Đăng quảng cáo miễn phí: MuaBanNhanh, Nhà Đất, Xe
Tìm việc và tuyển dụng: Việc Làm Vui
Theo tờ Nikkei Asian Review, tỷ trọng của đồng USD trong kho dự trữ ngoại hối toàn cầu đã giảm năm thứ 5 liên tiếp xuống 59% năm 2020, mức thấp nhất trong 25 năm qua. Nguyên nhân chính là nhiều nền kinh tế mới nổi như Nga, Trung Quốc chuyển đổi sang những đồng tiền dự trữ khác vì lo ngại đồng USD mất giá sau những gói kích thích kinh tế khổng lồ.
Thông thường, đồng USD hay trái phiếu chính phủ Mỹ là những tài sản được nhiều nước ưa chuộng tích trữ trong kho dự trữ ngoại hối của mình vì tính ổn định và thanh khoản cao. Thế nhưng số liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy đồng USD đang mất dần vị thế của mình khi đại dịch khiến nền kinh tế số 1 thế giới thâm hụt ngân sách trầm trọng.
Hệ quả là nhiều chuyên gia lo ngại về giá trị của đồng tiền này trong dài hạn, qua đó chuyển dần tài sản dự trữ sang những kênh khác như vàng.
Theo số liệu của IMF, tổng giá trị kho dự trữ ngoại hối toàn cầu, bao gồm 149 vùng lãnh thổ theo thống kê của tổ chức này đã đạt 12,7 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2020. Trong đó, tổng tài sản bằng đồng USD vào khoảng 7 nghìn tỷ USD.
Nếu tính theo tỷ lệ phân bổ dự trữ ngoại hối, tổng tài sản bằng đồng USD đã giảm 1,7 điểm phần trăm xuống còn 59%. Lần cuối cùng tổng tài sàn bằng đồng USD trong kho dự trữ ngoại hối toàn cầu xuống dưới 60% là vào năm 1995.
Trên thực tế tài sản bằng đồng USD chiếm tới hơn 70% tổng dự trữ ngoại hối toàn cầu từ năm 2001 nhưng liên tục giảm kể từ đó đến nay. Việc đồng tiền này mất giá năm 2020 đã góp phần khiến vị thế của USD đi xuống trong mắt nhiều nước.
Chuyên gia kinh tế Serkan Arslanalp và Chima Simpson Bell của IMF nhận định dù giá đồng USD trên thị trường giao dịch không thay đổi nhiều nhưng việc tỷ trọng của chúng trong kho dự trữ ngoại hối các nước đi xuống cho thấy các ngân hàng trung ương đang dần quay lưng lại với đồng tiền này.
Số liệu của Bộ ngân khố Mỹ, Trung Quốc nắm giữ khoảng 1,07 nghìn tỷ USD tài sản bằng đồng USD tính đến cuối năm 2020, giảm gần 20% so với mức đỉnh cách đây 7 năm.
Tương tự, kho dự trữ ngoại hối của Nga cũng giảm tích trữ tài sản bằng đồng USD. Tính đến tháng 9/2020, tổng giá trị kho dự trữ ngoại hối của Nga đạt 578,7 tỷ USD và tài sản bằng đồng USD chỉ chiếm khoảng 20%, giảm mạnh so với mức 50% vào năm 2017.
Một số quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil hiện cũng đang giảm lượng trái phiếu chính phủ Mỹ trong kho dự trữ ngoại hối vài năm trở lại đây.
Vàng, Yên và Nhân dân tệ
Thay vì đồng USD, nhiều nước đang quay sang những đồng tiền khác. Báo cáo của IMF cho thấy tài sản bằng đồng Euro đã tăng tới 21% trong kho dự trữ ngoại hối toàn cầu tính đến cuối năm 2020, phục hồi lại mức của 6 năm về trước sau thời gian suy giảm.
Ngoài ra, tỷ lệ dự trữ ngoại hồi tài sản bằng đồng Yên cũng tăng đến trên 6% lần đầu tiền trong 20 năm qua. Trung Quốc đã mua ròng 2,2 nghìn tỷ Yên, tương đương 20,2 tỷ USD trái phiếu chính phủ Nhật Bản, qua đó cho thấy sự dịch chuyển trong chiến lược dự trữ ngoại hối của mình.
Đồng Nhân dân tệ cũng có sự bành trường khi chiếm tới 2% tỷ trọng trong kho dự trữ ngoại hối toàn cầu. Thế nhưng người được lợi nhất khi đồng USD mất vị thế lại là vàng. Số liệu của Hội đồng vàng thế giới (WGC) cho thấy các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã mua ròng vàng trong 10 năm qua.
Kim loại quý này đã vượt qua đồng USD để trở thành tài sản được dự trữ nhiều nhất của Nga trong năm ngoái. Ngân hàng trung ương của Hungrary thì tăng gấp 3 lần dự trữ ngoại hối bằng vàng lên 94,5 tỷ tấn vào tháng 3/2021. Nguyên nhân chính được đưa ra là rủi ro thâm hụt ngân sách lớn do cứu trợ kinh tế tại Mỹ, thúc đẩy mối lo lạm phát và khiến nhiều nước tìm kiếm những tài sản trú ẩn an toàn hơn đồng USD.
Băng Tâm - Kinh Doanh & Tiếp Thị
Tin nổi bật Kinh doanh