Chi Nguyễn - Tiến sĩ giáo dục tiết lộ về 4 góc nhìn quản lý tài chính "trưởng thành" hơn dành cho những người mới bắt đầu

Học cách kiếm tiền, tiêu tiền, quản lý và làm chủ đồng tiền như thế nào từ tác giả The Present Writer – Tiến sĩ giáo dục, chị Chi Nguyễn.

Quản lý tài chính và hướng đến mục tiêu "Tự do tài chính" là một chủ đề chưa bao giờ hết "hot" trong cộng đồng trẻ và các chị em mới bước chân vào cuộc sống gia đình. Không chỉ dừng lại ở việc làm chủ đồng tiền để hướng tới sự thịnh vượng, quản lý tài chính sẽ còn thay đổi tư duy của chúng ta trong cuộc sống.

Chia sẻ từ tác giả, blogger, youtuber The Present Writer Chi Nguyễn, người đã giới thiệu về khái niệm FIRE – tự do tài chính sớm nhất đến cộng đồng sẽ đem đến nhiều góc nhìn thú vị cho chủ đề này.

Chi Nguyễn hiện đang là Tiến sĩ Giáo dục đang công tác ở Mỹ.

Kỷ luật để sớm đạt tự do tài chính

Chắc hẳn đã có nhiều thời điểm, chúng ta từng rất tủi thân khi bản thân không thực sự dư dả để sử dụng tiền không cần phải đắn đo suy nghĩ. Tuy nhiên, nếu có một khoản tiền lớn, như tiền thưởng Tết, tiền thừa kế, tiền thưởng cuộc thi chẳng hạn, chúng ta sẽ không ngại mà "vung tay quá trán". Khi đó, nếu nhìn lại vấn đề, chúng ta có thể nhận ra không phải có nhiều tiền sẽ khiến chúng ta sống thoải mái hơn, mà kiểm soát đồng tiền sử dụng mới là điều cốt lõi trong quản lý tài chính.

Cũng từ đó, chị Chi Nguyễn đã lập ra chiến lược chi tiêu hiệu quả hơn bằng cách thiết lập kế hoạch dựa vào zero-based budget từ đầu đến cuối tháng, kiểm soát không để đồng tiền thoát ra mà không có mục đích. Nhờ vào việc lập ra một kế hoạch thông minh và nghiêm túc thực hiện, chị có thể mua sắm trong số tiền quy định đã đề ra mà không còn tình trạng "ném tiền qua cửa sổ" để đến cuối tháng không nhớ được từng mục mà mình đã chi.

Tuy nhiên, chị em cũng không cần gò bó bản thân phải chỉ tiêu chắt bóp mà hãy dành ra một khoản Fun Money (Tiền cho vui) dùng để mua sắm những gì mình thích mà không lo bản thân bị đánh giá. Chính việc đặt bản thân vào khuôn khổ sẽ khiến bản thân ta thoát ly khỏi lo lắng trong quản lý chi tiêu.

Khi nào khó có bạn đời cùng lo

Với tư duy kiểu truyền thống của người Việt Nam, người vợ hay người mẹ sẽ là người nắm giữ chi tiêu của gia đình. Tuy nhiên, điều này vô hình chung làm chị em phụ nữ chúng ta gánh lên vai trách nhiệm "vun vén" cho cả gia đình.

Chị Chi chia sẻ hai vợ chồng chị đã thống nhất cách chi tiêu hiện đại hơn: "Hai người sẽ tiêu tiền của riêng mình. Tuy nhiên, cách chi tiêu này lại lợi bất cập hại khi nguồn tiền không được đổ dồn vào một mối khiến việc kiểm soát khó khăn hơn. Việc giao tiếp giữa vợ chồng về vấn đề tiền bạc cũng nhạy cảm hơn vì ai cầm tiền của người nấy nên việc chi tiêu của người kia lại không trở thành vấn đề của mình".

"Một giải pháp vẹn cả đôi đường hơn là mình đã trao đổi thẳng thắn với anh" - chị Chi chia sẻ. Từ trách nhiệm trao đổi và thảo luận nghiêm túc, giúp cả hai tìm được phương pháp chung là "kết hợp" cả hai cách hiện đại và truyền thống. Hai vợ chồng chị mỗi người sẽ sử dụng chung tài khoản ngân hàng, app chi tiêu để nắm được việc tiêu dùng của nhau. Như vậy, cả hai không những có không gian cho chi tiêu cá nhân mà còn có trách nhiệm với đồng tiền của cả gia đình.

Trưởng thành hơn nhờ linh hoạt sử dụng đồng tiền

Quản lý chi tiêu không những đem lại một phương pháp sống thông minh mà còn khiến chúng ta có trách nhiệm hơn với đồng tiền mình làm ra. Bạn sẽ nhận ra mục đích quan trọng của việc tiêu tiền không chỉ để chăm sóc cho cả bản thân mà còn là cách đóng góp cho xã hội. Những doanh nghiệp không có đạo đức trong kinh doanh, sản phẩm không thân thiện với môi trường sẽ không nằm trong danh sách chi tiêu mà thay vào đó là nhóm sản phẩm tốt và thân thiện. Để tối ưu hóa chi tiêu, chúng ta sẽ chọn thương hiệu uy tín, minh bạch, sản xuất sản phẩm chất lượng.

Ở đây có thể mở rộng đến vấn đề về đầu tư tài chính, việc xác lập một lối sống thông minh vô hình chung cũng giúp bạn có một góc nhìn khác về những khoản đầu tư đã có sẵn. Trong danh mục đầu tư bên cạnh những khoản đầu tư "khuếch đại" lợi nhuận (cổ phiếu, tiền điện tử, bất động sản…) luôn có sẵn một khoản tài chính dự phòng từ những mảng như: trái phiếu, chứng chỉ quỹ, tiết kiệm ngân hàng và bảo hiểm… Tất cả chúng nên đến từ những doanh nghiệp tốt nhất thị trường. Cách phân bổ danh mục cũng thể hiện sự trưởng thành của bạn với mục tiêu FIRE đến đâu.

Nghiêm túc "chi trả" cho giấc mơ của mình

Hầu như mọi mong muốn và dự định của chúng ta đều sẽ bị chi phối bởi đồng tiền. Nhiều chị em sẽ cần tiền để đi du học, hay cần tiền để mua nhà, lấy chồng sinh con. Tuy nhiên, những giấc mơ ấy chỉ mãi sống trong tiềm thức của chúng ta mà thôi. Thay vì chỉ dám ước mơ, chị em hãy nghĩ tới việc vạch ra những gì cần phải "trả giá" để đạt được mục tiêu. Chị em sẽ cố gắng hơn trong việc làm việc, hay cố gắng kiếm một công việc khác để kiếm thêm thu nhập rồi tiết kiệm dần để mua những giấc mơ của mình. Việc hữu hình hóa mục tiêu sẽ khiến chúng ta quyết tâm hơn để hoàn thành giấc mơ của mình.

Theo Nguyễn Khánh An

Theo Trí thức trẻ

Các bài viết liên qua đến Chi Nguyễn - Tiến sĩ giáo dục tiết lộ về 4 góc nhìn quản lý tài chính "trưởng thành" hơn dành cho những người mới bắt đầu