Mỹ phẩm được hỗ trợ bởi công nghệ cao đang trở thành xu hướng trung tâm tại Hội chợ Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc lần thứ tư (CIIE ) diễn ra tại Thượng Hải trong tuần này. Tại đây, các thương hiệu làm đẹp nổi tiếng toàn cầu đang đưa ra các mặt hàng mới vô cùng độc đáo, từ các sản phẩm chăm sóc da sử dụng enzym của con người được tạo ra nhân tạo để làm giảm các vết thâm, đến máy in son môi cho phép tạo ra các sản phẩm phù hợp với màu da của từng khách hàng.
Việc chuyển sang các công nghệ mới được thiết kế riêng này có tác dụng giúp các công ty toàn cầu duy trì lợi thế tại thị trường vô cùng quan trọng hiện nay, Trung Quốc. Đây hiện là thị trường mỹ phẩm lớn thứ hai thế giới, nhưng cạnh tranh trong lĩnh vực này đang ngày càng nóng lên.
Một làn sóng mới về các thương hiệu Trung Quốc đã bắt đầu có được sức hút, đặc biệt là ở những người tiêu dùng trẻ tuổi, đối tượng không còn coi các sản phẩm ngoại là hàng cao cấp nữa. Theo công ty tổng hợp dữ liệu CBNData, khoảng 40% sản phẩm làm đẹp mà tầng lớp Gen Z ở Trung Quốc mua hiện là các thương hiệu nội địa.
Một khách tham quan thử máy in son môi YSL tại gian hàng của L'Oréal tại CIIE ở Thượng Hải, ngày 7/11/2021.
Beiersdorf AG, chủ sở hữu của các thương hiệu chăm sóc da La Prairie và Nivea, cho biết họ đang đầu tư rất nhiều vào nghiên cứu và phát triển ở Trung Quốc. Năm ngoái, công ty của Đức đã mở một trung tâm nghiên cứu mới tại Thượng Hải - cơ sở R&D lớn thứ hai trên toàn thế giới. Họ cũng đang lên kế hoạch tung ra Nivea Luminous 630 - một sản phẩm chăm sóc da điều trị các vết thâm bằng cách tái tạo các enzym có thể ra lệnh cho các tế bào sản xuất sắc tố melanin - tại Trung Quốc.
Vincent Warnery, Giám đốc điều hành của Beiersdorf, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua video tại hội chợ rằng: "Chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều trong việc đổi mới công nghệ. Chúng tôi hy vọng sẽ sớm đưa Luminous 630… đến Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng."
Trong khi đó, tập đoàn làm đẹp Nhật Bản Shiseido đã trưng bày công nghệ "làn da thứ hai", có tác dụng loại bỏ quầng thâm mắt bằng cách tạo thành một lớp mỏng bao quanh vùng điều trị. Công ty cũng đã cho ra mắt toàn cầu dòng sản phẩm làm đẹp mới có thể ăn được - Inryu - tại triển lãm.
Du khách xếp hàng chờ đợi tại khu triển lãm của Beierdorf tại CIIE ở Thượng Hải, ngày 7/11/ 2021.
L'Oréal, hãng mỹ phẩm của Pháp, đã thiết lập một khu vực để khách có thể dùng thử "máy in son môi" của Yves Saint Laurent, thứ cũng có thể được sử dụng thông qua nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc Tmall. Tại đây, du khách có thể đưa ảnh selfie của mình vào máy in thông qua một ứng dụng, sau đó máy sẽ tạo ra loại màu son phù hợp với màu da của người đó trong số 1.000 màu sắc khác nhau.
Công ty cũng đang tổ chức một cuộc thi công nghệ làm đẹp "Big Bang" dành cho các công ty khởi nghiệp ở Trung Quốc và Pháp. Theo Fabrice Megarbane, chủ tịch L'Oréal tại Bắc Á, cuộc thi đã nhận được hơn 400 bài dự thi.
"Khi phát sóng trực tiếp trở thành một phần của xu hướng chính, rất nhiều công ty khởi nghiệp ở Trung Quốc đang đổi mới trên mặt trận đó và chúng tôi nghĩ rằng sẽ có rất nhiều nhà cung cấp tốt trong lĩnh vực này", đại diện Megarbane nói.
Bảo Nam - Kinh Doanh & Tiếp Thị
Tin nổi bật Kinh doanh