Chứng khoán Việt Nam khép lại một năm thăng hoa và tràn đầy cảm xúc. Nhờ sự bùng nổ của dòng tiền từ nhà đầu tư mới đã góp phần đẩy chỉ số và thanh khoản lên mức cao kỷ lục. Trong con sóng uptrend, nhiều nhà đầu tư F0 lao vào thị trường như một canh bạc may rủi. Họ có thể "nhắm mắt xuống tiền" mà không cần suy nghĩ khi được "phím" những cổ phiếu có lái, có game với mong muốn ăn nhanh thắng đậm.
Những câu hỏi về ba chữ cái (mã chứng khoán - PV) có lẽ là chủ đề được nhắc đến nhiều nhất trong năm vừa qua. Và trên thực tế, nhiều nhà đầu tư F0 cũng may mắn "ăn bằng lần" chỉ với câu hỏi về ba chữ cái đó. Sự lên ngôi của cổ phiếu đầu cơ trong năm qua khiến nhiều nhà đầu tư nhìn thị trường bằng lăng kính màu hồng và cho rằng chứng khoán kiếm lời thật dễ.
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán vốn dĩ khốc liệt và biến động khôn lường. Những phiên giao dịch đầy sóng gió đầu năm 2022 cũng phần nào thể hiện được điều đó. Theo dự báo của giới chuyên gia, bước sang năm 2022, thị trường chứng khoán không còn dễ dàng, đòi hỏi nhà đầu tư phải "đãi cát tìm vàng" để lựa chọn được cổ phiếu tốt. Đặc biệt, để kiếm lời trong năm nay buộc nhà đầu tư phải trau dồi kiến thức và kinh nghiệm chứ không đơn thuần chỉ nghe theo các room "phím hàng" với những cuộc đua ba chữ cái.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco cũng đánh giá thị trường chứng khoán năm 2022 vẫn còn nhiều cơ hội, song việc lựa chọn cổ phiếu "trồng cây gì, nuôi con gì" sẽ khó khăn hơn năm 2021. Sang năm 2022, vị chuyên gia cho rằng đừng nên quan tâm quá nhiều đến ba chữ cái mà hãy trả lời 3 câu hỏi này trước khi xuống tiền mua cổ phiếu.
Thứ nhất, câu chuyện tăng trưởng của cổ phiếu là gì?
Theo phân tích của chuyên gia, câu hỏi đầu tiên nhà đầu tư cần tự trả lời trước khi mua cổ phiếu chính là xác định rõ câu chuyện tăng trưởng của cổ phiếu đó. Năm 2021, rất nhiều cổ phiếu không có câu chuyện tăng trưởng, thậm chí nội tại bết bát vẫn có thể tăng bằng lần, song năm nay điều đó rất khó xảy ra.
Trường hợp câu chuyện tăng trưởng mang tính dài hạn, bền vững, sẽ thích hợp để đầu tư trung và dài hạn. Ngược lại nếu là những yếu tố tăng trưởng mang tính ngắn hạn thì sẽ phù hợp để trading đánh nhanh rút gọn, và cần tuân thủ kỷ luật trading. Việc nhầm lẫn giữa đầu tư dài hạn và trading ngắn hạn có thể khiến nhà đầu tư nguy cơ cao rơi vào trạng thái "kẹp hàng". Đối với một cổ phiếu không xác định được câu chuyện tăng trưởng thì nhà đầu tư không nên giải ngân.
Thứ hai, thời điểm chốt lời - cắt lỗ cổ phiếu cụ thể như thế nào?
Ông Khoa cho rằng, nhà đầu tư cần có câu trả lời cho thời điểm chốt lời - cắt lỗ trước khi xuống tiền đầu tư. Bởi trong năm qua đã có rất nhiều trường hợp giá cổ phiếu tăng tốt nhưng nhà đầu tư không bán, và sau đó giảm sâu xuống thấp hơn mức giá vốn. Bên cạnh đó cũng đã có nhiều trường hợp cháy tài khoản năm vừa rồi do không tuân thủ kỷ luật cắt lỗ. Tuy câu trả lời phụ thuộc vào khẩu vị rủi ro của mỗi nhà đầu tư, song trước khi giải ngân chúng ta nên đặt ra những phương án cụ thể và hành động để tránh bị động trước các diễn biến xấu của thị trường.
Thứ ba, mức giá mua cổ phiếu đã phù hợp chưa?
Cụm từ "FOMO" hay "mua đuổi" không còn xa lạ với nhà đầu tư trong năm 2021. Bất chấp mức giá cổ phiếu đã lên cao, nhiều nhà đầu tư vẫn mua vào với kỳ vọng giá sẽ tiếp tục tăng. Tuy nhiên, vị chuyên gia đánh giá hiện mặt bằng giá thị trường đã lên một tầm cao mới, thậm chí nhiều nhóm cổ phiếu đang rất đắt đỏ và xuất hiện dấu hiệu bong bóng. Vì vậy, chúng ta nên tham khảo ý kiến chuyên gia hoặc tự trang bị những công cụ để có thể ước lượng giá cổ phiếu bao nhiêu là phù hợp.
Trong trường hợp chúng ta mua một cổ phiếu được định giá quá cao, thì bản chất là đang kỳ vọng vào việc tìm được một lớp nhà đầu tư mới để "truyền cục than hồng" sang tay và sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ngược lại nếu một cổ phiếu được mua với mức giá rẻ thì có thể tạo ra biên an toàn cho danh mục và hoàn toàn có thể nắm giữ dài hạn.
Theo: Minh Minh
Theo Doanh nghiệp và tiếp thị
Tin nổi bật Tài chính