Đăng quảng cáo miễn phí: MuaBanNhanh, Nhà Đất, Xe
Tìm việc và tuyển dụng: Việc Làm Vui
Trong quá trình đầu tư chứng khoán, một trong những vấn đề mà hầu hết mọi người cảm thấy khó ra quyết định nhất có lẽ là việc "Cắt lỗ".
Khi ra quyết định mua, hầu hết nhà đầu tư cảm thấy khá dễ dàng, thậm chí giải ngân toàn bộ lượng tiền chỉ trong tích tắc. Nhưng ngược lại, khi cổ phiếu thua lỗ, việc đưa ra quyết định "đau thương" cắt lỗ lại khó khăn hơn nhiều. Tâm lý chung khi đó sẽ rất phân vân, không biết nên quyết định giữ hay cắt lỗ hay bình quân giá. Kết cục có thể khiến số lỗ ngày càng nhiều hơn, hoặc mỗi khi ra quyết định cắt lỗ lại thường trúng đáy.
Điều gì khiến nhà đầu tư khó chấp nhận cắt lỗ?
Có nhiều rào cản khiến nhà đầu tư khó có thể ra quyết định "đau thương" này.
Đầu tiên là tâm lý tiếc của, sợ mất tiền. Nếu như chưa cắt lỗ, cổ phiếu có thể có cơ hội hồi phục trở lại. Như vậy, khi cắt lỗ, cũng đồng nghĩa với việc số tiền lỗ chính thức được "hiện thực hóa", nhà đầu tư chính thức mất tiền. Do đó, đây là rào cản lớn ảnh hưởng đến việc cắt lỗ của nhà đầu tư.
Yếu tố thứ 2 là việc chấp nhận sai. Khi mua cổ phiếu, nhà đầu tư sẽ có những lập luận ủng hộ quan điểm của mình và thường có xu hướng cố chấp bảo vệ quan điểm này. Do đó, khi phải ra quyết định cắt lỗ cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận mình sai. Nhưng trên thực tế, việc chấp nhận cái sai của bản thân không bao giờ là điều dễ dàng.
Yếu tố thứ 3 là vì lỡ "phím hàng" cho người khác. Với nhà đầu tư cá nhân, chúng ta thường có xu hướng thích "phím hàng" cho những người xung quanh như bạn bè, đồng nghiệp, người thân…Tuy nhiên, trên thực tế việc "phím hàng" chưa bao giờ là dễ dàng và xác suất thua cuộc thường lớn hơn là thắng. Nếu như chỉ tự đầu tư, chúng ta có thể chấp nhận sai và dễ dàng sửa bằng việc cắt lỗ.
Nhưng một khi đã "phím hàng" công khai, mỗi khi sai lầm, chúng ta sẽ khó có thể nói với những người khác, nhất là những người thân quen cắt lỗ. Ngay chính bản thân người thực hiện "phím hàng" khi đó cũng có tâm lý không dám cắt lỗ trước bởi có thể mang những điều tiếng không hay.
Yếu tố thứ 4 là hay nghe "phím hàng". Nhà đầu tư cá nhân thường có xu hướng thích được ai đó "phím" và không nhiều người trong số đó thực sự tìm hiểu rõ về doanh nghiệp đầu tư. Do không tìm hiểu và phụ thuộc người khác nên mỗi khi thị trường biến động mạnh, cổ phiếu giảm sâu, nhà đầu tư sẽ không có được nhận định chủ quan để ra quyết định cắt lỗ nhanh chóng hay tiếp tục "gồng lỗ".
Làm gì để không phải đắn đo khi quyết định cắt lỗ?
Khi đầu tư chứng khoán, việc ra quyết định cắt lỗ hay không là điều mà hầu như bất kỳ ai cũng phải đối mặt. Để giải quyết những khó khăn khi ra quyết định về việc cắt lỗ, nguyên tắc đầu tiên là phải "hạn chế thua lỗ".
Để hạn chế thua lỗ, chúng ta cần nghiên cứu, tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp để có được mức định giá phù hợp khi mua vào, không bị "Fomo" theo đám đông và bị "kẹp". Nếu đã có những nghiên cứu chi tiết về doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ có mức giá tốt khi tham gia và khi đó sẽ hạn chế hơn việc thua lỗ. Ngay cả khi đã nghiên cứu kỹ về doanh nghiệp mà mua cổ phiếu xong vẫn lỗ, chúng ta cũng có được cái nhìn toàn cảnh hơn để ra quyết định về việc nắm giữ tiếp, mua bình quân thêm hay cắt lỗ.
Một điều quan trọng trước khi đầu tư vào cổ phiếu, chúng ta không nên chỉ nhìn vào dư địa tăng, nhìn vào tương lai chỉ toàn màu hồng mà cần đặc biệt quan tâm tới những rủi ro phải đối mặt. Chỉ khi xác định được điều này thì khi những rủi ro ập đến, chúng ta sẽ không còn quá bất ngờ và việc ra quyết định bán sẽ dễ dàng hơn nhiều.
Ngoài ra, với những nhà đầu cơ, có thể áp dụng thêm những phương pháp cắt lỗ kỷ luật. Một số trader lâu năm chia sẻ rằng họ sẽ mau chóng cắt lỗ khi cổ phiếu giảm 7% hoặc 10% từ điểm mua, đây cũng là phương pháp mà nhà đầu tư cá nhân có thể tham khảo để không phải đắn đo khi ra quyết định.
Bảo Long
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
Tin nổi bật Tài chính