Ngày 20/4, Chủ tịch Real Madrid kiêm chủ tịch Super League - Florentino Perez đăng đàn chỉ trích UEFA. Ông tuyên bố bóng đá sẽ “chết” trong vòng 3 đến 4 năm nữa nếu Super League không ra đời. “Ông trùm” ở sân Bernabeu có kế hoạch lên sóng một lần nữa vào sáng ngày 21/4, nhưng việc này đã phải lùi lại vì sự rút lui đồng loạt của 6 CLB Anh.
Chỉ sau 48 giờ, siêu giải đấu - như tên gọi của nó được cho là có khả năng cứu vãn cuộc khủng hoảng tài chính mà nền bóng đá châu Âu đang hứng chịu vì đại dịch - đứng trước nguy cơ sụp đổ. Thực tế, nó coi như đã sụp đổ. Sau tuyên bố ra đi của M.U, Man City, Liverpool, Chelsea, Tottenham và Arsenal, Super League buộc phải thông báo tạm dừng giải đấu này vô thời hạn và cần xem xét định hình lại dự án.
Đến chiều 21/4, thêm hai CLB khác là Inter Milan và Atletico Madrid rời bỏ Super League. Từ 12 CLB sáng lập, Super League chỉ còn lại 4 cái tên Real Madrid, Barcelona, Juventus và Milan. Trong số này, Milan gần như sẽ nối gót người hàng xóm Inter. Barcelona không cần vội vàng bởi lẽ họ vẫn còn quân bài phán quyết từ người hâm mộ. Barca vốn hoạt động dựa trên mô hình sở hữu bởi người hâm mộ, với hơn 144.000 người có cổ phần và có quyền bỏ phiếu quyết định hướng đi của CLB. Họ đương nhiên sẽ từ chối dự Super League, nhưng đang đợi một lý do chính đáng để tránh việc kiện tụng thay vì đóng vai “kẻ phản bội” như các CLB khác.
Tại sao Super League sụp đổ?
Việc Super League sụp đổ đã được nhiều người đoán trước, nhất là khi không có sự tham gia của PSG của Pháp và 2 gã khổng lồ nước Đức từ đầu, nhưng ít ai ngờ mọi chuyện lại chóng vánh đến vậy. Áp lực bủa vây từ tứ phía - đặc biệt với các CLB Anh được xem là lý do chính khiến cuộc ly khai của các CLB ưu tú nhất châu Âu bất thành. Hàng nghìn người hâm mộ đã đổ đến sân vận động của Liverpool, Chelsea để biểu tình phản đối - bất chấp tình hình dịch bệnh ở Anh. Khi Chelsea tiếp đón Brighton ở vòng 32 Ngoại hạng Anh, đám đông thậm chí đã chặn xe buýt của The Blues, buộc huyền thoại Petr Cech phải xuống xe cầu xin.
Việc Super League sụp đổ đã được nhiều người đoán trước, nhất là khi không có sự tham gia của PSG của Pháp và 2 gã khổng lồ nước Đức từ đầu, nhưng ít ai ngờ mọi chuyện lại chóng vánh đến vậy. Áp lực bủa vây từ tứ phía - đặc biệt với các CLB Anh được xem là lý do chính khiến cuộc ly khai của các CLB ưu tú nhất châu Âu bất thành.
Không chỉ người hâm mộ, ngay cả các HLV và cầu thủ của các CLB Anh cũng bất mãn với Super League. Jurgen Klopp, Pep Guardiola công khai chỉ trích giải đấu. Trong khi ở M.U, đội trưởng Harry Maguire cùng một loạt ngôi sao khác như Luke Shaw, Marcus Rashford và Bruno Fernandes chia sẻ thông điệp phản đối giải đấu mới. Ngoài ra, Jordan Henderson của Liverpool cũng chuẩn bị triệu tập cuộc họp các đội trưởng của Ngoại hạng Anh để tìm phương án đấu tranh - giống như họ từng làm khi dịch COVID-19 bùng phát. Cuối cùng, Chính phủ Anh - đứng đầu là Boris Johnson cũng có các hành động mạnh, đe dọa trừng phạt 6 CLB nếu họ ly khai khỏi UEFA.
Như chính Super League thừa nhận, các CLB Anh không có lựa chọn nào khác vì áp lực đổ dồn về phía họ.
Ngoài ra, các tỷ phú sáng lập Super League đã mắc sai lầm khi đánh giá sai phản ứng của giới mộ điệu, chọn sai thời điểm để công bố và không đưa ra một kế hoạch thực sự thuyết phục. UEFA lẽ ra phải chịu trận thay Super League khi chính thức thay đổi thể thức Champions League (tăng thêm 4 đội và 100 trận), nhưng họ lại được đóng vai “nạn nhân” và được hưởng sự ủng hộ vô điều kiện từ số đông.
Vĩ thanh
Các CLB sáng lập Super League vẫn được chào đón ở Champions League và Europa League, cho dù họ có thể phải chịu một vài án phạt tùy mức độ. Dù sao, UEFA cũng cần họ, đặc biệt trong hoàn cảnh khó khăn tài chính hiện tại. Ngược lại, Super League dù “chết yểu” nhưng ít nhiều cũng đánh động UEFA, buộc họ phải xem xét lại cách đối xử với các CLB lớn - những người mang lại nguồn thu chính cho họ.
A Phi - Theo Tiền Phong
Tin nổi bật Điểm tin