Mã Hóa Đằng (Ma Hueteng) – hay còn được biết đến với cái tên ‘’Pony Ma ‘’ – Ông là nhà sáng lập, chủ tịch và là giám đốc điều hành gã khổng lồ công nghệ Tencent của Trung Quốc.
Ông trùm này né tránh sự chú ý, lựa chọn dẫn dắt công ty sau cánh gà với ý chí kiên định, bỏ ngoài tai những chỉ trích về cách thức và đường lối làm việc của công ty.
Công ty đại chúng của Pony Ma đứng ở vị trí thứ 5 thế giới, trị giá 556 tỉ đô-la Mỹ. Mã Hóa Đằng và những người đồng sáng lập đã xây dựng nên nền tảng doanh nghiệp kỹ thuật số suốt hơn 20 năm, và họ giờ sở hữu một trong những rương kho báu dữ liệu lớn nhất hành tinh này. Những nhà phân tích dữ liệu chỉ ra rằng, hơn 2/3 trong số 1,4 tỉ dân Trung Quốc hiện đang sử dụng dịch vụ của Tencent.
Tencent là một gã khổng lồ đã vượt lên trước và bỏ lại những đối thủ cùng quốc gia như Baidu. Sở hữu khả năng liên tục đổi mới, trở thành một công ty cạnh tranh đáng gờm và ngồi cùng bàn với những ông lớn trong ngành công nghệ phương Tây.
Vậy phần còn lại của thế giới có thể học được điều gì từ người đàn ông đứng sau gã khổng lồ này.
Dưới đây chính là 7 bài học Mã Hóa Đằng đã áp dụng để tạo lập nên một đế chế hùng mạnh:
1. Sản phẩm tốt nhất, chẳng cần cạnh tranh
Đây là nền tảng của Pony Ma trong việc xây dựng hệ thống kinh doanh. Làm thế nào ông có khả năng dự đoán và phản ứng trước những thay đổi? Đó chính là bằng cách thiết lập hệ thống văn hóa phù hợp.
Mã Hóa Đằng đã từng nói rằng, ông không muốn trở thành người dẫn dắt. Ông không có tham vọng lớn lao nào trong việc xây dựng một đề chế doanh nghiệp khổng lồ. Ông đơn giản muốn được tạo ra một "sản phẩm xuất sắc" và có những người bạn đồng sáng lập thấy được những lợi nhuận đem lại từ sự đầu tư của họ. Mỗi người sẽ tập trung hết sức vào một mảng để mang lại một sản phẩm tốt nhất cho người dùng.
Ông cũng chỉ ra rằng những thế hệ mới có vị thế tốt hơn để tạo nên những ý tưởng sản phẩm tốt tiếp theo: "Bởi vậy chúng tôi tuyển những ai hiểu được nhu cầu của người trẻ vào công ty".
Đồng thời với việc trao quyền cho những nhân viên trẻ tuổi để họ có thể cầm lái và dẫn dắt, Mã Hóa Đằng và đội ngũ của ông đặt ra những quy tắc đơn giản. Những nhân viên trẻ tuổi hơn hiểu người tiêu dùng cần gì. Những công ty nhỏ tăng trưởng nhanh chóng như Tencent có một lợi thế: Họ sinh ra đã vốn nhanh nhẹn và thích nghi tốt với những thay đổi của thị trường.
2. Tự do sáng tạo, mạnh bạo "ăn" mình
Không bị trói buộc bởi những quy tắc, nhân viên của Tencent có sự tự do hành động và sáng tạo, từ giải quyết vấn đề đến việc khiến người khác phải thán phục. Đồng thời, đôi ngũ còn có sự tự do trong việc cạnh tranh. Mã Hóa Đằng yêu cầu nhân viên của mình "thử một cách dũng cảm, không phải chần chừ", đó cũng là cách mà WeChat được tạo lập.
Như Steve Jobs, thần tượng của Mã Hóa Đằng, đã từng chấm biếm rằng: "Nếu bạn không thể "ăn" được chính mình, thì người khác sẽ "ăn" bạn".
3. Đặt khách lên hàng đầu, bước đến đâu cũng vững
Mã Hóa Đằng tự nhận bản thân là con mọt công nghệ, người được đào tạo về khoa học máy tính, ông biết về thứ công nghệ mà mọi người muốn được sử dụng. Ông nổi tiếng với quy tắc 10/100/1.000 đóng góp củng cố triết lý đặt người dùng lên hàng đầu của Tencent. Mỗi tháng, các nhà quản lý sản phẩm sẽ thực hiện 10 cuộc khảo sát, đọc 100 bài blog của người dùng và thu thập phản hồi từ trải nghiệm của 1.000 người dùng.
Mã Hóa Đằng đồng thời có cái nhìn sắc bén về thiết kế. Trong một bài viết ông đăng trên nền tảng nội bộ WeChat vào tháng 4 năm 2017: "Một sản phẩm dịch vụ được khởi đầu từ sự thỏa mãn và nhu cầu của người dùng và cần được xác định rõ hai yếu tố ấy". Ông tóm gọn lại 7 "tội danh" của một nhà quản lí sản phẩm, cho rằng nhà phát triển sẽ hủy hoại sản phẩm của họ bằng cách làm phức tạp chúng, và vượt khỏi khả năng nhận biết: "Tiêu tốn thời gian và những tài nguyên cốt lõi lặp đi lặp lại trong việc tối ưu hóa những đặc điểm cơ bản là những sai lầm xuất phát từ những cơn mê hưng phấn của các doanh nhân Internet mới".
Không kể tới tuổi tác và vị thế, người dùng muốn có sự rõ ràng, đơn giản, tự nhiên, dễ sử dụng trong thiết kế và sản phẩm. Và với Tencent, đó là tất cả những thứ họ được nhận. Không giống như những ứng dụng phương Tây, Tencent cố gắng kết hợp càng nhiều tính năng trong một ứng dụng nhất có thể.
Ví dụ như thẻ ID tại Trung Quốc. Tháng 2 năm 2018, WeChat phát hành chương trình ID kĩ thuật số, cho phép người dân liên kết danh tính của họ tới nền tảng ứng dụng nhận diện khuôn mặt. Đây là sự cải tiến mới nhất của WeChat trong kế hoạch đi sâu vào cuộc sống hàng ngày của người dân – Làm bền vững thế của nó bằng cách trở thành ứng dụng của mọi thứ.
4. Liên tục cải tiến, cống hiến, thử và sai
Chẳng có một sản phẩm nào bắt đầu đã hoàn hảo. Cần có sự va chạm liên tục mới có thể nhận ra được điểm yếu, từ đó sửa sai. Tốc độ của Tencent vốn từ lâu luôn khiến đối thủ phải xanh mặt. Đó chính là nhờ sự bạo dạn dám thử và sai, cống hiến vì một sản phẩm tốt nhất.
Ví dụ, ứng dụng phổ biến đầu tiên ở Trung Quốc không phải WeChat mà là Miliao, được phát hành bởi Xiaomi. Nhà sáng lập Xiaomi và là CEO Lei Jun công nhận rằng WeChat làm lu mờ sản phẩm của anh bởi Tencent có thể phát hành một hoặc hai phiên bản mới mỗi tuần. "Miliao chỉ có thể phát hành một phiên bản mỗi tháng". "Kể cả đối với phần mềm phức tạp như QQ, họ vẫn có thể giữ tốc độ vận hành từ 2 đến 3 phiên bản mỗi tháng. Những nhân viên của Tencent không ngừng tìm kiếm sự xuất sắc."
5. Đứng lên sau thất bại, đừng ngại phải làm lại
Khả năng chịu đựng trước thất bại của Mã Hóa Đằng là một chiến lược. Trong các cuộc cạnh tranh nội bộ, nhân viên có thể không nhận ra việc đó sẽ rất tốn kém chi phí khi họ thất bại, nhưng đây chính là cách để ông chủ Tencent tạo ra những đội ngũ bất bại. Khi có người thua, sẽ có người thắng: Ông hi vọng rằng nhân viên có thể bật ngược trở lại sau mỗi lần thua, tự đứng dậy và làm lại từ đầu.
Còn với cạnh tranh bên ngoài, Tencent đã trải nghiệm rất nhiều. BAT: Baidu, Alibaba và Tencent – là nhóm quyền lực ở Trung Quốc. FANG – Facebook, Amazon, Netflix và Google – vui vẻ thống trị Thung lũng Silicon. Chiến trường thực sự rất sôi động. Facebook bị cấm tại Trung Quốc vào tháng 7 năm 2009, cùng với năm WhatsApp được phát hành. Trong sân nhà, năm 2010 Alibaba chặn trình thu thập thông tin của Baidu khỏi website của mình. Alibaba và Tencent liên tục va chạm với nhau trên cùng một sân cỏ. Khả năng tự hồi phục là nghiệp vụ của Pony Ma khi phải đối mặt với những đối thủ từ trong lẫn ngoài Trung Quốc. "Bạn cần có khả năng hồi phục tốt để chiến đấu với mọi khó khăn ập đến, hoặc bạn sẽ bị chúng đánh bại".
6. Tiến hóa và thích nghi, chiến thắng không ngừng nghỉ
"Tiến hóa" đối với Tencent nghĩa là khả năng có thể cải thiện, tự chỉnh đốn và luôn tập trung. Nhiều người hoài nghi tranh luận về BAT và FANG rằng internet đã làm cho khả năng sống sót của những tổ chức ấy trở nên dễ dàng hơn – thậm chí là quá dễ dàng. Nhưng Tencent đến từ thời đại chưa có thiết bị di động. Khá nhiều những doanh nghiệp có vẻ không thể gục ngã như Dell, HP, Kodak, Blockbuster, đã mất đi những lợi thế bản thân vì họ thất bại trong việc thích nghi. Mã Hóa Đằng cho rằng: "Có người nói rằng thiết bị di động kết nối internet chỉ đơn thuần là thêm chữ internet như một từ đơn giản, nhưng tôi cảm nhận được điều này nhiều hơn chỉ đơn thuần là mở rộng thên tính năng. Mà đây là một cuộc cách mạng."
Tencent luôn nâng cấp và làm mới mình, họ học hỏi từ đối thủ để biến sản phẩm của mình thành một thế hệ tiện dụng hơn rất nhiều.
7. Theo đuổi giá trị ban đầu, đặt ra mục tiêu cốt lõi
Những gã khổng lồ Trung Quốc nổi tiếng với cách học hỏi những điều tốt nhất từ phương Tây, nhưng sau đó họ nội địa hóa những sản phẩm đấy sao cho phù hợp với đặc tính của người phương Đông, đi theo giá trị cốt lõi và hiểu rõ mục tiêu của mình. Việc bắt chước, khi được làm tốt, sẽ trở thành một hình thái đổi mới cực kì hiệu quả và nhạy bén.
Nếu sự thành công của Tencent bắt đầu từ đầu những năm 2000 – hãy gọi đó là công ty Tencent 1.0 – là nhờ vào khả năng sao chép. Thì sự thành công của Tencent 2.0 là nhờ vào sự đổi mới. Phong bao lì xì là một ví dụ:
Vào thời điểm Tết Nguyên Đán năm 2014, Tencent đã xây dựng một hệ thống dịch vụ mới dựa trên phong tục cổ xưa là tặng bao lì xì để thúc đẩy số lượng người dùng trên nền tảng ứng dụng trả phí của WeChat. Chỉ với một cú click chuột trên hình tượng bao lì xì đỏ, các khoản lì xì sẽ được gửi cho bạn bè và người thân. Ý tưởng đó như thể giọt nước tràn li dành cho thị trường thiết bị di động Trung Quốc, đem lại hơn 8 triệu người dùng tới nền tảng ứng dụng trả phí của Tencent chỉ trong 8 ngày đầu sau năm mới. Đây là một nước đi vô cùng khôn ngoan khi kết hợp công nghệ và phong tục văn hóa của đất nước.
Với 7 bài học đúc rút trong quá trình xây dựng công ty, Mã Hóa Đằng đã dẫn dắt Tencent vượt qua những biến cố, chỉ trích, thậm chí cả sự thù địch vì hướng đi khác biệt để trở thành một gã khổng lồ công nghệ.
Cuộc sống cũng luôn như vậy, đầy rẫy những khó khăn và phản đối khi bạn muốn làm những điều lớn lao, quan trọng là có thể chọn ra cho mình giá trị, mục tiêu và kiên trì để theo đuổi, bất chấp những cản trở hay bị vùi dập bao nhiêu. Thành quả cho sự kiên tâm ấy, chắc chắn sẽ rất ngọt ngào.
*Bài viết có tham khảo cuốn sách "Huyền thoại Tencent: Những bí mật về đế chế công nghệ lớn nhất châu Á".
Ngô Quang Minh - Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
Tin nổi bật Doanh nhân