Đây là kiến nghị được đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai thực hiện kế hoạch năm 2023 ngày 21/12.
Báo cáo về tình hình hoạt động của tập đoàn, Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh cho biết, năm 2022 tình hình thế giới có nhiều biến động, ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu, kéo theo chi phí nhiên liệu tăng cao, làm tăng chi phí sản xuất điện. Dù khó khăn nhưng EVN vẫn đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo vận hành hệ thống điện, hiện đạt quy mô đứng đầu khu vực ASEAN về công suất nguồn điện.
Theo ông Tài Anh, năm 2022, việc cấp than sản xuất trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu của EVN và các đơn vị, trong khi giá than thế giới tăng cao gấp 4,2 lần so với năm 2020 và 2,2 lần so với năm 2021, khiến chi phí đầu vào của tập đoàn tăng bất thường. Cùng với đó, tỉ giá hối đoái tăng rất mạnh khiến lỗ do chênh lệch tỉ giá cũng lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
“EVN đã tập trung tiết giảm chi phí, thực hiện các giải pháp về quản trị. Trong đó, tiết kiệm 10% các chi phí thường xuyên, cắt giảm từ 20-30% chi phí sửa chữa lớn, thực hiện chi lương chỉ bằng 80% mức lương bình quân năm 2020 nên tập đoàn đã tiết giảm được 9.700 tỷ đồng…”, ông Tài Anh nói.
EVN lo sẽ không đảm bảo việc cấp điện cho nền kinh tế trong các năm tới khi hoạt động đầu tư bị cắt giảm, vì bị lỗ nặng Ảnh: Nguyễn Bằng
Theo lãnh đạo EVN, do giá nhiên liệu tăng cao đột biến nên kết quả kinh doanh năm 2022 của EVN dự kiến sẽ lỗ khoảng 31.360 tỷ đồng. Trong năm nay, EVN đã dành gần 90.000 tỷ đồng để đầu tư. Kết quả, EVN giảm tổn thất điện năng còn 6,24%, độ tin cậy cung cấp điện được cải thiện, sự cố lưới điện giảm 22,4%. Doanh thu toàn tập đoàn là 460.700 tỷ đồng, tăng 4,31% nhưng với khoản lỗ do giá nhiên liệu sản xuất điện, tỉ giá tăng cao, tập đoàn đã báo cáo Chính phủ và các bộ, ngành, đơn vị liên quan cho điều chỉnh giá điện trong năm 2022 để giảm khó khăn, cân đối tài chính”, đại diện EVN cho biết.
Kiến nghị tăng giá điện
Để hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch năm 2023, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (gọi tắt: Ủy ban) và các bộ, ngành sớm xem xét, phê duyệt Quy hoạch điện VIII, sớm phê duyệt sửa đổi Quyết định 28 quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, đồng thời xem xét sửa đổi các nghị định liên quan để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhà nước như EVN huy động các nguồn vốn.
“Kiến nghị Ủy ban xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp của EVN giai đoạn 2021-2025 và chấp thuận cho EVN được ký hợp đồng thế chấp tài sản để vay vốn cho Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I. Kiến nghị Bộ Công Thương chấp thuận và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân theo quy định tại Quyết định 24 để giảm bớt khó khăn và đảm bảo cân bằng tài chính năm 2023 và các năm tiếp theo do giá nhiên liệu tăng cao”, lãnh đạo EVN kiến nghị.
Lãnh đạo EVN cũng kiến nghị Uỷ ban chỉ đạo Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Đông Bắc tăng cường khai thác than trong nước và có giải pháp để giảm giá than bán cho sản xuất điện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ đạo PVN đẩy nhanh tiến độ các Chuỗi dự án khí Lô B, Cá Voi Xanh.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, Ủy ban đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc EVN rà soát, cập nhật lại số liệu kế hoạch, chủ động báo cáo Thủ tướng Chính phủ về khó khăn, tình hình tài chính của EVN và đề xuất các giải pháp hỗ trợ EVN trong đó có giải pháp cốt lõi, lâu dài là tăng giá điện để đảm bảo cân bằng tài chính năm 2022 và các năm tiếp theo cho EVN.
Theo Phạm Tuyên - Tiền Phong
Tin nổi bật Kinh doanh