng hoá trực tuyến đã tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái (Nguồn: Reuters)
Xu hướng đi lên của giá cả hàng hoá trực tuyến không chỉ diễn ra trong tháng 7, mà bắt đầu "nhen nhóm" từ ngay sau khi đại dịch bùng phát hồi tháng 3 năm ngoái. Trước khi tăng 3,1% trong tháng 7 vừa qua, biểu đồ giá bán đa số các mặt hàng trực tuyến cũng đã ghi nhận 12 tháng đi lên mạnh mẽ. Số ít quay đầu giảm phát, nhưng với tốc độ không đáng kể.
Điều này đi ngược hoàn toàn so với thời điểm trước dịch COVID-19 khi giá cả trực tuyến giảm trung bình 3,9% mỗi năm trong giai đoạn 2015 - 2019. Thực tế, mua sắm trực tuyến vốn rẻ hơn so với mua trực tiếp tại những cửa hàng vật lý. Người tiêu dùng có thể nhanh chóng tìm thấy những trang web bán hàng uy tín, sau đó click chuột là đã có thể mua về cả thế giới. Họ thậm chí không cần rời khỏi chiếc sofa của mình để cất công săn những món đồ hiệu giảm giá.
Vậy vì sao lạm phát lại có thể xâm nhập thị trường mua sắm trực tuyến?
Theo các chuyên gia, nguyên nhân lạm phát xuất hiện trên các nền tảng bán hàng trực tuyến chủ yếu đến từ việc chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn. Hoạt động sản xuất toàn cầu mất đà trong tháng 8. Chỉ số sản xuất của Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới – đã rơi vào trạng thái giảm sút lần đầu tiên trong gần 1 năm rưỡi qua do khan hiếm nguồn cung cũng như sự gia tăng chi phí các nguyên liệu đầu vào.
Nguyên nhân lạm phát xuất hiện trên các nền tảng bán hàng trực tuyến chủ yếu đến từ việc chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn (Nguồn: Reuters)
Khu vực Đông Nam Á - trung tâm sản xuất giá rẻ cho nhiều công ty trên toàn cầu cũng chịu tác động nghiêm trọng sau khi hoạt động sản xuất bị đình trệ. Điều này khiến nhiều lô hàng không những mất nhiều thời gian hơn trước khi đến tay người tiêu dùng, mà còn thiếu hụt số lượng nghiêm trọng. Biến thể Delta khiến các nhà sản xuất lớn trên thế giới phải đau đầu khi phần lớn dây chuyền cung ứng của họ phụ thuộc vào phụ tùng ô tô và các thiết bị chất bán dẫn sản xuất giá rẻ tại Thái Lan, Malaysia...
Sự gia tăng trong nhu cầu mua sắm online trong bối cảnh nguồn cung hạn hẹp cũng là một trong những nguyên nhân đẩy giá hàng hoá trực tuyến lên cao. Các lệnh giãn áp dụng nghiêm ngặt tại nhiều quốc gia khiến việc đến các trung tâm thương mại hay cửa hàng vật lý trở nên xa xỉ. Nhu cầu mua sắm trực tuyến vốn đã hiện diện từ trước đại dịch theo đó càng được thúc đẩy tăng trưởng.
Lạm phát khó có dấu hiệu giảm nhiệt
Trước những quan ngại xoay quanh việc giá cả leo thang có thể khiến lạm phát kéo dài, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh hầu hết các đợt tăng giá hiện nay đều nằm trong kế hoạch phục hồi nền kinh tế Mỹ. Chủ tịch FED ông Jerome Powell trước đó cũng liên tục cho rằng lạm phát chỉ là yếu tố "tạm thời" và sẽ giảm nhiệt khi nền kinh tế Mỹ mở cửa trở lại. Minh chứng rõ ràng nhất là giá các loại gỗ xẻ đã tăng đột ngột, nhưng rồi giảm mạnh những tháng sau đó.
Trong tháng 6/2021, chỉ số giá tiêu dùng CPI của Mỹ tăng tới 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 8/2008 (Nguồn: Reuters)
Tuy nhiên, chính ông cũng thừa nhận rằng FED cũng như nhiều chuyên gia kinh tế khác có thể đã đưa ra những nhận định sai về lạm phát lần này. Dựa trên số liệu Bộ Lao động Mỹ công bố, lạm phát Mỹ tiếp tục tăng trong tháng 6/2021. Chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng tới 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 8/2008. Nguyên nhân chủ yếu đến từ các "nút cổ chai" về nguồn cung cũng như tình trạng thiếu chip trên toàn cầu. Chỉ số giá sản xuất PPI tại Mỹ cũng tăng vượt dự báo trong tháng 6, cho thấy tỷ lệ lạm phát của Mỹ có thể vẫn sẽ duy trì ở mức cao khi nền kinh tế phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Theo ông Goolsbee, lạm phát nóng hơn trên thị trường thương mại điện tử cũng có thể là chỉ dấu cho thấy lạm phát nền kinh tế Mỹ trong thời gian tới sẽ không có dấu hiệu giảm nhiệt. "Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED cần để mắt tới diễn biến trên thị trường bán hàng trực tuyến" bởi thực tế, xu hướng giảm giá trên các sàn thương mại điện tử là một trong những yếu tố quan trọng có thể đưa tỷ lệ lạm phát quay về mức an toàn.
Lạm phát nóng hơn trên thị trường thương mại điện tử có thể là chỉ dấu cho thấy lạm phát nền kinh tế Mỹ trong thời gian tới sẽ không có dấu hiệu giảm nhiệt (Nguồn: Reuters)
Lạm phát đã trở thành đề tài tranh luận chính trị giữa hai Đảng của Mỹ. Ông Tom Emmers, Chủ tịch Ủy ban Quốc hội quốc gia của Đảng Cộng hòa (NRCC) cho rằng, "các chính sách kinh tế liều lĩnh của Đảng Dân chủ đã khiến giá một loạt các mặt hàng tăng đột biến", trong đó có đồ dùng học tập. Điều này khiến các bậc phụ huynh trên khắp nước Mỹ như đang ngồi trên đống lửa khi con cái họ sắp bắt đầu năm học mới.
Tuy nhiên, việc coi những gói kích thích kinh tế khổng lồ là nguyên nhân duy nhất khiến giá cả leo thang có thể là một sai lầm. "Những người đi theo chủ nghĩa lạm phát sẽ luôn lo sợ nguy cơ lạm phát mỗi khi Đảng Dân chủ đề xuất làm điều gì đó" - ông Goolsbee, người đã từng nhiều năm làm việc cho chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố.
FED tuyên bố sẽ siết chặt chính sách hỗ trợ và thúc đẩy thảo luận tăng lãi suất từ quý IV tới (Nguồn: Reuters)
Mới đây nhất, FED cho biết sẽ siết chặt chính sách hỗ trợ và thúc đẩy thảo luận tăng lãi suất từ quý IV tới khi yếu tố lạm phát bắt đầu thỏa mãn mục tiêu của cơ quan này. Tuy nhiên, trong tháng 8, Mỹ chỉ tạo ra thêm 235.000 việc làm, mức “khiêm tốn” nhất kể từ tháng 1 năm nay và thấp hơn nhiều so với dự báo trước đó. Điều này khiến nhiều chuyên gia dự báo thời điểm FED bắt đầu thắt chặt các chính sách hỗ trợ tiền tệ có thể sẽ được thay đổi.
Huệ Anh - Kinh Doanh & Tiếp Thị
Tin nổi bật Kinh doanh