Thậm chí ở thành phố Quebec, nơi việc tiêm chủng không cho phép người dân chọn lựa dòng vaccine mRNA nào, quan chức y tế tại đây cho biết đã có 11.569 người từ bỏ việc tiêm sau khi biết mình không được dùng loại vaccine mong muốn. Tỷ lệ từ bỏ tại đây lên tới 166 trên mỗi 100.000 trường hợp.
Vậy chuyện gì đang diễn ra khi cả 2 dòng vaccine này đều dùng công nghệ mRNA mới nhưng lại bị người dân kén chọn?
Giáo sư ngành dược Kelly Grindrod của trường đại học Waterloo-Canada cho biết những hãng dược ít danh tiếng hơn thường sẽ chịu thiệt về khả năng phân phối trên thị trường. Tuy nhiên điều khiến Moderna gặp khó tại Canada hơn Pfizer thực tế đến từ danh tiếng.
Trong khi Pfizer đã quá nổi tiếng trên toàn cầu vì sản phẩm cường dương Viagra thì Moderna mới chỉ là hãng dược non trẻ mới bước vào thị trường khoảng 10 năm, ít được người dân biết đến.
Như một hệ quả tất yếu, người dân thường thích những vaccine của hãng dược có thương hiệu vì nghĩ rằng chúng an toàn hơn các sản phẩm của công ty ít danh tiếng hơn.
Chuyên gia truyền thông Samantha Yammie, một người khá nổi tiếng trong ngành tại Canada với lượng lớn người theo dõi trên mạng xã hội cho biết mình đã nhận được khá nhiều câu hỏi về việc có nên tiêm Moderna hay không.
Theo cô Yammie, người tiêu dùng hiện nay đang nghe quá nhiều về Pfizer và khiến họ bị mất sự tin tưởng vào những dòng vaccine khác.
"Bạn càng nghe nhiều về thứ gì đó thì chúng càng đáng tin hơn so với những sản phẩm khác", chuyên gia Yammine nhận định.
Đồng quan điểm, chuyên gia truyền thông Andrea Benoit nhận định cuộc chiến thương hiệu giữa Pfizer và Moderna trong mảng vaccine dùng công nghệ mRNA chẳng khác gì Coca Cola và Pepsi trong ngành dược phẩm vậy.
Việc hàng loạt người nổi tiếng hay những người đã tiêm vaccine đăng hình với sản phẩm của Pfizer hay Moderna trên mạng xã hội vô hình chung đã quảng bá miễn phí và kích thích một làn sóng cạnh tranh thương hiệu.
Thế nhưng, sự cạnh tranh này có thể không đem lại hiệu quả tích cực cho người dân trong bối cảnh đại dịch lan tràn. Việc kén chọn tiêm vaccine tại thời điểm này là hoàn toàn không khôn ngoan.
"Pfizer trở nên phổ biến hơn bởi bạn thấy nhiều người dùng chúng. Thế nhưng đó là do khả năng phân phối của hãng chứ chẳng liên quan gì đến chất lượng có tốt hơn hay không cả. Vaccine của Moderna và Pfizer đều khá tương tự và đều tuyệt vời cả", chuyên gia Yammie nhấn mạnh.
Khó so sánh chất lượng
Cả vaccine của Pfizer và Moderna đều dùng công nghệ mRNA mới trong sản xuất. Theo đó các nhà khoa học sẽ đưa một đoạn mã gen vào tế bào khiến chúng hiểu nhầm mình đang bị tấn công bởi virus Sars nCov-2, qua đó tạo nên hệ thống miễn dịch cho cơ thể.
Đây là công nghệ mới an toàn hơn cho cơ thể người cũng như có khả năng tăng tốc phát triển vaccine so với cách làm truyền thống.
Về hiệu quả, các cuộc thử nghiệm đều cho thấy vaccine của cả 2 thương hiệu đều có chất lượng tương đồng. Sản phẩm của Pfizer cho kết quả 95% chống lây lan dịch bệnh sau 2 liều tiêm còn Moderna là 94,1%.
Sản phẩm của Pfizer được chính phủ Mỹ cấp phép cho người trên 16 tuổi nhưng công ty hiện đang cố gắng để Cục quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) cho phép tiêm với cả trẻ em 12 tuổi trở lên.
Trong khi đó Moderna đã được cấp phép với người trên 18 tuổi nhưng công ty đang thử nghiệm và tiến tới thông qua đăng ký tiêm cho người từ 12-17 tuổi.
Về cách tính kết quả, Pfizer bắt đầu đếm số ca nhiễm sau 7 ngày từ mũi tiêm thứ 2 còn Moderna bắt đầu đếm sau 14 ngày nhằm loại bỏ những trường hợp dương tính giả.
Theo các nhà khoa học, dù dùng chung công nghệ mRNA nhưng quy trình thử nghiệp, nghiên cứu và phát triển khác nhau khiến việc so sánh Pfizer với Moderna chẳng khác gì so sánh cam với táo.
Thêm nữa, các quy trình thử nghiệm của 2 hãng này được thực hiện trước khi những biến thể mới tại Anh, Nam Phi và Brazil xuất hiện nên chưa rõ vaccine nào sẽ thực sự hiệu quả hơn.
Liều dùng, tác dụng phụ, bảo quản
Cả 2 vaccine của Pfizer và Moderna đều cần 2 mũi tiêm. Khoảng cách tiêm lại của Moderna là 28 ngày còn của Pfizer là 21 ngày.
Mỗi liều tiêm của Pfizer có chứa 30 Microgram vaccine trong khi của Moderna chứa tới 100 Microgram. Điều này có nghĩa là liều tiêm của Moderna chứa nhiều vaccine gấp 3 lần so với Pfizer.
Về tác dụng phụ, các trường hợp phổ biến bao gồm đau tại chỗ tiêm, cơ thể mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, đau khớp. Một số trường hợp bị sốt sau tiêm cũng đã được báo cáo và phần lớn là sau mũi tiêm thứ 2.
Cá biệt có những trường hợp dị ứng hoặc sốc phản vệ nghiêm trọng với cả vaccine của Pfizer và Moderna nhưng tỷ lệ này rất thấp. Số liệu của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho thấy tỷ lệ sốc phản vệ với vaccine của Moderna là 2,5 trường hợp trên 1 triệu liều tiêm, còn của Pfizer là 4,5 trường hợp.
Về khả năng bảo quản, Moderna có vẻ trội hơn Pfizer. Mặc dù dòng vaccine sử dụng công nghệ mRNA đều phải bảo quản lạnh trong tủ đông nhưng sản phẩm của Moderna có thể chịu được mức nhiệt độ (-4) độ F, tức là tương đương với các tủ lạnh thông thường. Trong khi đó vaccine của Pfizer cần được bảo quản ở (-94) độ F, tức là cần tủ đông chuyên dụng.
Huyền Băng - Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
Tin nổi bật Điểm tin