Lúc 7h ngày 11/1, giá vàng SJC được Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn giao dịch ở mức 66,1 – 66,9 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào - bán ra so với cùng thời điểm hôm trước.
Vàng trong nước kém sôi động khi giá lên quanh mốc 67 triệu đồng/lượng.
Giữ nguyên giá chiều mua vào và tăng 100.000 đồng/lượng chiều bán ra so với phiên trước đó, giá vàng SJC trên hệ thống Doji tại thị trường Hà Nội giao dịch ở mức 65,9 – 66,9 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC của Công ty vàng Phú Quý giao dịch ở mức 66 – 66,9 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC của Bảo Tín Minh Châu niêm yết 66,05 – 66,89 triệu đồng/lượng mua vào, bán ra. Giá vàng 24K Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá 2 chiều mua- bán ở mức 53,2 - 54,2 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới ngày 11/1, tính đến đầu giờ sáng (giờ Việt Nam) giao dịch quanh ngưỡng 1.876 USD/ounce, tăng 5 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua. Đây là mức giá cao nhất trong 8 tháng qua.
Một số nhà phân tích giải thích đợt phục hồi gần đây của giá vàng xuất phát từ việc thị trường đang dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ xoay trục chính sách tiền tệ và các nhà đầu tư chuyển sang tài sản an toàn trước cuộc suy thoái sắp tới.
Trên thị trường tiền tệ trong nước, lúc 7h20 ngày 11/1, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.605 đồng/USD, giảm 2 đồng/USD so với ngày hôm qua.
Những ngày gần Tết Nguyên đán được dự báo thị trường vàng trong nước sôi động bởi người dân mua vàng cuối năm làm tài sản tiết kiệm.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết, thị trường vàng trong nước hiện nay kém sôi động xuất phát từ những chính sách của cơ quan quản lý nhà nước.
Ông Long cho rằng, trước đây, thị trường vàng trong nước sôi động nhờ có nhiều thành phần tham gia, nhiều nhà đầu tư và người kinh doanh. Sau này, nhà đầu tư chuyển sang thị trường cổ phiếu, bất động sản; ngân hàng thương mại cũng không còn cho vay tiền để kinh doanh vàng, đầu tư vàng nên quy mô thị trường nhỏ và thu hẹp lại nhiều. "Phải nhìn nhận là biến động của giá vàng SJC hiện tại không ảnh hưởng lớn đến thị trường, kinh tế vĩ mô", ông Long nói.
Theo ông Long, Ngân hàng Nhà nước nên cấp phép cho doanh nghiệp đủ điều kiện được nhập vàng nguyên liệu để sản xuất vàng nữ trang, vì đây là mục tiêu lâu dài nhắm tới của thị trường. "Hiện các doanh nghiệp không có nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất vàng nữ trang mà chủ yếu mua trôi nổi từ thị trường, do đó giá vàng không ổn định”, ông Long nói.
Được biết, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị cho nhập vàng nguyên liệu để sản xuất vàng nữ trang, đáp ứng nhu cầu của thị trường, góp phần thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới. Hiện giá vàng nữ trang cao hơn giá thế giới trên 4 triệu đồng/lượng.
Đối với vàng miếng, ông Long kiến nghị Ngân hàng Nhà nước mở hơn về quy định. Hiện vàng miếng SJC không được sản xuất thêm và mỗi lần mở máy dập, gia công vàng SJC cũng phải xin phép. Về lâu dài nên cho thêm một vài thương hiệu vàng miếng khác, thay vì độc quyền như hiện tại.
Về dự báo diễn biến giá vàng năm 2023, ông Long cho rằng, rất khó dự đoán vì ngoài việc ảnh hưởng của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước còn chịu chi phối của nhiều yếu tố khác.
Theo Ngọc Mai
Tin nổi bật Tài chính