Ảnh: financemagnates.com.
Crypto.com đã ký một thỏa thuận 8 con số với đội bóng rổ Philadelphia 76ers để tài trợ áo và được xuất hiện tại nhà thi đấu. Ứng dụng giao dịch tiền điện tử này cũng sẽ làm việc với đội để phát triển các mã NFT và hỗ trợ người hâm mộ sử dụng tiền điện tử để thanh toán vé cùng các sản phẩm khác.
Ảnh: criptotendencia.com
Ngoài ra, Crypto.com cũng sẽ xuất hiện ở những kênh khác có nhượng quyền thương mại NBA – bao gồm các chương trình truyền hình và nhiều nền tảng kỹ thuật số khác.
Thỏa thuận với 76ers chỉ là một trong số rất nhiều thỏa thuận mà Crypto.com đã đạt được trong năm qua với tổng giá trị 400 triệu USD. Đầu tháng 9, công ty đã trở thành đối tác nền tảng tiền điện tử chính thức đầu tiên cho đội bóng đá Pháp nổi tiếng Paris Saint-Germain. Những thỏa thuận này mang lại nhiều lợi ích hơn việc chỉ bỏ tiền để xuất hiện logo trên truyền thông.
Ảnh: bitcoin.com.mx
Đầu tháng 9, FTX - một công ty khởi nghiệp hai năm tuổi – đã công bố chiến dịch quảng cáo trị giá 20 triệu USD với sự tham gia của huyền thoại bóng đá Tom Brady và vợ là người mẫu kiêm doanh nhân Gisele Bündchen. Cũng giống như Crypto.com, FTX đang tài trợ cho một loạt đội và giải đấu, bao gồm hợp đồng 5 năm với Giải bóng chày Major League được công bố vào mùa hè này.
Một lần, giám đốc FTX đề nghị các cộng sự nghĩ một ý tưởng gì đó "thật to tát". Một người nảy ra ý tưởng mua quyền đặt tên cho một sân vận động. Vài tháng sau, FTX đã giành được quyền "nhét" tên công ty vào tên sân vận động, Miami Heat’s FTX Arena, trong một thỏa thuận trị giá 135 triệu USD được thông qua vào tháng Ba.
Jamie Shuttlesworth, Giám đốc chiến lược của Dentsu tại châu Mỹ - đơn vị đối tác của FTX cho biết: "Có một nhóm các công ty công nghệ hiểu rõ rằng nếu họ không nhanh chóng xây dựng thương hiệu, họ sẽ khó có chỗ đứng trong một vài năm tới".
Các phương pháp quảng cáo truyền thống rất quan trọng để xây dựng lòng tin đối với các thương hiệu tiền điện tử - đặc biệt khi nó gắn trực tiếp đến túi tiền của mọi người.
Không chỉ Crypto.com và FTX, nhờ "núi tiền" từ các nhà đầu tư, ngày càng nhiều thương hiệu tiền điện tử mạnh tay chi lớn để tiếp cận khán giả đại chúng thông qua tài trợ thể thao và các sự kiện chính thống.
Ảnh: intermiamicf.com.
Trong tháng 9 này, đã có công ty tài chính tiền điện tử XBTO tài trợ cho đội bóng đá giải Major League Inter Miami; sàn giao dịch tiền điện tử FTX tài trợ cho đội đua Công thức 1 của Mercedes-AMG; tổ chức phi lợi nhuận Learncrypto.com tài trợ cho đội bóng Southampton của giải Ngoại hạng Anh.
Các đấu trường thể thao có vẻ là một lựa chọn phù hợp khi thu hút những người hâm mộ mới sử dụng một loại tài sản mới mà phần lớn chưa được kiểm soát. Một số nhà phê bình coi tiền điện tử là cờ bạc trong khi những người ủng hộ nói là tương lai của internet và nền kinh tế.
Giữa một thị trường đang phát triển nhanh chóng và có phần "hỗn loạn" như hiện nay, cuộc chiến "tranh sân" thể thao không đơn thuần chỉ để gia tăng độ nhận biết mà còn là "cướp" miếng bánh thị phần.
Keith Soljacich, Phó giám đốc trải nghiệm công nghệ của Digitas, một công ty quảng cáo kỹ thuật số cho biết: "Đối với tôi, nó giống như một cuộc chạy đua vũ trang để giành được người dùng. Nếu bạn có một ví tiền điện tử trên một nền tảng, nó cũng giống như giữ một thẻ Visa vậy".
Có rất nhiều động lực để các tổ chức thể thao hợp tác với các công ty tiền điện tử. Mike Proulx – một nhà phân tích và chuyên gia tiếp thị của Forester cho biết, nhiều giải đấu thể thao muốn và cần thu hút thế hệ người hâm mộ tiếp theo.
Ông nói: "Những thỏa thuận thế này thường hướng đến nhóm người dùng trẻ đang quan tâm đến NFT và tiền điện tử. Trong khi đó, lợi ích đối với các công ty tiền điện tử là tận dụng các giải đấu để hợp pháp hóa nền tảng của họ, tăng tính tin cậy của thương hiệu và thu hút người dùng".
Hiệu quả của những thương vụ hợp tác này như thế nào? Một nghiên cứu do Crypto.com tiến hành vào tháng 7 cho thấy tổng số người dùng tiền điện tử toàn cầu đã tăng từ 106 triệu lên 221 triệu so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, chỉ một phần nhỏ trong số đó hiện là khách hàng của công ty. Điều này cho thấy đã có thêm nhiều người dùng phổ thông sử dụng tiền điện tử.
Tuy nhiên, công nghệ blockchain không phải là thứ có thể dễ dàng giải thích với người bình thường. Nó liên quan đến mật mã, mạng, các khái niệm khác và cũng chưa đến mức người dùng có thể dễ dàng điều hướng.
Theo R.A. Farrokhnia – giáo sư tại Trường Kinh doanh Columbia kiêm giáo sư và Giám đốc điều hành của Sáng kiến Fintech Columbia, vẫn còn nhiều câu hỏi về việc liệu nền tảng và giao diện có đủ tiên tiến để thúc đẩy việc quảng bá rộng rãi tới công chúng. "Tốc độ đổi mới đang gia tăng nhanh chóng, nhưng liệu chúng ta có đang làm đúng quy trình?", Farrokhnia nóii.
Ông cũng chỉ ra một điều trớ trêu là bất chấp tất cả những cải tiến mới của tiền điện tử, các công ty vẫn đang sử dụng các mô hình marketing cổ điển. Quan trọng hơn, rủi ro khi quảng bá tiền điện tử vẫn là điều chưa được xác định, vì nó không giống như quảng bá một sản phẩm thông thường.
"Các đội tuyển, vận động viên hay người có sức ảnh hưởng sẽ phải chịu rủi ro danh tiếng nào? Có thể họ có những luật sư giỏi để bảo vệ họ, nhưng chúng ta không thể biết được chuyện gì sẽ xảy ra", vị giáo sư phân tích.
Han SoVy
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
Tin nổi bật Tiền số Crypto