Đăng quảng cáo miễn phí: MuaBanNhanh, Nhà Đất, Xe
Tìm việc và tuyển dụng: Việc Làm Vui
Sau 16 tập phát sóng, Shark Tank Việt Nam mùa 4 đã đi đến hồi kết, với màn gọi vốn khá trọn vẹn của kiện tướng thể hình Phan Bảo Long. Tổng kết, mùa 4 đón chào 54 startup thuộc 20 lĩnh vực khác nhau, bao gồm: công nghệ, ẩm thực, thời trang, nhựa sinh học, y tế, chăm sóc sức khỏe, công nghệ y tế, thủ công mỹ nghệ, đồ gia dụng, giáo dục, khai vấn, nội thất, du lịch, giao thông, hàng hải, âm nhạc, kho vận, xuất khẩu lao động, đồ chơi, tranh nghệ thuật.
Trong đó 35 thương vụ nhận được cam kết đầu tư từ các Shark với tổng số tiền cam kết là 204.678.000.000 đồng, đạt tỷ lệ 64,81%.
Chia sẻ tại tập cuối của mùa 4, Shark Phú nhận định năm nay có sự xuất hiện của nhiều startup có founder/CEO là nữ, vừa có tài vừa có sắc. Vì thế mà ông chủ Sunhouse cũng đã mạnh dạn đầu tư cho khá nhiều công ty.
Tuy nhiên, căn bệnh cố hữu của startup vẫn chưa được cải thiện nhiều, đặc biệt là trong quản trị tài chính. "Họ cần thuộc lòng các chỉ số, cân đối được doanh thu – dòng tiền – lợi nhuận. Thậm chí phải trực tiếp kí thu chi, đọc sổ sách hàng ngày. Lúc đó thì mình ra quyết định mới nhanh được. Cứ lơ mơ, tiền có 5 đồng rồi lại tiêu hết 10 đồng thì "chết" trước khi thành công", Shark Phú nhấn mạnh.
Ông cho rằng các founder, CEO vẫn tính toán nhầm lẫn các chỉ số, đặc biệt tính ra lợi nhuận rất cao, lên tới 20-50%. Tuy nhiên, đa phần các mô hình nếu kinh doanh thật, thì tỷ lệ lợi suất ròng 10% đã là tốt rồi. Thậm chí, các CEO thường tự hào, thể hiện sự cống hiến của mình bằng việc không nhận lương nhưng điều này không phản ánh đúng bức tranh tài chính của doanh nghiệp, làm các nhà đầu tư đánh giá sai và gây ra tranh cãi trong vòng DD. Do đó, Shark Phú nhấn mạnh các CEO cần tính toán chính xác, trung thực tỷ suất sinh lời, để đảm bảo không ngộ nhận giá trị công ty.
Vị "cá mập" đến từ Sunhouse cũng đúc kết 3 yếu tố chính để trở thành một doanh nghiệp thành công. Thứ nhất, mô hình kinh doanh mới và đúng đắn. Thứ hai là sản phẩm có năng lực cạnh tranh hơn so với những sản phẩm hiện có hoặc có khả năng thay thế cho sản phẩm khác, mang lại lợi ích lớn hơn cho người dùng. Thứ 3, tố chất lãnh đạo. Nếu hội tụ cả 3 yếu tố thì khả năng thành công gần như là 100%.
Tuy nhiên, một startup khó có cả 3. Do đó, với những startup đã kinh doanh và có sản phẩm, Shark Phú cho biết sẽ tập trung "soi" vào mô hình kinh doanh và sản phẩm. Còn những startup quá non trẻ, mới chỉ dừng lại ở ý tưởng thì yếu tố còn lại duy nhất nằm ở nhà sáng lập. Đây cũng là yếu tố quan trọng nhất trong tất cả.
"Mô hình kinh doanh có thể thay đổi, sản phẩm có thể thay đổi nhưng con người – đôi khi cả 2 yếu tố trên đã tốt, vẫn chưa chắc thành công. Yếu tố con người chính là bản lĩnh của người lãnh đạo. Họ phải toát lên khả năng dám ra quyết định, tư duy sắc sảo, như các cụ nói rằng "nhìn mặt mà bắt hình dong". Tôi đã nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần, có tinh có tướng. Nếu ai tinh mắt nhìn vào tướng mạo thì biết con người này có vượng khí hay không. Thứ hai là đôi mắt, con người ấy có quyết liệt hay không có thể nhìn qua ánh mắt. Trong tương lai thị trường luôn thay đổi và cần những con người kiên trì, quyết đoán. Đặc biệt với CEO nữ thì những tố chất ấy càng quan trọng, có thể làm thay đổi tất cả".
Shark Phú cũng đã chốt thành công 8 deal và cam kết đầu tư 34.331.150.000 đồng cho 8 startup bao gồm: BioPlas, WiiBike, Lock Cuff, Self Hiil, AnHome, Nobita Pro, dầu lạc Tâm Trường Sinh, LMS. Deal đầu tư lớn nhất của ông là với Nhựa sinh học Bio Plas – 15 tỷ đồng. Dù vướng không ít tranh cãi trong quá trình ngồi ghế nóng nhưng không thể phủ nhận Shark Phú luôn có khẩu vị đầu tư rõ ràng, chắc chắn và mang lại nhiều bài học cho startup.
Ngọc Diệp - Kinh Doanh & Tiếp Thị
Tin nổi bật Doanh nhân