Phiên giao dịch ngày 3/3 chứng kiến sự hồi phục mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu ngân hàng sau khi đồng loạt lao dốc trong ngày hôm qua. Kết phiên ghi nhận 26/27 mã ngân hàng niêm yết và giao dịch trên thị trường UPCoM tăng giá; mã duy nhất đứng giá tham chiếu là KLB.
Trong đó, LPB là cổ phiếu ngân hàng có diễn biến giá tốt nhất ngày hôm nay khi bật tăng gần 3,5% lên 22.250 đồng/cp. Trước đó, cổ phiếu này đã giảm sâu trong 3 phiên liên tiếp, xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 1.
Chỉ đứng sau LPB về mức tăng giá, cổ phiếu HDB của HDBank ''xanh'' 3,3% lên 28.250 đồng/cp. Trước đó, mã này đã giảm hơn 4% trong ngày hôm qua khi nhóm ngân hàng chịu áp lực chốt lời từ các nhà đầu tư.
Liên quan đến cổ phiếu này, ông Phạm Quốc Thanh – Tổng Giám đốc HDBank – mới đây đã đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu HDB, dự kiến giao dịch từ 01/3/2022.
Trước đó, chia sẻ tại hội nghị nhà đầu tư, lãnh đạo HDBank cho biết năm 2022 ngân hàng tiếp tục đưa ra những mục tiêu thách thức, hướng tới vị trí ngân hàng bán lẻ trong top dẫn đầu. Doanh thu, lợi nhuận dự kiến tăng trưởng 22-25%, hệ số ROE duy trì trên 22%. Tới năm 2025, HDBank đặt kế hoạch vào top các ngân hàng dẫn đầu về lợi nhuận và hiệu quả hoạt động.
MBB của Ngân hàng Quân đội cũng ghi nhận diễn biến đáng chú ý khi hồi phục mạnh mẽ về cuối phiên chiều từ mức giảm sâu gần hơn 2,8% trong buổi sáng. Đóng cửa, MBB tăng 1,85% đi cùng với khối lượng giao dịch bùng nổ gần 30,5 triệu đơn vị.
Diễn biến tương tự cũng xuất hiện tại VIB giúp cổ phiếu này tăng nhẹ 0,44% từ mức giảm hơn 3% ghi nhận vào đầu giờ chiều. Trong dòng chảy thông tin về mã này, ông Trần Nhất Minh – Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc khối dịch vụ công nghệ VIB vừa đăng ký mua 800.000 cổ phiếu VIB nhằm tăng tỷ lệ sở hữu. Giao dịch sẽ được thực hiện trong thời gian 8/3 - 7/4, theo phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh.
Nhiều mã ngân hàng khác cũng bật tăng trên dưới 2% nhờ lực cầu bắt đáy vào cuối phiên chiều như VPB, STB, MSB,…
Một trong những yếu tố hỗ trợ đà tăng giá của nhiều cổ phiếu ngân hàng phiên hôm nay đến từ giao dịch của khối ngoại.
Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng hơn 2 triệu cổ phiếu STB với giá trị hơn 63,3 tỷ đồng, đưa cổ phiếu này trở thành một trong bốn mã được mua ròng nhiều nhất sàn. Khối ngoại cũng mua ròng gần 2,1 triệu cổ phiếu LPB, giá trị xấp xỉ 46,7 tỷ đồng.
Đăc biệt, sau nhiều phiên bán ròng, nhà đầu nước ngoài đã quay trở lại "gom" 700.000 cổ phiếu HDB, giá trị hơn 19,4 tỷ.
Tương tự, khối ngoại cũng tiến hành mua ròng hơn 16.000 cổ phiếu VIB qua đó thu hẹp ''room ngoại'' còn trống xuống chỉ còn hơn 100.000 đơn vị.
VIB đã chốt ''room ngoại'' ở mức 20,5% trước khi lên thị trường UPCoM vào năm 2017 và liên tục duy trì giới hạn này suốt từ đó đến nay. Việc khóa ''room'' ngoại thấp hơn nhiều so với mức tối đa theo quy định (30%) khiến cơ hội để nhà đầu tư nước ngoài có thể mua cổ phần của VIB là khá thấp.
Đặc biệt, cổ phiếu VIB càng trở thành ''hàng hiếm'' khi cổ đông chiến lược CommonwealthBank of Australia đã nắm giữ 20% vốn, số cổ phiếu còn lại mà các nhà đầu tư nước ngoài khác được phép sở hữu là chưa đầy 7,8 triệu đơn vị.
Theo Mạnh Đức - Theo Nhịp sống kinh tế
Tin nổi bật Kinh doanh