Đăng quảng cáo miễn phí: MuaBanNhanh, Nhà Đất, Xe
Tìm việc và tuyển dụng: Việc Làm Vui
Trận mưa lớn lịch sử ở tỉnh Hà Nam thuộc miền trung Trung Quốc đang đẩy một số khu vực rơi vào cảnh khốn khó trong vài ngày gần đây. Lượng mưa lớn ở thành phố Trịnh Châu hôm 20/7 gây ra tình trạng ngập úng nghiêm trọng ở khắp các đô thị. Mặc dù chính quyền địa phương đã sớm triển khai các biện pháp ứng cứu khẩn cấp, thảm họa này vẫn ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất và giao thông của tỉnh Hà Nam, đồng thời các hồ chứa và sông ngòi cũng phải đối mặt với nguy cơ lũ lụt.
Sản lượng ngũ cốc của tỉnh Hà Nam trong năm 2020 đạt 68,26 triệu tấn, đứng thứ hai Trung Quốc và chiếm hơn 1/10 tổng sản lượng ngũ cốc cả nước. Là một trong những tỉnh sản xuất nông nghiệp lớn nhất, sản lượng lương thực của Hà Nam trong những thời kỳ xảy ra thiên tai luôn là mối quan tâm lớn của cả thị trường trong và ngoài nước. Nhiều người đặt ra câu hỏi rằng liệu trận mưa lịch sử vừa quan có ảnh hưởng đáng kể đến sản lượng và giá lương thực của Trung Quốc trong năm nay không.
Mưa lớn trong mùa lũ hàng năm đều gây ra những ảnh hưởng nhất định đến sản lượng nông nghiệp của Trung Quốc, nhưng mọi thứ nhìn chung ở mức hạn chế. Theo quan sát từ những gì từng xảy ra trong quá khứ, tác động của các đợt lũ lụt lên nông sản và các loại cây trồng khác là tương đối nhỏ nên sản lượng nông nghiệp cả năm sẽ không bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Khoảng 1,2 triệu người bị ảnh hưởng bởi đợt mưa lũ kỷ lục tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.
Mưa lớn ở tỉnh Hà Nam trong những ngày gần đây sẽ chỉ gây ra tác động ngắn hạn đến hoạt động sản xuất và logistics đối với rau quả và các nông sản khác. Là nông sản chính ở miền trung Trung Quốc, ngô được thu hoạch mỗi năm một lần và sẽ bị ảnh hưởng nếu gặp mưa lớn trong quá trình thụ phấn, nếu không, tác động sẽ rất nhỏ. Vào thời điểm hiện tại, ngô tại khu vực miền trung vẫn chưa đến kỳ thụ phấn nên sự phát triển của cây ngô trong cả năm nay sẽ ít bị ảnh hưởng.
Xét trên phạm vi toàn quốc, dự báo không có thiên tai nào trong năm nay có thể ảnh hưởng đáng kể đến sản lượng của các nông sản chính như ngô, lúa mì và gạo. Bên cạnh đó, sản lượng lúa mì được thu hoạch trong mùa hè này lại cao hơn năm ngoái nhờ diện tích trồng và năng suất tăng.
Sản lượng lúa mì vụ hè, chiếm phần lớn sản lượng của cả nước, tăng 2% so với năm 2020 lên 134 triệu tấn, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho hay. Vì vậy, nguồn cung lúa mì của Trung Quốc trong năm nay vẫn được đảm bảo.
Giá lương thực của Trung Quốc đang trở lại mức bình thường và cũng sẽ không bị ảnh hưởng bởi trận mưa 1.000 năm có một này ở tỉnh Hà Nam. Trong quý II, chỉ số giá sản xuất đối với nông sản ở Trung Quốc đạt 100,1 điểm, giảm từ mức 107,8 điểm của quý I. Giá lương thực được dự báo sẽ tiếp tục giảm do cân bằng cung - cầu sẽ không thay đổi.
Đà giảm của giá lương thực tại Trung Quốc được cho là sẽ kéo giá lương thực trên thế giới, vốn đang ở mức cao, xuống theo. Giá lương thực toàn cầu đang bị đẩy lên cao, liên tục tăng trong 12 tháng tính đến tháng 6, do tác động của đại dịch Covid-19. Chỉ số giá lương thực do Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc đưa ra trung bình đạt 124,6 điểm trong tháng 6, giảm từ mức 127,8 điểm của tháng 5 nhưng vẫn tăng 33,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Việc giá lương thực tại Trung Quốc giảm và Trung Quốc giảm nhập hàng sẽ giúp giảm thiểu những bất ổn mà nguồn cung lương thực thế giới đang phải đối mặt do giá cao.
Trên thực tế, thiên tai tại Trung Quốc thường ảnh hưởng nhiều tới thị trường hàng hóa trong nước nói riêng và thế giới nói chung. Giống như trận lũ lịch sử vào tháng 7/2016 ở vùng trung và hạ lưu sông Dương Tử được giới chuyên gia khi đó dự báo có thể làm tăng giá hàng hóa trên toàn cầu do thời tiết khắc nghiệt khiến hoạt động sản xuất bị đình trệ và chi phí vận tải tăng mạnh.
Công ty sản xuất dây cable Wuxi Jiangnan Cable có trụ sở tại tỉnh Giang Tô, phải giảm sản lượng xuống còn 1/10 công suất bình thường kể từ khi mưa lớn đổ bộ xuống khu vực miền đông Trung Quốc. Công ty này khi đó đã thông báo rằng trận lũ năm 2016 gây ra nhiều thiệt hại cho công ty hơn những năm trước và chưa rõ khi nào có thể khôi phục toàn bộ hoạt động sản xuất.
Mùa hè là mùa mưa hàng năm ở các vùng dọc theo trung và hạ lưu sông Dương Tử. Trong năm 2016, các khu vực này hứng lượng mưa lớn kỷ lục, gấp 20 lần so với bình thường, theo một báo cáo được China Merchants Securities gửi cho Global Times.
Wuxi Jiangnan tất nhiên không phải là công ty duy nhất bị ảnh hưởng trong trận lũ năm 2016.
Shanghai Metals Market khi đó đưa tin 5 nhà sản xuất kim loại màu ở Giang Tô cũng phải ngừng sản xuất kể từ khi mưa lớn xảy ra. Mặc dù 5 công ty này chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng sản lượng của cả nước, song các công ty khác được cho là đều sẽ có những động thái tương tự nếu lũ lụt trở nên nghiêm trọng, Zhang Meng, chuyên gia phân tích tại công ty tư vấn thị trường SCI99.com, cho hay.
Ngoài Giang Tô, các tỉnh ở miền trung Trung Quốc như Hồ Bắc và An Huy khi đó cũng đã ban hành một loạt cảnh báo đỏ về lượng mưa lớn.
“Giá các loại hàng hóa trọng lượng lớn như kim loại màu và thép sẽ tăng trong ngắn hạn vì lũ lụt tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất”, Wu Chenhui, chuyên gia phân tích kim loại tại chinaiol.com nói với Global Times.
Áp lực tăng giá càng lớn do chi phí vận tải tăng vì nước lũ làm gián đoạn các huyết mạch giao thông, buộc hơn 100 chuyến tàu phải chuyển hướng hoặc dừng lại. Theo báo cáo bởi công ty chứng khoán CITIC Securities khi đó, giá nickel và đồng được dự báo tăng 10% và 7% trong 3 tháng tiếp theo.
Thanh Long - Theo NDH
Tin nổi bật Điểm tin