Đăng quảng cáo miễn phí: MuaBanNhanh, Nhà Đất, Xe
Tìm việc và tuyển dụng: Việc Làm Vui
Tuy nhiên, không phải cứ có tiền là có thể đầu tư thành công, đặc biệt với những người mới, chưa có nhiều kiến thức và kinh nghiệm. Anh H - nhân viên văn phòng tại Hà Nội, là một điển hình.
“Tôi đang sống và làm việc tại Hà Nội. Sau nhiều năm đi làm, hiện tôi đã tích cóp được 1 tỷ đồng. Tôi gửi khoản tiền này vào ngân hàng và đang gần đến ngày đáo hạn. Đọc tin tức, tôi thấy bất động sản và chứng khoán đều đang sốt nóng, trong khi lãi suất ngân hàng lại chẳng được bao nhiêu. Tôi muốn rút tiền đầu tư chứng khoán hoặc bất động sản, nhưng chưa có kinh nghiệm”, anh H cho biết.
Dưới đây là một số lưu ý cho người mới bước chân vào lĩnh vực bất động sản và chứng khoán, tuỳ khẩu vị đầu tư của mỗi người có thể cân nhắc.
Bất động sản: An toàn nhưng cần vốn lớn
- Mức độ rủi ro: Khá an toàn. Bất động sản vốn là kênh đầu tư được nhiều người Việt ưa thích từ lâu. Bởi theo quan niệm, đất đai không sinh ra thêm, còn dân số vẫn tăng, nên dù giá đất giảm thì vẫn là tài sản có giá trị.
- Vốn đầu tư: Lớn. Giá trị của các sản phẩm bất động sản nhìn chung đều khá cao, ít nhiều cũng trên dưới một tỷ đồng. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, các cơn sốt đất khiến mức giá càng leo thang, kể cả trung tâm và vùng ven.
- Tính thanh khoản: Thấp, do quá trình giao dịch cần nhiều thời gian, liên quan đến các giấy tờ, thủ tục pháp lý.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản từng nhận định bất động sản Việt Nam có đặc điểm là luôn tăng giá qua mỗi năm, nên nếu biết nhìn nhận thị trường và có kinh nghiệm đầu tư, chắc chắn sẽ tạo ra nguồn lợi nhuận cao.
Tuy nhiên, hiện tại, trong trường hợp chỉ sử dụng 1 tỷ đồng vốn, nhà đầu tư khó mua được bất động sản tại trung tâm Hà Nội, ở cả hạng mục đất nền hay căn hộ. Thay vào đó, nhà đầu tư nên chuyển hướng đến những vùng ven, ngoại thành - nơi được đánh giá là có nhiều tiềm năng.
Ngoài ra, đầu năm 2021, ông Nguyễn Đức Hưởng – Nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng LienViet PostBank cho biết, nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền cũng là một phân khúc đáng chú ý.
Tuy nhiên, dù đầu tư vào sản phẩm bất động sản nào thì cũng phải biết định giá hoặc đánh giá được tiềm năng của nó.
“Các nhà đầu tư mới càng phải quan tâm đến khả năng chấp nhận rủi ro của mình, vì một bất động sản hoàn toàn có thể không thanh khoản được trong vòng 1-2 năm và bạn có chấp nhận được việc vốn có thể bị đọng lại như vậy không. Đồng thời phải đánh giá được bất động sản đó có người dùng cuối cùng không, khách hàng mà bạn có thể bán sản phẩm bất động sản ấy là ai? Bất động sản hay hàng hóa nào cũng thế, phải có người dùng cuối chứ không thể cứ nằm yên một chỗ, không phát triển gì mà tăng giá trị được. Nếu có khách hàng cuối cùng thì có thể đầu tư”, một vị chuyên gia trong ngành đưa lời khuyên.
“Các nhà đầu tư mới cần phải tỉnh táo, nên nhờ sự tư vấn tư môi giới chuyên nghiệp và cần vào đúng thời điểm. Ai cũng có thể đầu tư, nhưng thời điểm mới là điều quan trọng. Nếu bạn lao vào mù quáng thì sẽ trở thành con mồi của những "tay to", "cò mồi". Cần tham lam khi người khác sợ hãi nhưng cũng cần biết sợ hãi, đừng quá tham lam”, vị này nói thêm.
Bên cạnh đó cũng nên cân nhắc việc dùng đòn bẩy tài chính. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên nhớ, khi dùng đòn bẩy thì phải quay vòng vốn nhanh. Nếu vốn đầu tư lớn mà tính thanh khoản có khả năng mất bất cứ lúc nào thì không nên dùng đòn bẩy.
Chứng khoán: Vốn ít nhưng không dành cho người ngoại đạo
- Mức độ rủi ro: Cao, giá có thể lên nhanh và xuống cũng nhanh.
- Vốn đầu tư: Nhỏ. Trái với bất động sản, nhà đầu tư chỉ cần vài triệu hoặc vài chục triệu là đã có thể tham gia vào thị trường này. Do đó, khoản vốn 1 tỷ đồng hoàn toàn “dư dả” để bắt đầu chơi chứng khoán.
- Tính thanh khoản: Cao, có thể mua bán trong ngày.
Chứng khoán là kênh đầu tư đang lên từ giai đoạn cuối năm 2020. Dữ liệu của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam cho thấy, trong năm 2020, tổng số tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân lên tới 392.527 tài khoản, tăng 108% so với năm 2019. Đến ba tháng đầu 2021, thị trường tiếp tục diễn biến tích cực, khiến các nhà đầu tư càng thêm lạc quan.
Tuy nhiên, chứng khoán không phải sân chơi cho kẻ ngoại đạo. “Trong chứng khoán thì hầu hết 95% thất bại, chỉ khoảng 5% thành công”, ông Nguyễn Anh Đào, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư VietHome từng đưa ra nhận định với Reatimes. Vì thế, nhà đầu tư cần xác định được mức độ rủi ro mà bản thân có thể chấp nhận.
Nhà đầu tư cần trang bị kiến thức và hiểu biết cơ bản về tài chính, dành thời gian phân tích thị trường, cổ phiếu. Đặc biệt với người mới tham gia, cần tìm hiểu kỹ hơn về các công ty niêm yết, đánh giá được tiềm năng tăng - giảm của cổ phiếu. Đồng thời, chọn doanh nghiệp uy tín và không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh. Với số vốn tương đối lớn là 1 tỷ đồng, nếu rót tiền đúng thời điểm và đúng cổ phiếu, mức lợi nhuận mang lại sẽ rất đáng kể.
Tuy nhiên, đối với những nhà đầu tư không có nền tảng về tài chính, chứng khoán, nên tìm đến sự hỗ trợ của các công ty chứng khoán, môi giới chuyên nghiệp, hoặc mua chứng chỉ quỹ của các quỹ đầu tư để hạn chế rủi ro thua lỗ.
Theo BSC, nhà đầu tư cần lưu ý một số điểm sau:
- Chia vốn đầu tư vào nhiều công ty khác nhau. Giống như lời khuyên của tỷ phú Warren Buffett, “Đừng bao giờ cho hết tất cả số trứng vào một rổ”, giúp bạn hạn chế những rủi ro khi doanh nghiệp này làm ăn thua lỗ thì vẫn sẽ có cổ phiếu tăng giá của các doanh nghiệp khác bù lỗ.
- So sánh lợi nhuận và rủi ro. Việc này sẽ giúp nhà đầu tư chọn lựa được cổ phiếu giàu tiềm năng. Có một công thức đơn giản có thể áp dụng trước khi đặt lệnh mua:
% lợi nhuận của cổ phiếu < 2% rủi ro
Trong đó các điểm giá cao nhất, điểm giá thấp nhất, tổng khối lượng giao dịch trong thời gian gần nhất trên bảng giá đồ thị điện tử chính là căn cứ để xác định % rủi ro và lợi nhuận của cổ phiếu.
- Có kế hoạch chốt lời. Đây là phương pháp giúp các nhà đầu tư đảm bảo lợi nhuận cũng như phòng bị rủi ro trong đầu tư chứng khoán. Giống như cắt lỗ, phải đặt ra ngưỡng giá cho cổ phiếu (10%, 20% hoặc cao hơn tùy vào chiến lược của nhà đầu tư).
Khi cổ phiếu đã đạt đến điểm kỳ vọng, nhà đầu tư có thể bán hết tất cả cổ phiếu hoặc bán từng phần trong trường hợp suy đoán giá cổ phiếu có thể tăng.
Tuy nhiên, trong trường hợp một thời gian dài nhưng cổ phiếu vẫn chưa đạt giá mục tiêu, lại xuất hiện thêm dấu hiệu xấu thì nhà đầu tư nên nhanh chóng bán tháo cổ phiếu ra thị trường và tìm kiếm cơ hội đầu tư khác.
- Tránh hội chứng “ám ảnh thua lỗ”. Đây là điều thường gặp ở các nhà đầu tư mới. Trước những biến chuyển nhanh của thị trường chứng khoán, nhà đầu tư thường có tâm lý hoang mang, giằng co, lo sợ, đấu tranh... nên chỉ cần thấy giá giảm xuống là sẵn sàng bán tháo. Dần dần những phản ứng tâm lý tiêu cực này sẽ khiến các nhà đầu tư thiếu tự tin và không quyết đoán trong mọi quyết định giao dịch chứng khoán.
Hoàng Thùy (Tổng hợp) - Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
Tin nổi bật Tài chính