Đăng quảng cáo miễn phí: MuaBanNhanh, Nhà Đất, Xe
Tìm việc và tuyển dụng: Việc Làm Vui
“Tết sắp đến rồi, mà bắt tôi cầm cổ phiếu 1 năm mới có lãi. Tết sắp đến rồi cầm cổ phiếu cơ bản không có đào có quất trong khi vào các room tăng 3-4 lần. Nhà đầu tư họ đang muốn sống nhanh mà anh cứ bắt người ta sống chậm?”, BTV Hoàng Nam khá phấn khích khi đặt câu hỏi cho với một nhà đầu tư kiêm chuyên gia chứng khoán kỳ cựu trong talkshow Bí mật đồng tiền mới đây. Ông là Phạm Lưu Hưng – Phó Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư SSI (SSI Research).
Điều BTV này nêu ra cũng là tâm trạng chung của các nhà đầu tư mới (thường được gọi là nhà đầu tư F0) trên thị trường chứng khoán trong thời gian gần đây. Thực tế hiện nay không ít nhà đầu tư hoang mang khi đầu tư theo khuyến nghị của các công ty chứng khoán thì danh mục liên tiếp giảm điểm còn nếu theo các group phím hàng thì tài khoản tăng 3-4 lần. Nên nghe ai bây giờ là câu hỏi đau đầu với các chứng sĩ F0.
Trả lời cho câu hỏi này, ông Hưng cho rằng thực tế việc muốn khoe lãi là tâm lý chung không chỉ của nhà đầu tư cá nhân mà còn với cả nhà đầu tư tổ chức. Theo chuyên gia này, trong giới đầu tư nước ngoài có một khái niệm là Window Dressing (tạm dịch: Trang trí cửa sổ). Đây là hiện tượng các quỹ đầu tư có xu hướng vào cuối năm bán những cổ phiếu/khoản đầu tư sinh lời kém và mua những cổ phiếu tăng tốt trong năm đó để có một danh mục đẹp vào cuối năm.
“Hiện này có sự tranh cãi lớn giữa nhóm đầu tư cơ bản và nhóm đầu cơ. Các bạn có thể nhìn thấy nhiều meme hay nhiều thông tin không tích cực về cổ phiếu Hòa Phát khi mua mãi mà không lên. Theo quan điểm của tôi nếu nhìn từ đầu năm tất cả các cổ phiếu cơ bản đều có mức tăng rất tốt. Như Hòa Phát cũng đã tăng 50% so với cuối năm ngoái, nếu tính cả năm 2020 thì mức tăng của cổ phiếu này rất cao. Những người đầu tư theo trường phái này đều có mức lợi nhuận tốt rồi”, ông Hưng phân tích.
Theo quan điểm của chuyên gia này khi đầu tư mà mong muốn có lợi nhuận ngay, với tâm thế không tốt như vậy họ sẽ đưa ra quyết định đầu tư không hợp lý. Từ đó kết quả đầu tư sẽ không tốt.
“Đừng gây áp lực từ bên ngoài. Tự gây sức ép cho mình tháng này phải lãi bao nhiêu, Tết này được gì thì sẽ đưa ra các quyết định không hợp lý”, ông nhấn mạnh.
Phản biện lại quan điểm này BTV Hoàng Nam cho rằng thời điểm hiện tại những người đầu tư cơ bản nhất cũng cảm thấy phải FOMO khi sóng penny đang đến. Một ví dụ là cổ phiếu FPT dù doanh nghiệp rất tốt nhưng 4 tháng đi ngang trong khi cổ phiếu CEO dù doanh nghiệp lỗ 5 quý nhưng giá vẫn tăng 7 lần.
“Vấn đề của các nhà đầu tư là việc chiến thắng chính bản thân mình mới là khó và quan trọng nhất. Bây giờ đi đầu tư cứ nhìn tài khoản người khác, sau đó cố để đạt mức lợi nhuận như nhà ông hàng xóm thì rất khó. Tranh cãi giữa trường phái đầu tư cơ bản hay đầu cơ sẽ có khi có những giai đoạn đầu tư cơ bản kém hơn. Tuy nhiên mỗi người nên tự xây dựng chiến lược đầu cho mình.
Ví dụ lớp trẻ hay có câu “Nếu không tử tế xin đừng đẹp trai”.
Khi bạn mua một cổ phiếu không "tử tế" mà đồ thị của nó không "đẹp trai", thì rất dễ để mình có thể ra quyết định đầu tư. Thế nhưng nếu đồ thị của nó rất "đẹp trai" theo xu hướng tăng giá thì lúc đấy việc ra quyết định sẽ phụ thuộc vào chiến lược đầu tư và quan điểm đầu tư của bạn.
Nếu bạn chọn một người “không tử tế nhưng đẹp trai” thì đó là lựa chọn của bạn nhưng bạn phải chấp nhận những rủi ro đi kèm với sự không tử tế đó.
Dĩ nhiên tôi không chọn ‘không tử tế và đẹp trai’, vừa tử tế vừa đẹp trai thì vẫn tốt hơn”, ông Hưng chia sẻ.
Thảo Nguyên
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
Tin nổi bật Tài chính