Đăng quảng cáo miễn phí: MuaBanNhanh, Nhà Đất, Xe
Tìm việc và tuyển dụng: Việc Làm Vui
Mới đây, 36Kr, một công ty chuyên về báo cáo công nghệ có tiếng tại Trung Quốc đã công bố một kết quả thu hút đông đảo sự chú ý: Có hơn 70% nhân viên thuộc thế hệ 9x tan làm khi sếp của họ vẫn ngồi ở công ty. Trong khi đó, một bộ phận khác vẫn chấp nhận tăng ca để cải thiện thu nhập.
Ngoài ra, báo cáo của 36Kr cho thấy có tới 95% nhân viên 9x không muốn mang máy tính cá nhân về nhà làm việc. Tuy nhiên, thực tế lại khác bởi có 66% mang thiết bị này về với nhiều lý do khác nhau.
Ngay sau khi báo cáo được công bố, các từ khóa liên quan đã được cư dân mạng Trung Quốc đổ xô tìm kiếm và đang được xếp hạng 2 trong từ khóa "hot" trên Weibo.
Bên dưới các bài viết liên quan đến chủ đề trên, người dùng Weibo đã thi nhau bình luận ý kiến cá nhân.
"Công ty trả tiền cho bao nhiêu giờ thì hết giờ là về thôi. Nhiều nơi không trả tiền làm thêm giờ nhưng vẫn muốn nhân viên cống hiến hết mình. Ở lại muộn sếp có đưa về hay mời ăn tối đâu, nên tôi cứ hết giờ là tắt máy đi về", một người viết.
Một người khác đùa: "Thời đại nào rồi mà còn phải đợi sếp về nhân viên mới được về vậy? Sếp về muộn chứng tỏ làm việc không hiệu quả".
"Sếp và công ty giàu lên nhờ công sức làm thêm của nhân viên nhưng họ có chia cho chúng tôi thêm đồng nào đâu mà phải ngồi thêm làm gì", một người bày tỏ.
Vài năm gần đây, văn hóa làm việc "996" nổi tiếng ở Trung Quốc đã bị phản đối mạnh mẽ, đặc biệt là người trẻ tuổi. Nhiều người cho biết họ không thể tận hưởng cuộc sống về đêm nhiều màu sắc hay chỉ đơn giản là nghỉ ngơi đúng nghĩa – những điều gần như bất khả thi nếu làm việc theo chính sách "996".
Li – một thanh niên 25 tuổi làm việc ở Thượng Hải, chia sẻ: "Tôi là nhân viên cấp thấp tại một trang thương mại điện tử. Công việc của tôi là đăng miêu tả về đồ chơi và balo. Tôi thậm chí còn phải làm việc cả Chủ nhật, trả lời câu hỏi của khách hàng từ khắp nơi như Úc, châu Âu và Mỹ".
Mức lương Li nhận được là 3.500 nhân dân tệ (tương đương 560 USD)/tháng. Con số này chưa bằng một nửa phí thuê hàng tháng của một căn hộ 1 phòng ngủ ở rìa trung tâm thành phố. Để tiết kiệm chi phí, Li thuê một căn hộ nhỏ cùng 3 người khác.
Ban đầu, Li cho biết anh có tâm lý không kén chọn công việc này bởi anh chỉ tốt nghiệp một trường đại học xếp hạng thấp. Tuy nhiên, sau một thời gian làm việc 12 tiếng mỗi ngày, anh đã trở thành một phần của hiện tượng "người trẻ phản đối chính sách làm việc bóc lột sức lao động của các nhà tuyển dụng".
Thế hệ trẻ Trung Quốc giờ đây được giáo dục tốt hơn và nhận thức rõ hơn về quyền của mình hơn các thế hệ trước. Họ cũng quan tâm hơn đến việc tìm kiếm công việc mà mình thích và cảm thấy thoải mái khi làm hơn là chỉ vì tiền lương.
Một chuyên gia về quyền lao động cho biết: "Theo những gì tôi quan sát được, giới trẻ, đặc biệt là thế hệ từ những năm 90 trở đi, không sẵn sàng làm việc ngoài giờ kể cả được trả thêm tiền. Đối với họ, tận hưởng cuộc sống hoặc nghỉ ngơi sau một ngày lao động mệt mỏi quan trọng hơn".
Một lý do khác là sự sung túc của cha mẹ, ông bà của họ. Sự chuyển đổi kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc đã giúp nhiều hộ gia đình trở nên khá giả hơn. Theo một thống kê, gần 70% dân số thành thị ở Trung Quốc kiếm được từ 9.000 – 34.000 USD mỗi năm vào năm 2012. Trong khi đó, năm 2000, tỷ lệ này chỉ là 4%. Việc các hộ gia đình khá giả hơn khiến một bộ phận người trẻ Trung Quốc ỷ lại hơn vào sự trợ giúp của gia đình và không muốn "bán mạng" cho công việc.
Nguồn: 36Kr, BC
Mộc Tiên
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
Tin nổi bật Điểm tin