"Em vẫn ôm chặt và vẫn không than lỗ nửa lời. Hoa cũng phải cần ánh mặt trời. Em vắng bank ở trên đời còn gì vui sao. Bank lớn như thế mà không còn sóng. Tài khoản nát rồi, làm sao gương vỡ lại lành. Ừ từng còn lãi nhưng lãi trên tài khoản thôi. Lãi như không vậy thôi bank down trend 1 năm mất rồi….". Bài hát chế mở đầu cho talkshow Bí mật đồng tiền số 17 phát sóng trên VTV Digital với chủ đề Có cũng như không như cứa vào lòng những cổ đông ngân hàng.
Thời gian vừa qua, không chỉ nhà đầu tư cá nhân đặt niềm tin vào cổ phiếu ngân hàng. Ngay cả những tổ chức lớn như quỹ Dragon Capital ngày đầu năm đã khuyến nghị là nhóm ngành thú vị hay tuần trước là thông điệp dòng tiền đang bỏ quên dòng cổ phiếu này. Thế nhưng vài ngày qua những hoa hậu làng bank như Techcombank cũng “gãy” hết ngưỡng hỗ trợ trong vòng 1 năm qua.
“Tại sao cổ phiếu ngành ngân hàng giảm mạnh đến như vậy?”. Câu hỏi được BTV Hoàng Nam đặt ra cho các khách mời quen thuộc.
“Theo tôi ngân hàng hay bất kỳ cổ phiếu nào thời điểm thị trường đảo chiều thì đều đi xuống chung theo thị trường trừ trường hợp cá biệt thôi. Thế nhưng lượng lưu hành của cổ phiếu ngân hàng thường rất lớn. Chúng ta biết rằng ngân hàng trung bình vốn hoá cỡ 30-40 nghìn tỷ rồi. Do đó xáo động thị trường đi xuống là đúng, đúng theo quy luật thị trường. Nhưng khi bạn mua cổ phiếu ngân hàng, bản thân tôi đang nắm giữ một lượng cổ phiếu ngân hàng lớn rất nhiều và hơn 20 năm nay tôi vẫn đang giữ. Và trong tương lai tôi vẫn lọc mua những cổ phiếu tốt và giữ theo thời gian, tích lũy dần.
Tôi đánh giá ngân hàng vẫn có nhiều cơ hội trong 5-10 năm tới. Bởi vì chúng ta nhìn thấy tuy ngân hàng là 30-40 nghìn tỷ nhưng tính ra USD thì cũng chỉ trên dưới 2 tỷ USD so với trong khu vực, chưa cần nói đến thế giới thì vốn của các ngân hàng Việt Nam hiện nay đang còn rất nhỏ. Và cái chính là nền kinh tế Việt Nam vẫn là nền kinh tế tăng trưởng. Khi hiểu cái đó thì tôi luôn nắm giữa dài hạn và thành quả của nắm giữ dài hạn mang đến cho tôi. Bạn mua ngân hàng bạn phải nắm giữ 5 năm sau bạn mới thấy lãi kép phát huy nhiều như thế nào. Bạn sẽ thấy.”, ông Trần Tiến Dũng- nhà đầu tư có 22 năm kinh nghiệm trên thị trường chứng khoán chia sẻ.
Theo nhà đầu tư lão làng này, cổ phiếu có lên có xuống nhưng tâm lý của nhà đầu tư đừng để bị ảnh hưởng bởi những biến động ngắn hạn. Ông Dũng cho rằng xuống cũng là một điều tốt, điều chỉnh. Và khi xuống chúng ta biết được nhiều hơn về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Ông Dũng cũng nhấn mạnh lại lần nữa mua cổ phiếu ngân hàng thường là phải nắm giữ đầu tư và cần nhìn vào hội đồng quản trị, ban lãnh đạo, nhà đầu tư tổ chức. Nhà đầu tư này cũng tiết lộ theo đánh giá cá nhân MBB là cổ phiếu có cơ hội nắm giữ và bắt đầu vào thời điểm tăng trưởng, chưa vào giai đoạn tăng trưởng cao nhất. Ông Dũng cho biết mua và nắm giữ MBB trên 10 năm nữa.
Đồng ý với quan điểm của ông Dũng, ông Phạm Lưu Hưng- Kinh tế trưởng CTCP Chứng khoán SSI còn trích dẫn câu nói nổi tiếng của Warren Buffett: “Cái gì bạn không cầm được quá 10 năm thì đừng cầm quá 10 phút”.
Ông Hưng giải thích kỹ hơn về phản ứng của thị trường liên quan đến những thông tin Chính phủ đang trong sạch hoá thị trường trái phiếu doanh nghiệp vừa qua. Điều này ảnh hưởng chung đến ngành tài chính, không riêng ngành ngân hàng. Ngân hàng, chứng khoán, một số công ty bất động sản bị ảnh hưởng. Đối với ngành ngân hàng nói riêng, các nhà đầu tư đang lo ngại những nhà băng có danh mục đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp nhiều thì sẽ bị ảnh hưởng ít nhất trong giai đoạn này.
Lời khuyên của ông Hưng cho các nhà đầu tư trong giai đoạn này nên lựa chọn kỹ cổ phiếu nào ít bị ảnh hưởng bởi trái phiếu doanh nghiệp để kết quả tốt hơn. Ví dụ những cổ phiếu như TCB, MBB, VPB sẽ có ảnh hưởng. Những nhóm ít bị ảnh hưởng hơn bởi trái phiếu doanh nghiệp như ACB thì giá cổ phiếu không được ảnh hưởng nhiều trong giai đoạn này.
“Tất nhiên xu hướng dài hạn chúng ta phải cầm trong 10 năm thôi. Nếu không cầm được trong 10 năm thì đừng cầm quá 10 phút.”, ông Hưng chốt lại lời khuyên cho các nhà đầu tư.
Mộc An
Theo Nhịp Sống Kinh Tế
Tin nổi bật Tài chính