Đăng quảng cáo miễn phí: MuaBanNhanh, Nhà Đất, Xe
Tìm việc và tuyển dụng: Việc Làm Vui
Khi Mark Zuckerberg lần đầu tiên xuất hiện trong danh sách người giàu có của Forbes năm 2008, ông chủ Facebook khi đó mới chỉ là một trong số 46 tỷ phú kiếm tiền từ công nghệ trên đất Mỹ. Sau hơn 12 năm tăng trưởng mạnh mẽ, số lượng tỷ phú công nghệ Mỹ đã tăng gấp ba lần.
Tổng cộng, nước Mỹ đang có 147 tỷ phú giàu lên nhờ ngành công nghệ. So với thời điểm năm 2008, nhóm này đã giàu hơn tới 546% (sau khi điều chỉnh lạm phát). Con số này cao gấp gần 2,4 lần so với mức trung bình 228% của các nhóm ngành khác và cao gấp 5,6 lần so với mức 96% của đại đa số người dân bình thường của Mỹ. Đại dịch Covid-19 đã làm nổi bật khoảng cách này, khi giá trị tài sản ròng của giới tinh hoa công nghệ đã tăng từ 272 tỷ USD năm 2008 lên 1.750 tỷ USD thời điểm gần đây.
“Trong khi hàng trăm triệu người phải vất vả kiếm sống trong đại dịch thì các công ty công nghệ lại đạt được tốc độ tăng trưởng bất ngờ", Dan Ives, Giám đốc tại Wedbush cho biết. “Chúng ta đang ở kỷ nguyên vàng của công nghệ. Ngày càng nhiều các viện nghiên cứu, các nhà đầu tư bán lẻ muốn nhập cuộc. Điều này sẽ tiếp tục đẩy giá cổ phiếu và định giá doanh nghiệp trong ngành lên cao".
Các tỷ phú công nghệ đang ngày càng trở nên giàu có hơn. Ảnh: Getty Images/Forbes
Chỉ trong năm nay, 32 tỷ phú công nghệ đã xuất hiện trong danh sách những người giàu nhất nước Mỹ của Forbes, trong đó bao gồm những cái tên như CEO Doordash Tony Xu, CEP Apple Tim Cook và CEO Bumble Whitnet Wolf Herd. Những tỷ phú khác như CEO Airbnb Brian Chesky cũng thu được lợi nhuận khổng lồ. Khối tài sản ròng của Brian Chesky đã tăng gấp 3 lần so với năm ngoái, lên 12,5 tỷ USD.
“Những công ty công nghệ này đã xây dựng cho mình một thương hiệu riêng trong hơn một thập kỷ qua", Chris Ballard, Giám đốc quản lý đầu tư tại Check Capital Management cho hay. "Họ đang tạo ra một thế giới mà bản thân họ có thể tự vận hành".
Khi Forbes công bố danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ lần đầu tiên vào năm 1982, chỉ có nhà đồng sáng lập Apple Steve Jobs và đồng sáng lập Intel Gordon Moorde đại diện cho ngành công nghệ. Những năm 80, 90, các tên tuổi khác lần lượt xuất hiện như Bill Gates năm 1989 và Michael Dell năm 1991. Cuối những năm 90, bong bóng dotcom bùng nổ và có đến 62 gương mặt ngành công nghệ xuất hiện trong danh sách, trong đó bao gồm Jeff Bezos (năm 1999).
Tuy nhiên, khi bong bóng vỡ vụn, 51 người đã bị đánh bật khỏi danh sách năm 2001, phần lớn trong số đó là các tỷ phú công nghệ. Nhưng đây chỉ là một chướng ngại nhỏ trên cả chặng đường. Năm 2008, khi Mark Zuckerberg gia nhập bảng xếp hạng chỉ sau 4 năm thành lập Facebook và trở thành tỷ phú tự thân trẻ nhất thời điểm bấy giờ, cả nước Mỹ có 46 người trụ vững trong danh sách. (11 năm sau đó, thế giới chứng kiến Kylie Jenner bước chân vào top 1% giàu có khi mới ở tuổi 21)
1/5 những người giàu nhất ở Mỹ xây dựng khối tài sản khổng lồ nhờ ngành công nghệ, tăng mạnh so với mức chỉ 9% vào năm 2008. Nguồn: Forbes
Sau hơn một thập kỷ, công nghệ trở thành một phần không thể thiếu trong cách thức chúng ta giao tiếp, giải trí, làm việc và nhìn nhận thế giới. Các nhà sáng lập thung lũng Silicon đã tận dụng lợi thế từ sự thay đổi này để tạo dựng sự nghiệp trong giai đoạn hoàng kim của các công ty khởi nghiệp. Nhà sáng lập Twitter, Jack Dorsey gia nhập câu lạc bộ tỷ phú năm 2013, theo sau là sáng lập Uber, Travis Kalanick và các nhà sáng lập của Airbnb vào năm 2015.
Nhiều doanh nhân công nghệ trở nên giàu có nhờ một loạt các sự kiện như định giá công ty tăng cao, thị trường đại chúng phát triển mạnh mẽ cho tới hàng loạt đợt niêm yết thông qua cả IPO truyền thống và SPAC. Trong số này, có một số tỷ phú đã nổi lên dẫn đầu cuộc chơi.
Chẳng hạn như Zuckerberg đã giàu có hơn 7.500% so với năm 2008. Tài sản của ông chủ Facebook đã tăng từ 1,5 tỷ USD lên tới 121,1 tỷ USD, bất chấp những bê bối của Facebook. Jeff Bezos cũng là một ví dụ điển hình khi tài sản ròng tăng mạnh nhờ đầu tư vào lĩnh vực công nghệ vũ trụ. So với năm 2018, ông chủ Amazon giàu hơn 2.210%. Tài sản của đồng sáng lập Google, Larry Page và Sergey Brin cùng với cựu CEO Microsoft, Steve Ballmer tăng gấp 600%. Kể từ tháng 9 năm 2020, khối tài sản ròng của top 10 người giàu nhất trong ngành công nghệ đã tăng 317,4 tỷ USD, tương đương 42%.
Công nghệ được cho là lĩnh vực khá mới mẻ so với nhiều ngành truyền thống khác và phần lớn - khoảng 95% - giới siêu giàu trong ngành này là tỷ phú tự thân, có nghĩa là những người giàu lên bằng cách tự thành lập công ty công nghệ hoặc công ty cổ phần. Chỉ có 5 trong số 81 tỷ phú công nghệ của Forbes 400 được hưởng thừa kế từ gia đình, đó là vợ cũ của Bezos, bà MacKenzie Scott; bà Laurence Powell Jobs, vợ Steve Jobs; bà Dagmar Dolby, vợ nhà sáng lập Ray Dolby của Dolby Laboratories; bà Melinda French Gates, vợ cũ của Bill Gates; và Margot Birmingham Perot, vợ của doanh nhân kiêm ứng cử viên tổng thống năm 1992 Ross Perot.
Thế nhưng, bất kể đang sở hữu khối tài sản lớn tới cỡ nào, quyền lực của các ông trùm công nghệ cũng đang bắt đầu gióng lên hồi chuông cảnh báo. Nhiều tỷ phú công nghệ đã trở thành mục tiêu của các nhà làm luật, những người cho rằng các tỷ phú này đang nắm trong tay quá nhiều quyền lực tác động tới hầu hết các khía cạnh của đời sống Mỹ.
Những người theo chủ nghĩa cấp tiến đã chỉ ra các lỗi, từ sự thiếu minh bạch trên nền tảng mạng xã hội do các tỷ phú công nghệ điều hành cho tới vấn đề nhân quyền và lao động sau khi sự vụ của Amazon nổ ra. Đề xuất gần đây của Đảng Dân chủ về việc thuế đánh vào những người giàu nhất cả nước sẽ có tác động lớn tới các tỷ phú công nghệ, bởi họ không chỉ nằm trong danh sách những người siêu giàu mà còn là chủ của những công ty lớn đang niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Trong khi đó, phe bảo thủ đã chỉ trích các tỷ phú công nghệ vì ủng hộ các ứng cử viên Đảng Dân chủ, và cáo buộc các công ty truyền thông xã hội thực hiện việc kiểm duyệt nhắm vào các quan điểm bảo thủ.
“Những công ty này quá lớn mạnh", thượng nghị sĩ Josh Hawley cho hay. “Tôi nghĩ chúng ta sẽ bớt lo lắng hơn nhiều về vấn đề kiểm duyệt nếu họ có ít quyền lực hơn, và nếu chúng ta có một giải pháp thay thế.”
Có khá nhiều ý kiến trong giới chính trị gia, những người lo ngại về vai trò của các tài phiệt công nghệ trong vấn đề làm gia tăng chênh lệch giàu nghèo. Chuck Collins, Giám đốc chương trình bất bình đẳng tại Viện nghiên cứu chính sách có trụ sở tại Washington D.C chỉ ra rằng, việc tập trung nhiều hơn vào sự giàu có của ngành công nghệ có thể dẫn tới việc một bộ phận nhỏ dân số có đủ quyền lực để thúc đẩy các lợi ích kinh tế và chính trị cá nhân, từ việc chống lại các quy định mà họ không thích, tới việc kiểm soát lĩnh vực du lịch vũ trụ hay trở nên vượt trội trong các hoạt động từ thiện.
“Tôi nghĩ phải có một cách để chúng ta có thể tôn vinh những người tạo ra sự giàu có và sự đổi mới trong khi bảo vệ xã hội khỏi những khía cạnh xuyên tạc của việc củng cố quyền lực", ông Collins cho hay.
Những lời kêu gọi hạn chế sự giàu có và quyền lực của các tỷ phú công nghệ chắc chắn sẽ tiếp tục, với việc ngày càng nhiều người trong nhóm đang phải hứng chịu nhiều chỉ trích. Thế nhưng, bất chấp điều đó, những tỷ phú công nghệ này sẽ vẫn cứ tiếp tục giàu lên.
Đỗ Hiền - Kinh Doanh & Tiếp Thị
Tin nổi bật Kinh doanh