Đăng quảng cáo miễn phí: MuaBanNhanh, Nhà Đất, Xe
Tìm việc và tuyển dụng: Việc Làm Vui
Theo UBND TP HCM, qua khảo sát các CSYTTN, chi phí lương nhân viên, mua sắm thuốc, vật tư y tế cũng như định mức sử dụng, chi phí cho điều trị bệnh nhân Covid-19 không qua đấu thầu nên cao hơn so với các cơ sở y tế công lập (CSYTCL). Từ thực tế trên, việc ngân sách nhà nước chi trả theo chi phí thực tế phát sinh cho bệnh nhân Covid-19 điều trị tại các CSYTTN gặp khó khăn, nếu chi trả theo mức chi phí phát sinh như tại CSYTCL thì CSYTTN không thể duy trì.
Theo CSYTTN, hiện có rất nhiều bệnh nhân có điều kiện chi trả phí điều trị Covid-19 để được điều trị theo yêu cầu nhằm chia sẻ một phần cho ngân sách nhà nước. Đồng thời đề nghị cho phép được thu giá dịch vụ khám và điều trị bệnh nhân Covid-19. Trên cơ sở này và đề nghị của Sở Y tế, UBND TP HCM kiến nghị Bộ Y tế, Bộ Tài chính xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền chấp thuận cho CSYTTN được thực hiện dịch vụ điều trị bệnh nhân Covid-19 theo yêu cầu và được thu giá dịch vụ tương ứng.
Trong trường hợp ngân sách nhà nước bảo đảm một phần hoặc toàn bộ chi phí điều trị cho bệnh nhân Covid-19, đề nghị Bộ Y tế, Bộ Tài chính hướng dẫn mức chi trả cho các bệnh viện (BV) tư nhân khi điều trị bệnh nhân Covid-19. Nhằm giải quyết khó khăn cho CSYTTN, giảm áp lực cho hệ thống CSYTCL, trong thời gian chờ ý kiến của Bộ Y tế, Bộ Tài chính, TP HCM sẽ thực hiện việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân Covid-19 tại các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 do ngân sách nhà nước bảo đảm; chi phí điều trị các bệnh khác trong quá trình điều trị Covid-19 thực hiện theo quy định của pháp luật về BHYT, khám bệnh, chữa bệnh.
Đối với phần ngân sách nhà nước bảo đảm, trước mắt, thanh toán cho CSYTTN chi phí điều trị bệnh nhân Covid-19 theo mức giá dịch vụ khám chữa bệnh được Bộ Y tế quy định tại Thông tư 13/2019, Thông tư 14/2019. Đối với các nội dung chưa được kết cấu trong giá dịch vụ khám chữa bệnh nêu trên thì thanh toán theo chi phí phát sinh nhưng phải bảo đảm định mức chi và mức giá thanh toán tương đương mức thực hiện của CSYTCL. Phần chênh lệch giữa chi phí ngân sách nhà nước thanh toán và chi phí phát sinh trong điều trị bệnh nhân Covid-19 tại CSYTTN, CSYTTN cân đối thực hiện (bao gồm cả việc cho phép các CSYTTN thỏa thuận với bệnh nhân để bù đắp chi phí). Trong trường hợp bệnh nhân cam kết tự nguyện chi trả toàn bộ chi phí điều trị, CSYTTN thực hiện theo cam kết tự nguyện của bệnh nhân để trang trải chi phí.
Theo TS-BS Trương Vĩnh Long, Giám đốc BV Gia An 115 TP HCM, BV hoàn toàn ủng hộ đề xuất của TP HCM. Với mong muốn chung tay cùng TP phòng chống dịch Covid-19, BV Gia An 115 đã chuyển đổi công năng thành BV điều trị Covid-19 lên đến 250 giường (trong đó có 34 giường hồi sức cấp cứu). Tính đến hiện tại, TP HCM có 63 BV tư nhân đóng trên địa bàn với tổng quy mô 5.494 giường bệnh. Số BV đã thực hiện việc chuyển đổi công năng sang điều trị Covid-19 là 10 BV với tổng số giường điều trị Covid-19 là 966 giường, tương ứng với tỉ lệ chuyển đổi giường điều trị Covid-19 là 17,6%.
Cho phép cơ sở y tế tư nhân thu phí phù hợp quy định
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một đại diện Bộ Y tế cho biết hiện liên bộ Y tế - Tài chính chưa có văn bản hướng dẫn về việc cơ sở y tế tư nhân được thu phí điều trị bệnh nhân Covid-19. Hiện người dân mắc Covid-19 đang được miễn chi phí khám chữa bệnh. Nói thêm về vấn đề này, một chuyên gia cho biết việc cho phép thu phí ở các cơ sở y tế tư nhân là phù hợp. Nguồn kinh phí này nên được lấy từ ngân sách nhà nước để huy động nguồn lực từ các cơ sở y tế tư nhân tham gia công tác phòng chống dịch, đặc biệt là tham gia công tác điều trị bệnh nhân Covid-19.
Theo Người lao động - Phan Anh - Nguyễn Thạnh
Tin nổi bật Điểm tin