Trong những bài phỏng vấn gần đây của chúng tôi, ông Lâm Minh Chánh, Chuyên gia tài chính cá nhân, luôn khẳng định: chứng khoán là một kênh đầu tư tốt trong thời điểm này. Bởi, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trưởng thành, không quá nhiều rủi ro như trước đây. Hơn nữa, nên đầu tư dài hạn thay vì lướt sóng.
Theo ông Chánh, quan điểm "khủng hoảng là cơ hội để đầu tư thu về lợi suất cao hơn bình thường" chỉ đúng với những nhà đầu tư chuyên nghiệp, lão luyện. Ví dụ, khủng hoảng kinh tế - tài chính khiến giá cổ phiếu hay bất động sản giảm xuống, nếu ai bắt đáy tốt thì sau đó, khi thị trường hồi phục, nhà đầu tư sẽ thu được lợi suất tốt.
"Nhưng với những nhà đầu tư nghiệp dư, chúng ta không đủ sức và khả năng để làm việc này. Nếu làm thì rủi ro rất cao", anh Lâm Minh Chánh khẳng định.
Đầu tư ngắn hạn, lướt sóng chỉ dành cho các nhà đầu tư lão làng, chuyên nghiệp chứ không phải là sân chơi phù hợp với những người đang đi làm văn phòng hay không chuyên, không hiểu biết sâu sắc về đầu tư. Dù có lướt sóng thành công lần này thì lần sau nguy cơ cao sẽ bị sóng "đánh".
Tuy nhiên, thực tế thị trường cho thấy, những nhà đầu tư cá nhân mới trên thị trường chỉ nghe Chuyên gia như ông Chánh được một nửa; tức là nhiều người đang háo hức đầu tư vào cổ phiếu, song chủ yếu là lướt sóng hoặc đầu tư ngắn hạn trong vài tuần hoặc vài tháng, chứ không phải vài năm.
Trong Covid-19, ngoài ngành y tế và nhu yếu phẩm hằng ngày, thì chứng khoán cũng là một trong những ngành hưởng lợi lớn. Cơn sốt đầu tư chứng khoán vẫn chưa có giấu hiệu thuyên giảm dù đã có vắc xin phòng ngừa virus Corona. Có lẽ, sau khi đại dịch chấm dứt, chứng khoán sẽ trở thành một kênh đầu tư phổ thông và phổ biến ở thành thị giống như bất động sản hoặc ngân hàng.
Hơn nữa, những nhà đầu tư mới sau này, có chân dung rất khác nhưng thời kỳ trước: ngoài đặc biệt thích đầu tư kiểu lướt sóng, họ cũng không đầu tư kiểu mù quáng, mà có tìm hiểu về kiến thức hoặc rủi ro trong lúc đầu tư, đặc biệt họ không có ý định tất tay vay ngân hàng, mà biết ‘liệu cơm gắp mắm’.
"Sở dĩ tôi dấn thân vào hoạt động đầu tư chứng khoán vì đang cạn tiền mặt để chi tiêu mà tiền tiết kiệm thì không rút ra được. Hơn nữa, từ đầu năm 2021, một học viên làm trong ngành hàng không của tôi có kể là cô ấy chơi chứng khoán thắng; nên tôi nghĩ, nếu mình chơi, cũng có thể thắng. Hơn nữa, chỉ có vài trăm triệu hoặc vài chục triệu cũng không thể đầu tư bất động sản, bỏ vào chứng khoán vẫn hợp lý hơn.
Trước đây, tôi có tìm hiểu về chứng khoán, nhưng sợ rủi ro cao nên vẫn chưa chơi. Nay vì hai lý do kể trên, khiến tôi quyết định đầu tư thử vào tháng 3/2021", anh N.N.A – một giáo viên dạy tiếng Anh đang ngụ ở quận Bình Thạnh kể.
Để chuẩn bị cho quá trình đầu tư của mình, anh N.N.A đã lập một tài khoản đầu tư. Sau khi tìm hiểu nhiều công ty chuyên về đầu tư chứng khoán, anh N.N.A chọn mở tải khoản ở công ty chứng khoán V. Ngoài giao diện thân thiện, theo nhà đầu tư F0 này, V. còn có chi phí rẻ nhất – 0,2%. Ở các công ty, có thể chi phí lúc ban đầu rẻ, song sẽ nâng cao từ từ, rơi vào khoảng 0,2% đến 0,35%; hoặc có khi họ lấy phí 0,2%, nhưng chỉ khi bạn chơi trên 50 triệu.
Tiếp theo, anh N.N.A xem giá cổ phiếu và biểu đồ tăng giảm trên các website; anh đã xem mấy trăm mã cùng chu kỳ sóng của chúng theo tuần. Anh N.N.A sẽ quan tâm đến những mã cổ phiếu lên xuống vài ngàn chứ không phải vài trăm. Vì với nhiều đầu tư nhỏ và lướt sóng như anh, thì chỉ khi lời được vài ngàn/cổ phiếu, thì tỷ suất lợi nhuận mới cao. Anh không đi tìm hiểu thông tin doanh nghiệp, mà chỉ nhìn biểu đồ và tin vào phán đoán của bản thân.
Anh N.N.A đã đầu tư vào cổ phiếu D đầu tiên.
Sau vài ngày nghiên cứu, anh đã bỏ 30 triệu để mua cổ phiếu D với giá 96.000 đồng. Mới đầu, anh N.N.A tưởng cổ phiếu cũng như vàng hoặc USD, sau khi mua có thể ngay lập tức bán. Nhưng sự thật là: sau khi mua cổ phiếu, phải 3 ngày sau, cổ phiếu mới về tài khoản của anh; sau khi bán, thì cũng phải 3 ngày sau mới nhận được tiền. Sau khi nhận thấy giá cổ phiếu D lên mức 101.500 đồng, anh đã bán đi và thu lời khoảng 1,5 triệu.
"Sau khi tôi bán cổ phiếu D. không lâu, nó đã lên mức 120.000 đồng/cp, khiến tôi khá nuối tiếc’, anh N.N.A hồi tưởng.
Lần 2, anh N.N.A cũng dùng số tiền khoảng 30 triệu nói trên, để tiếp tục đầu tư cổ phiếu, lần này anh để mắt đến cổ phiếu Q với mức giá khá thấp được anh gọi là ‘peny’. Với số tiền đó, anh có thể mua 10.700 cổ phiếu, song canh mua mà không được, anh chỉ khớp lệnh thành công 4.800 cổ phiếu. Khi anh mua giá cổ phiếu Q vào khoảng 2.900 và bán ra vào khoảng 3.190 ngàn, lời được khoảng hơn 1 triệu.
Lần 3, anh nghe lời một người bạn xúi và mua cổ phiếu C. Vì cổ phiếu này giá khá cao, nên anh chỉ mua khoảng 500 cổ phiếu. Khi anh mua giá C. khoảng 78.000 ngàn, sau đó cổ phiếu này rớt giá liên tục, nên anh vẫn còn đang ngâm ở đó.
Sau khi chơi thử và thắng, anh N.N.A bắt đầu chuyển sang chơi thật, khi đầu tư hẳn 400 triệu cho một mã C khác tạm gọi là C' vào tháng 3/2021. Bởi anh muốn có được lợi nhuận nhiều hơn, lời một lần vài triệu xem ra chẳng bỏ bèn gì. Hiện anh có khoảng 8.400 cổ phần C', lúc mua có mức giá 49.000. Sở dĩ anh N.N.A quyết định mua C', là 'biết chắc sẽ lên'. Tuy nhiên, hiện tại mã C' vẫn đang đi xuống – có lúc xuống tới 45.300 ngàn, nên anh đang đợi đến tháng 8 mới quyết định bán hay không.
"Khi tôi đầu tư mã nào đó, tôi thường ít nhìn vào các thông tin về doanh nghiệp hay lời khuyên chuyên gia, vì sợ điều đó tác động lên quyết định của mình. Tôi thường chỉ nhìn vào các thông tin chứng khoán đơn thuần. Bên cạnh đó, tôi chỉ đầu tư những mã vừa túi tiền – với tỷ suất lợi nhuận tốt, giá biến động trong khoảng vài ngàn.
Với tôi, chọn cổ phiếu nào để đầu tư cũng như ‘chọn phụ nữ’, phải hợp hợp và đẹp mắt mới mua. Hơn nữa, mua bán cũng phải duyên. Đơn cử, vì tôi có dự án chăn nuôi riêng nho nhỏ, nên cũng khá quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp – chăn nuôi và có để ý đến cổ phiếu H; song mấy lần tôi đặt mua đều không khớp lệnh. Nên tôi nghĩ mình không có duyên với nó", anh N.N.A kết luận.
Tiết lộ với chúng tôi, anh N.N.A mặc dù tin C' sẽ tốt lên trong tương lai và mình sẽ có lời, nhưng kể cả lỗ thì anh cũng không hối tiếc, vì ‘chơi được chịu được’. Đã đầu tư thì phải chấp nhận rủi ro.
Trong quá trình đầu tư, anh cũng đã giúp chị H.T – nhà ở Gò Vấp, người đang trong quá trình đi xin việc vì bị mất việc cho Covid-19; mua 10 triệu đồng cổ phiếu E. Hành trình phiêu lưu vào giới đầu tư chứng khoán của chị H.T cũng thú vị chẳng kém.
Còn chị H.T lại tin vào cổ phiếu Eximban - EIB. Ảnh: Nhịp cầu đầu tư
"Tôi là người học tài chính, nên khá biết về chứng khoán. Sau khi nghỉ việc, mặc dù có tiền tiết kiệm, nhưng tôi thấy chúng đang hao hụt dần. Khi mình đầu tư chứng khoán, dù lời khoảng 1 triệu cũng đỡ, để không cảm thấy là tiền đang chết. Với tôi bây giờ, 1 tháng kiếm được 1 đến 2 triệu cũng rất tốt, còn hơn là chẳng có gì.
Trước giờ tôi vẫn chưa từng đầu tư chứng, cho đến tháng 3 vừa rồi, một người bạn của tôi xúi, biểu tôi mua cổ phiếu E đi, vậy là tôi bắt đầu chơi chứng khoán", chị H.T kể về con đường chạm ngõ thị trường chứng khoán của mình.
Vì lúc bạn xúi, chị chưa có tài khoản mà lại đang ở miền Tây, nhớ ra là có anh N.N.A đang chơi, thế là chị quyết định chuyển nhanh 10 triệu và tài khoản của anh N.N.A và nhờ mua giúp cổ phiếu E. Lúc chuyển khoản, chị H.T cũng nghĩ đến trường hợp xấu nhất là cổ phiếu mình mua xuống giá, thì lỗ 1 đến 2 triệu cũng không sao.
Thật ra, chị cũng không tin bạn hoàn toàn. Lúc nghe bạn xúi mua E, thì có vào các trang tin chứng khoán để lướt nhanh xem tình hình của cổ phiếu này dạo gần đây như thế nào, thấy nó tăng liên tục mới mua. Sau hơn 3 tuần, mới đây chị H.T đã bán ra khi E lên giá hơn 24.000 đồng, tiền lời thu về khoảng 2 triệu đồng. Tin rằng 'đầu xuôi đuôi lọt', chị H.T nghĩ mình sẽ tiếp tục đầu tư chứng khoán trong tương lai, có thể với số tiền gấp đôi lúc đầu.
"Mặc dù trước đây, tôi có nghe nói đến việc đầu tư chứng khoán, nhưng không dám chơi, bởi e ngại việc mình không có kinh nghiệm sẽ dẫn đến thua lỗ nhiều. Tôi có một người anh họ, trước đây suýt ‘tán gia bại sản’ vì đầu tư chứng khoán.
Tuy nhiên, trong năm 2020, khi phải ở nhà 1 tháng vì giãn cách xã hội, ngày nào cũng nghe bản tin tài chính – kinh doanh và trong các bản tin đó luôn nói tốt về việc đầu tư chứng khoán, khiến tôi bị thấm hồi nào không hay", chị H.T chia sẻ nguyên do sâu xa khiến chị không sợ đầu tư chứng khoán nữa.
Sự thật, chị H.T không phải là nhà đầu tư chứng khoán duy nhất gia nhập thị trường chứng khoán bởi vì quá rảnh rỗi trong mùa dịch.
"Trong khi ở nhà bởi những đợt giãn cách do Covid-19, vì quá rảnh rỗi và không biết làm gì, tôi đã thử mày mò sau đó quyết định đầu tư vào chứng khoán.
Danh mục đầu tư của tôi chủ yếu nằm trong hai mảng logistic và ngân hàng. Đầu tiên, vì tôi làm trong mảng logistic, nên tôi biết mảng này đang tốt như thế nào trong mùa dịch; thứ hai, trong thời gian khó như thế này, các tổ chức lẫn cá nhân khá e dè trong việc đầu tư, nên hầu hết họ đều gửi tiền vào ngân hàng. Thường thì ngân hàng ít khi thua lỗ, do họ ăn chênh lệch giữa tỷ suất cho vay và tỷ suất nhuận", một nhà đầu tư giấu tên, đang là Giám đốc vận hành của một công ty logistic kể.
Mặc dù vị Giám đốc này không tiết lộ mình lời nhiều hay lỗ nhiều hơn, song qua thái độ kể chuyện, có thể thấy quá trình đầu tư chứng khoán của anh vẫn đang rất tốt.
Quỳnh Như - Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
Tin nổi bật Tài chính